Khái niệm "con gái toàn thời gian" bắt nguồn từ cụm từ "nội trợ toàn thời gian", tức những người vợ chỉ chăm lo việc nhà còn tiền nhà, tiền ăn và sinh hoạt phí khác đều do chồng lo.
Đây được xem là giải pháp thay thế cho những người Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ thị trường lao động cạnh tranh và guồng quay "996", tức là làm từ 9h sáng tới 9h tối 6 ngày mỗi tuần. Đồng thời nó cũng có ý nghĩa trong bối cảnh dân số già ở các gia đình một con. Chưa có số liệu thống kê chính thức, song làm "con gái toàn thời gian" đang được chia sẻ sôi nổi trên các diễn đàn và nhiều người cho biết đang chọn lối sống này.
Ở Thẩm Dương, Hứa Giang, 37 tuổi đã làm việc này được nửa năm. Bố mẹ cô nghỉ hưu tháng 12 năm ngoái, lương hưu cộng lại được 7.000 tệ (gần 25 triệu đồng) mỗi tháng. Gia đình sinh hoạt giản dị nên số tiền thoải mái cho cả ba người sống. Hứa Giang quyết định nghỉ việc để chăm sóc bố mẹ.
Công việc hàng ngày của cô rất đơn giản. Mỗi sáng cô dậy sớm dọn dẹp nhà, đi chợ, nấu cơm. Sau buổi trưa đến chiều cô sẽ có thời gian cho bản thân và buổi tối tiếp tục chuẩn bị cơm nước cho bố mẹ.
Cô cũng chịu trách nhiệm mua sắm mọi thứ cho gia đình, nhận chuyển phát nhanh và các công việc lặt vặt khác. Về cơ bản tiền sinh hoạt hàng tháng của cả nhà hết khoảng 4.000 tệ (14 triệu đồng).
"Sở dĩ tôi có công việc này là do mối quan hệ gia đình tôi rất tốt. Từ nhỏ đến lớn tôi với bố mẹ không có bí mật nào, chia sẻ mọi thứ. Bố mẹ tôi cũng không ép buộc, kỳ vọng, chỉ muốn tôi hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống", cô cho biết.
Hứa Giang từng có người yêu và đã định kết hôn năm 30 tuổi. Tuy nhiên bạn trai là người tự lập kém. Nghĩ đến hôn nhân phải chăm sóc người khác và đối mặt mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu khiến cô thấy khó mà hạnh phúc. "Sau khi chia tay tôi trải qua thời kỳ độc thân rất viên mãn, được theo đuổi những gì mình thích", cô chia sẻ.
Và như được khai sáng, cô càng củng cố niềm tin vào độc thân. Bố mẹ cũng ủng hộ. "Tại sao không thể sống làm một người con gái phụng dưỡng bố mẹ thật tốt", cô nói.
Cô gái 37 tuổi này đã trải qua nhiều công việc văn phòng khác nhau, trước khi mở một cửa hàng bánh ngọt. Nhưng sau đó do kém giao tiếp và Covid-19, cô buộc phải đóng cửa.
Từ lúc nghỉ việc để ở nhà chăm bố mẹ, cô mở một blog chia sẻ về cuộc sống hàng ngày, với các công thức nấu ăn ngon. Cô vẫn có thu nhập lẻ tẻ từ khách hàng đặt bánh. "Đôi lúc tôi cũng lo lắng cuộc sống tương lai, rằng một lúc nào đó sẽ ra ngoài kiếm việc. Mẹ động viên tôi 'thuyền đến cầu ắt sẽ thẳng", cô kể.
Khác Hứa Giang, Elle Lee, 36 tuổi, ở Thượng Hải học nội trú từ nhỏ, sau này đi du học nên không gần gũi với cha mẹ. Trước năm 30 tuổi cô có phần bất mãn với đấng sinh thành vì ít được quan tâm khi còn nhỏ, học hành, sự nghiệp của cô cũng không có ý kiến.
"Sau này em gái tôi đi du học, ông nội mất. Lần đầu tiên tôi thấy cha khóc. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng cha mẹ đã già và nếu không dành thời gian ở bên sẽ phải hối tiếc", cô chia sẻ.
Cô cũng nhận ra cha mẹ phải hy sinh rất nhiều cho cô điều kiện lớn lên tốt nhất. Vì thế Elle Lee quyết định quay trở lại để đồng hành với bố mẹ. Cô đăng ký học thạc sĩ tại Thượng Hải và trong thời gian học, cô là một "đứa con gái toàn thời gian".
Đối với cô, nghề này lấy việc "tháp tùng" làm công việc của mình và tập trung cho bố mẹ. Cô đã không có mối quan hệ nào trong vài năm qua, thường xuyên ở nhà. Nếu bố mẹ muốn mua thứ gì đó trên mạng, cô sẽ tìm cho đến khi họ vừa ý. Mắt bố mẹ không tốt nên cô trở thành tai mắt cho họ. Khi họ muốn chơi, cô giúp lên kế hoạch. "Chỉ khi bố mẹ ngủ, công việc của tôi mới kết thúc", Elle Lee chia sẻ.
