Đây là công việc mang lại nguồn thu nhập chính từ hai tháng qua của chàng trai 28 tuổi ở Yên Bái. Ban đầu, Nam livestream trong một, hai tiếng ban ngày, thực hiện yêu cầu ca hát, nhảy múa, nhại tiếng động vật của người xem. Đổi lại, người xem tặng những món quà ảo cho Nam. Quà có giá trị càng lớn yêu cầu càng kỳ cục.
Thời gian livestream tăng dần, các yêu cầu cũng được nâng độ khó như ăn 10 quả ớt cùng lúc, ôm bình nước 20 lít squat 100 lần hay mặc nhảy xuống mương nước giữa đêm.
"Càng về khuya, người xem càng tặng quà nhiều. Đó là lý do tôi thường livestream kéo dài từ đêm đến sáng", Nam nói. Mỗi ngày anh kiếm được từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. "Thu nhập mỗi tháng gấp hai, ba lần so với đi làm công nhân", Nam tiết lộ.
Hàng ngày, Bảo Nhi, 22 tuổi, ở Đồng Nai thường trang điểm giống nhân vật hoạt hình Nhật Bản và livestream trên TikTok từ 21h. Bên góc trái màn hình cô gắn "bảng giá" của các hành động, ví dụ người xem tặng một hoa hồng cô sẽ tự tét đùi, tặng lợn sẽ hôn gió hoặc lắc mông, tặng chó con sẽ đánh bông xù đầu hay chồng cây chuối.
"Quà ảo đổi được thành tiền. Thu nhập mỗi tháng từ việc này không nhiều nhưng đủ tiêu xài", cô gái trẻ nói.
Hải Nam, Bảo Nhi là hai đại diện của trào lưu livestream NPC (mô phỏng nhân vật ảo). NPC là viết tắt của cụm từ Non Playable Character, nhân vật được điều khiển bởi máy tính trong các trò chơi. Khi một người chọn livestream NPC, người xem có thể điều khiển họ bằng cách nạp tiền, mua quà tặng. Streamer được hưởng 30% giá trị món quà này. Để tăng số lượng hoặc giá trị quà, nhiều streamer không ngần ngại thực hiện những hành động kỳ dị, nguy hiểm hoặc khêu gợi (nếu streamer là nữ).
Livestream NPC phát triển mạnh ở nhiều nước phương Tây và Trung Quốc, bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ đầu năm 2023. Khảo sát của VnExpress cho thấy, từ 22h đến 4h sáng mỗi ngày, một người dùng Tiktok Việt Nam có thể gặp 20-30 phiên livestream đổi quà kiểu này, chủ yếu do người trẻ thực hiện.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tâm, giảng viên khoa Kinh tế, Đại học Văn Lang, TP HCM, cho biết ngày càng nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam coi livestream NPC là công việc cho thu nhập chính. "Họ là những người không có vốn hoặc năng khiếu kinh doanh để bán hàng online, cũng không có tài năng nổi trội như ca hát, đóng tiểu phẩm để làm nhà sáng tạo nội dung", ông Tâm nói.
Hải Nam nói thích làm livestream NPC vì việc này đơn giản, không cần bằng cấp. Bảo Nhi cho biết "làm vì thấy nhiều người kiếm tiền dễ dàng nên bắt chước". "Trước đây tôi làm lúc rảnh, còn nay trở thành công việc chính. Tôi bỏ công sức, thời gian ra lao động chứ không xin xỏ ai", Nhi nói.
Tiến sĩ, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho rằng nhiều người làm livestream NPC đang nhầm lẫn giống như Bảo Nhi. "Nhận thù lao khi tạo ra sản phẩm có giá trị cho xã hội là chính đáng khác với việc làm những việc vô nghĩa, thậm chí kỳ cục", bà Hương nói.
Nhắc về nguyên nhân khiến trào lưu livestream NPC trở nên phổ biến, tiến sĩ Vũ Thu Hương nêu hai điểm. Một là xã hội đang có cái nhìn dễ dãi hơn với các chiêu trò nhảm nhí, khiến hành động cần bị tẩy chay lại được tung hô, cổ xúy. Hai là sự phát triển của mạng xã hội khiến người trẻ dễ dàng tiếp cận và bắt chước.
"Nghiêm trọng hơn, bất chấp đổi quà lấy tiền tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động tiêu cực đến chính người thực hiện, cộng đồng và sự phát triển của xã hội", bà Hương nói.
Về phía người xem, chuyên gia cho rằng họ đang lãng phí thời gian, tiền bạc cho những hoạt động vô bổ, nảy sinh suy nghĩ dùng tiền có thể điều khiển được mọi thứ. Việc thu lợi lớn từ các phiên livestream khiến người trẻ nảy sinh ảo tưởng rằng không cần kiến thức hay lao động vất vả vẫn được hưởng thụ. Bên cạnh đó, người hưởng ứng trào lưu này dễ vượt qua ranh giới đạo đức và pháp luật khi cuốn theo vòng xoáy của tiền bạc.
Trào lưu livestream NPC gây ra một làn sóng lo ngại trong xã hội của nhiều nước vì tạo ra góc nhìn hạ thấp giá trị, nhân phẩm con người. Jenna Drenten, nhà nghiên cứu xã hội học tại Đại học Loyola, Mỹ nhận thấy ngày càng nhiều người bất chấp để kiếm tiền trên các mạng xã hội. "Đó là ăn xin trực tuyến", chuyên gia nói.
Tại Indonesia, Bộ Thông tin và Tin học nước này đã nhiều lần yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải ngăn chặn và xóa những video livestream NPC. Ông Tri Rismaharini, Bộ trưởng Nội vụ Indonesia, kêu gọi công chúng báo cáo các video cho chính quyền và kêu gọi ngăn chặn hoạt động ăn xin, cả ngoài đời thực và trên mạng xã hội.
Hải Nam thừa nhận việc ngày nào cũng phải dội nước đá lên cơ thể lúc nửa đêm, vừa ôm bình nước và squat 50 lần, nhảy xuống sông hay ăn liên tục ăn ớt cay, đồ tươi sống khiến sức khỏe giảm sút và mệt mỏi kéo dài. Không ít lần anh làm xong thấy đầu óc quay cuồng, đứng không vững buộc phải dừng phiên livestream. Một số lần khác anh phải nghỉ vài ngày để hồi phục phần da bị bong tróc khi ăn đồ quá cay.
"Không tạo ra thử thách độc lạ người xem sẽ bỏ đi, thu nhập cũng sụt giảm. Tôi biết chúng nguy hiểm nhưng chấp nhận đánh đổi", Nam nói.
Còn với Bảo Nhi, thực hiện thử thách động chạm cơ thể khiến cô nhận không ít bình luận tục tĩu. Tài khoản cá nhân liên tục bị đối tượng xấu nhắn tin, uy hiếp. "Đó chỉ là những lời đe dọa, gạ gẫm trên mạng, không thể ngăn cản tôi kiếm tiền", cô kể.
Trước thực trạng trên, tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng thay vì "mất bò mới lo làm chuồng", cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp ngăn chặn từ đầu, không để các video có cơ hội phát tán.
"Nhưng quan trọng nhất là người sáng tạo nội dung cần phân định đúng - sai, tránh nhận thức lệch lạc về cách thức kiếm tiền. Công việc chân chính phải làm từ sức lực, trí tuệ và tạo ra sản phẩm phục vụ cộng đồng, xã hội, thay vì những hành động nhảm nhí, vì tiền mà làm bất chấp", chuyên gia nói.
Quỳnh Nguyễn - Ngọc Ngân