Ra đời năm 2009 tại Mỹ và chính thức hoạt động năm 2010, ứng dụng Uber được xây dựng dành cho người dùng thiết bị di động thông minh có thể tìm kiếm một phương tiện chuyên chở thích hợp cho mình, cũng như tài xế có thể tìm thấy khách hàng nhanh nhất, giảm thiểu chi phí. Cũng chính từ ưu điểm đó mà sau khi ra mắt được vài tháng dịch vụ Uber nhanh chóng được người dùng lựa chọn.
Vì đụng tới "nồi cơm" của các công ty vận chuyển nên Uber vấp phải sự phản đối, thậm chí tẩy chay của đông đảo các hãng taxi trên thế giới. Hàng nghìn tài xế trên thế giới đã xuống đường biểu tình để phản đối.
Tại Việt Nam, Uber xuất hiện ở TP HCM từ đầu tháng 7/2014 và cũng gây ra nhiều tranh cãi ngay từ ngày đầu. Trong khi số phận Uber còn chờ cơ quan chức năng quyết định, thì nhiều dịch vụ tương tự đã ra đời và phát triển rầm rộ.
Điển hình như Grabtaxi, đây cũng là dịch vụ gọi taxi ứng dụng trên điện thoại thông minh. Người dùng sẽ phải cài đặt một phần mềm có tên của hãng này trên máy tính hoặc điện thoại di động của mình. Để có thể ứng dụng, người dùng phải cập nhật tên và địa chỉ email. Với mã code mà phần mềm đưa ra, họ mới có thể thực hiện thao tác đặt xe cho hành trình của mình. Dịch vụ này đang được ứng dụng rộng rãi ở Hà Nội với hàng trăm hãng taxi. Grabtaxi không làm việc theo phương thức hợp tác với hãng nào, mà chủ yếu liên hệ trực tiếp với lái xe. Theo đó, những lái xe của các hãng sẽ được tư vấn cẩn thận trước khi tham gia vào hệ thống. Việc tính tiền hoa hồng sẽ được Grabtaxi trả qua tài khoản cho tài xế.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Grabtaxi Việt Nam cho hay, hiện loại hình này cũng đã được ứng dụng tại TP HCM. Không tiết lộ lượng khách và doanh thu, tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho hay, trong 4 nước khu vực Đông Nam Á mà hãng này đầu tư, Việt Nam là nước có mức độ tăng trưởng nhanh nhất. Hãng cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư ở một số tỉnh thành lớn trong năm nay.
Chẳng khác mấy so với Grabtaxi, Easytaxi cũng nhanh chóng len lỏi vào thị trường Việt năm 2014 và đang ngày càng cạnh tranh gay gắt với 2 hãng trên.
Không muốn mất thị phần trong vận tải, nhiều hãng taxi ở Việt Nam cũng đang ráo riết triển khai và phát triển thêm dịch vụ này. Gần đây nhất là hãng taxi Mai Linh đã cho ra phần mềm Mai Linh Taxi-Vietek. Phần mềm này được ứng dụng trên điện thoại thông minh và giúp khách hàng gọi taxi nhanh chóng và thuận tiện. Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT công ty cho hay, việc cho ra ứng dụng này giúp công ty điều hành và quản lý tài xế tốt nhất. Đồng thời, giúp khách hàng và tài xế rút ngắn được thời gian trong các khâu: gọi xe, thanh toán và kiểm soát số km…
Không chỉ các hãng taxi nhanh chóng bắt nhịp trào lưu này, ngay cả các dịch vụ như dọn nhà, hay xe ôm tại Việt Nam cũng nhanh chân không kém.
Mới đây, Công ty FPT Telecom sau một thời gian ấp ủ ý tưởng đã cho ra dịch vụ tìm người giúp việc thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động với tên gọi viecnha. Đây là nền tảng ra mắt đầu tiên trong lĩnh vực kết nối các cá nhân, hộ gia đình tìm kiếm dịch vụ với chất lượng đảm bảo tại Việt Nam. Theo đó, khi khách hàng có nhu cầu muốn dọn nhà, trước tiên sẽ mở ứng dụng đã cài đặt, đưa ra yêu cầu cần làm, kèm theo diện tích căn nhà cùng 3 tấm hình chụp bằng điện thoại, đặt lịch hẹn (ngày giờ) và cuối cùng là điền thông tin liên hệ của gia chủ.
Sau khi đã gửi thông tin và được tiếp nhận, khách hàng sẽ biết trước tổng mức phí phải trả, thông tin hình ảnh của nhân viên sẽ đến làm, những đánh giá trước đó về nhân viên này. Phía FPT Telecom sẽ thu 10.000 đồng cho mỗi giao dịch thành công, về sau sẽ tính toán lại để thu mức phần trăm nhất định. Khâu thanh toán chi phí của khách hàng do đối tác phụ trách.
“Mặc dù mới ra mắt trong thời gian ngắn nhưng tới nay mỗi ngày có gần 200 lệnh đặt, thậm chí nhiều giúp việc còn làm tới 3-4 đơn vị một ngày”, Lê Trọng Đức, Trưởng ban dự án cho biết.
Hiện nay, ngoài FPT cung cấp dịch vụ này, trên thị trường cũng đã xuất hiện thêm đơn vị cung ứng tương tự là taske.
Trao đổi với Vnexpress.net, một chuyên gia nhìn nhận, 2014 loại hình kinh doanh, ứng dụng cung cấp dịch vụ gọi xe theo chuyến như taxi mang tên Uber đã trở thành một trong những điểm nóng trên nhiều phương diện như công nghệ, kinh tế, truyền thông… khắp thế giới. Sang 2015, sẽ tiếp tục là một năm bùng nổ với các dự án khởi nghiệp theo mô hình kinh doanh kiểu Uber.
"Tôi cho rằng học hỏi và phát triển mô hình kinh doanh theo kiểu Uber không có gì xấu. Tuy nhiên, học hỏi không đồng nghĩa với sao chép, mỗi công ty cần có hướng đi riêng đến thành công và tạo sự khác biệt giữa 'một rừng nấm' sau cơn bão Uber hiện nay", chuyên gia này nói.
Vị này cũng cho biết thêm, hiện nay ngoài các đơn vị trên áp dụng kinh doanh theo kiểu Uber thì các nhà hàng, khách sạn cũng đang triển khai ứng dụng theo kiểu này. Ngay cả các công ty lớn như VNPT và Viettel cũng rục rịch triển khai dự án. Tuy nhiên, con đường phía trước còn dài. Ngay chính những người khởi xướng là Uber cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là sự cạnh tranh từ những đơn vị kinh doanh địa phương và loại hình kinh doanh cũ, và hơn nữa là cả những rào cản văn hóa, thói quen tiêu dùng… từ nhiều nền kinh tế khác biệt.
Thi Hà