Cô đang phải chịu hình phạt cho người thua cuộc trong buổi live stream đôi (phát trực tiếp trên mạng xã hội) ngoài trời trên Wechat. Đây là trò chơi của một số cặp streamer, thi đấu về âm nhạc hoặc vũ đạo hay thậm chí là những hành vi nhảm nhí như "ai lắc vai nhanh hơn", hoặc "đoán màu đồ lót". Trong thời gian quy định, bên nào dành được nhiều quà tặng từ người xem sẽ thắng, bên thua phải chấp hành hình phạt ngay trong buổi live stream, như chống đẩy (hít đất), bị vẽ lên mặt, hay bất kỳ điều gì khác.
Lưu Lệ thừa nhận đây là một kiểu live stream thô tục, nhưng nó giúp cô kiếm tiền. "Thu nhập mỗi buổi live stream phụ thuộc vào lượng người xem. Bởi vậy phải làm mọi cách để giữ chân người xem càng nhiều càng tốt", cô gái 20 tuổi nói.
Tại cây cầu Quất Tử Châu ở thành phố Trường Sa, hàng ngày có tới 30 streamer tập trung. Những người này thường phát sóng trực tiếp trên các nền tảng video ngắn dưới dạng PK. Trước khi đưa ra thử thách cho nhau, hai bên thương lượng các biện pháp trừng phạt cho kẻ thua cuộc như nhảy cóc, dội nước lạnh, thậm chí là dội tương ớt lên cơ thể.
Cách chỗ Lưu Lệ không xa, một nữ streamer khác đang chịu hình phạt tại nhà vệ sinh công cộng. Ba xô nước lạnh lần lượt đổ từ đỉnh đầu xuống khiến người cô ướt sũng. Dù đã kết thúc hình phạt, nhưng nữ streamer mày vẫn phải mặc nguyên quần áo ướt sũng để tiếp tục livestream, hoàn thành trọn vẹn ngày phát sóng trực tiếp.
Một nữ streamer bị tạt tương ớt vào đầu, hét lên phản đối vì tương ớt rơi cả vào người nhưng đối phương vẫn chưa dừng lại. Ngay lập tức, một streamer ngồi bên cạnh vội xoay ống kính chĩa vào người cô gái, nói với khán giả của mình: "Thấy chưa, nếu thua tôi cũng sẽ bị như vậy".
Khi mới chập chững vào nghề, Lưu Lệ nói cô không chấp nhận những hình phạt như vẽ bậy lên mặt hay nhảy cóc. Nhưng thấy nhiều streamer nổi tiếng đều làm nên không thể từ chối.
"Ban đầu, những buổi live stream đôi diễn ra bình thường, nhưng sau đó ngày càng biến tướng". Lưu Lệ nói. Đầu tiên họ chỉ đổ nước khoáng lên đầu, sao đó là bia, nước tương, giấm, tương ớt rồi đến trứng sống.
Một chủ quán cà phê gần chân cầu Quất Tử Châu nói rằng hàng chục streamer tập trung ở đây live stream 24/7 suốt một tháng. Trước đây bà chỉ bán nước ngọt, cà phê, nhưng thấy nhiều người có nhu cầu mua đồ nên bán thêm nước tương, giấm, bột mì, trứng...
Theo quan điểm của Lưu Lệ, những nhân vật nổi tiếng đều có ngoại hình đẹp hoặc tài năng. Bản thân không có cả hai nên cô chỉ có thể dựa vào PK để thu hút người theo dõi (follow). Được người xem tặng quà trở thành thu nhập chính và tiêu chí duy nhất của những streamer theo hình thức PK.
Lưu cho biết sau khi trừ các khoản phí và thêm một số phần thưởng từ nền tảng, số tiền cô kiếm được chỉ bằng một nửa so với giá trị quà tặng từ người xem. Mỗi ngày phát sóng 3 trận, mỗi trận kéo dài 3-4 giờ, cô có thể kiếm được vài nghìn tệ hoặc nhiều hơn.
Nhiều người khuyên Lưu Lệ, không nên tham gia PK khi chưa nổi tiếng, nếu không sẽ thua thảm hại. "Ai mà chẳng muốn ở nhà, kiếm tiền bằng cách trò chuyện nhẹ nhàng", cô chống chế. Cô gái này hiểu được ý tốt của mọi người nhưng vì độ nổi tiếng chưa cao nên phải tiếp tục chiến đấu.
Mỗi ngày, những streamer này phải chạy trốn an ninh khu vực 2-3 lần. Mỗi đội chạy một ngả, nhưng chủ yếu là trốn vào các điểm chờ xe bus hoặc bến tàu điện ngầm để tránh mưa gió.
Những streamer như Lý Lệ thường tìm đến những quảng trường rộng lớn tại khu thương mại Ngũ Nhất nằm ở thành phố Trường Sa, tránh xa nhà dân nhất có thể. Tuy vậy đây cũng là nơi có cuộc sống sôi động về đêm. Cầu Quất Tử Châu là nơi "hạ cánh" mới nhất của nhóm này.
Để đối phó với sự hỗn loạn của các chương trình live stream thô tục, ngày 30/8, chính quyền quận Thiên Tân, TP Trường Sa đã tổ chức cuộc họp để tìm cách dẹp hiện tượng này. Các phòng ban liên quan đã mời người đại diện của 13 nền tảng phát trực tiếp đến để trao đổi chiến lược nhằm điều chỉnh hình thức và nội dung các buổi PK, xây dựng văn minh trên mạng.
Ngày 2/9, Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc cũng đã ban hành "Thông báo về việc tăng cường công tác quản lý các chương trình nghệ thuật và văn hóa quần chúng", chống lại các xu hướng giải trí thô tục và phản cảm của những "người nổi tiếng trên mạng".
Theo đó, một số nền tảng trực tuyến phải ra quy định cụ thể với các chương trình phát sóng trực tiếp. Ví dụ ở Douyin, cấm phát các trò chơi thô tục và những hình phạt phản cảm. Kuaishou cũng có những động thái tương tự trong khi Wechat cấm các trò chơi khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục.
Vy Trang (Theo People's Daily)