Nhiều lúc đang làm việc gì đó bên ngoài mà bố mẹ cần, cô cũng phải bỏ đó về gấp. "Có đêm bố uống rượu bên ngoài. Nếu là trước đây tôi đã gọi tài xế, nhưng giờ tôi đi đón bố", cô chia sẻ.
Cô cũng lo mọi việc khác ở nhà. Ví dụ, một con chó bị suy thận, cô tìm bác sĩ điều trị. Khi nó chết cô cũng chịu trách nhiệm hỏa táng. "Cha mẹ giống như những đứa trẻ và bắt đầu nghe lời tôi", cô chia sẻ.
Có lần mẹ muốn đi du lịch, nhưng không muốn theo tour. Vì thế cô đã lập nhóm đi và thiết kế toàn bộ lịch trình cho mẹ. Bố Elle Lee lại thích chơi bóng rổ với người cùng tuổi, nên cô sẽ đi theo ông vừa giám sát vừa cổ vũ, dù ở sân chơi không có người trẻ nào.
"Bạn bè của bố mẹ nói bố mẹ thật hạnh phúc vì có con cái ở bên. Con của họ bận việc ít có thời gian gặp nhau. Trước đây họ ghen tỵ với các gia đình có con cái đã kết hôn, nhưng giờ họ đang ghen với bố mẹ tôi vì có con ở bên mỗi ngày", Elle Lee chia sẻ. Đến nay cô đã làm con gái toàn thời gian được 6 năm.
Bây giờ mặc dù đã tốt nghiệp, cô vẫn chưa nghĩ nhiều về tương lai. "Sau dịch bệnh, tôi thực sự chú ý hơn đến tình trạng hiện tại. Tôi chỉ muốn ưu tiên bố mẹ trước, cuộc sống của tôi sẽ theo sau", cô nói.
Ở Quảng Châu, Tiểu Dương 27 tuổi đã làm con gái toàn thời gian được nửa năm. Trước đây Tiểu Dương tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng ở Bắc Kinh, lúc đó cô tràn đầy khao khát được rời xa ngôi nhà của mình. Lúc đầu cô làm xuất bản, nhưng sau chuyển đến Thượng Hải, thay đổi công việc. Đáng nói càng chuyển lương càng thấp, thậm chí cô tiêu hết tiền tiết kiệm.
Đường cùng cô làm nhân viên pha chế cà phê. Đại dịch khiến quán đóng cửa. Cô không còn khả năng trả tiền thuê nhà nên về quê.
Bố của Tiểu Dương làm việc trong một nhà máy gốm sứ đã gần 30 năm. Ngày nhỏ cô không muốn vào nhà máy, nhưng vì thất nghiệp nên cô theo bố đến xưởng học làm gốm. Hai bố con đã có những sự kết hợp rất thú vị, cô có rất nhiều ý tưởng, còn bố như nhà tư vấn kỹ thuật, giúp hiện thực hóa.
Bên cạnh công việc, trước đây Tiểu Dương cũng làm tình nguyện vì vốn là người quan tâm đến nhiều vẫn đề của xã hội như dân số già, cuộc sống số của người già. Còn bố cô từng được con gái tặng chiếc dao cạo râu, nhưng ông không biết nó có thể nhúng nước nên đã dùng tăm bông loại bỏ từng sợi râu.
Lúc đó cô cảm thấy mình rất mâu thuẫn. Làm truyền thông phúc lợi công cộng nên hàng ngày cô sẽ nói với mọi người về những trở ngại của người già trong việc sử dụng các sản phẩm kỹ thuật số, nhưng chính bố mẹ cô vẫn gặp trở ngại này.
Vì thế Tiểu Dương quyết định ở nhà để đồng hành cùng cuộc sống tuổi già của bố mẹ. "Trước đây tôi cứ tưởng cha mẹ muốn con phải thành công, nhưng về nhà tôi nhận ra bất kể chúng ta làm gì, chỉ cần nói rằng đang sống tốt và hạnh phúc, cha mẹ có thể chấp nhận", cô chia sẻ.
Sinh sau đẻ muộn, từ nhỏ cô đã lo một ngày nào đó cha mẹ rời xa mình. "Nhưng làm con gái toàn thời gian đã cho tôi cơ hội làm con của bố mẹ ở tuổi trưởng thành. Tôi vẫn sợ ngày họ rời đi, nhưng khác hẳn thuở bé, chúng tôi đã trả qua một quãng thời gian bình đẳng", cô chia sẻ.
Bảo Nhiên (Theo Zhuanlan)