Điều 143 Bộ luật Lao động quy định về lao động chưa thành niên như sau:
1. Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.
2. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.
3. Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
4. Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 145 thì người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh.
Đối chiếu quy định nói trên thì con bạn chỉ được tham gia lao động trong một vài lĩnh vực đặc thù nêu trên (có tính chất năng khiếu, nhằm phát huy điểm mạnh của trẻ chứ không nhằm mục đích tạo ra thu nhập như lao động thông thường).
Trường hợp đủ điều kiện lao động và có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh thì cũng phải tuân theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 145 Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:
a) Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
b) Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi;
c) Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 6 tháng;
d) Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.
Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 4 giờ trong một ngày và 20 giờ trong một tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Tiền công lao động theo thỏa thuận nhưng không được trái quy định của pháp luật.
Trên thực tế, nghỉ hè là thời gian trẻ cần được vui chơi, nghỉ ngơi để có sức khỏe tốt về thể chất, tinh thần, chuẩn bị cho năm học tiếp theo. Cha mẹ chỉ cần hướng dẫn, yêu cầu trẻ làm một số việc nhà phù hợp để rèn luyện kỹ năng, ý thức, trách nhiệm với gia đình, người thân.
Việc trẻ tham gia lao động bên ngoài gia đình quá sớm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, bóc lột lao động, lạm dụng, quấy rối tình dục.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội