Thứ bảy, 25/1/2025
Thứ tư, 11/2/2015, 15:42 (GMT+7)

Uber lọt Top công ty bị ghét nhất nước Mỹ

Không chỉ khách hàng phàn nàn khi Uber tranh thủ tăng giá cước khi nhu cầu lên cao mà nhiều tài xế Mỹ cũng biểu tình phản đối. Ngoài Uber, nhiều tên tuổi khác như GM, Sony, McDonald’s... cũng bị ghét trong năm qua.

1. Uber

Uber có lẽ là cái tên tốn nhiều giấy mực của báo giới nhất trong năm 2014. Bên cạnh những lời tán dương về tốc độ phát triển chóng mặt thì tranh cãi xung quanh công ty này cũng không phải là ít. Sự phẫn nộ dành cho Uber chủ yếu đến từ các tài xế taxi. Công ty này cũng gặp phải sự phản đối từ phía chính quyền khi tại một số nước, nó gặp phải rất nhiều yêu sách và thậm chí là bị buộc phải tạm dừng hoạt động.

Ngay cả các tài xế Uber cũng biểu tình chống lại chính sách giảm giá để tăng tính cạnh tranh của công ty. Khách hàng thì lại phàn nàn về việc Uber cho tăng giá nhân lúc nhu cầu đi lại của người dân lên cao, đến mức Ủy ban thành phố New York đã phải tính tới việc áp dụng trần giá cho cước phí của hãng này.

Ngoài ra, Uber cũng phải hứng chịu chỉ trích gay gắt từ dư luận khi có những hành vi gây hấn với giới truyền thông. Điển hình là một lãnh đạo của Uber đe dọa sẽ moi móc thông tin cá nhân của các phóng viên đưa tin tiêu cực về công ty.

2. General Motors

General Motors đã có một năm 2014 điêu đứng khi liên tiếp dính “phốt” thu hồi xe, trong đó nghiêm trọng nhất là sai sót ở bộ phận công tắc đánh lửa và túi khí, dẫn tới 42 trường hợp tử vong. Theo báo cáo, công ty đã phải thu hồi tổng cộng 3,4 triệu xe ôtô, thiệt hại trên 2,7 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm ngoái.

Các vụ bê bối của GM đã dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận. Bên cạnh 400 triệu USD bồi thường cho các nạn nhân, GM còn lĩnh mức phạt cao nhất 35 triệu USD từ Bộ Giao thông Mỹ. Thậm chí, GM còn bị tố cáo là đã phát hiện ra những lỗi kỹ thuật này từ năm 2001, nhưng lại “nhắm mắt cho qua”, dù chi phí khắc phục chỉ vào khoảng 90 xu một xe.

3. Sony

Sony dường như là tập đoàn có kì nghỉ lễ tồi tệ nhất vừa qua. Báo chí đưa tin bộ phim “The Interview” của hãng phim Sony Pictures Entertainment đã bị rò rỉ trên mạng ngay trước ngày ra mắt. Thủ phạm được xác định là những tin tặc ở Bắc Triều Tiên vì bộ phim đã xúc phạm tới hình ảnh đất nước này và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngoài ra, dữ liệu về lương nhân viên và nội dung email giữa các nhân vật tầm cỡ Hollywood cũng bị công khai. Trong đó, nhiều email tiết lộ các cuộc đấu đá giữa các quan chức trong công ty.

Không dừng lại ở đó, các năm qua, Sony liên tục báo lỗ dù đã thực hiện nhiều cuộc cải cách tốn kém. Smartphone Sony đang mất dần thị phần do kinh doanh thất bại. Giao dịch chứng khoán của Sony trên sàn New York đã giảm 30% trong vòng 5 năm qua.

4. DISH Network

Vừa qua trong khảo sát của Zogby, 20% số người được hỏi đánh giá dịch vụ của DISH là rất tệ. Công ty dịch vụ truyền hình vệ tinh này cũng xếp sau rất nhiều đối thủ khác theo như chỉ số hài lòng của khách hàng ACSI.

Sau những mâu thuẫn mới đây giữa DISH và Fox, khách hàng của DISH đã không còn có thể xem Fox News và những kênh tin tức kinh doanh khác. Vụ việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức độ hài lòng của khách hàng, đặc biệt là với những người yêu thích kênh Fox News. Những vụ tranh chấp khác của DISH với AMC Networks, Turner Networks và CBS cũng làm khiến khách hàng mất đi khá nhiều lựa chọn.

DISH cũng gặp rắc rối ngay trong nội bộ công ty, khi các nhân viên thường xuyên phàn nàn về cung cách quản lý của bộ phận lãnh đạo.

5. McDonald’s

Lương thấp hiện là vấn đề nhức nhối ở McDonald’s. Các nhân viên cho rằng họ đang được trả lương quá thấp. Trung bình lương của nhân viên phục vụ là 8,25 USD một giờ và nhân viên thu ngân là 8,41 USD một giờ.

Quá bất mãn, nhân viên công ty đã bắt đầu biểu tình từ cuối năm 2013. Thậm chí họ còn biểu tình ngay bên ngoài trụ sở McDonald’s ở Oak Brook, Illinois trong khi cuộc họp cổ đông thường niên đang diễn ra. Vấn đề càng trở nên gay gắt khi Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia vào cuộc, theo đó McDonald’s phải chịu trách nhiệm pháp lý cho những vi phạm về lao động.

Không những thế, theo chỉ số hài lòng của khách hàng ACSI, McDonald’s còn xếp cuối trong các công ty thức ăn nhanh.  Công ty còn phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu trong vòng bốn quý liên tiếp và phải tính tới phương án rút gọn thực đơn để níu kéo khách hàng.

6. Bank of America

Bank of America vừa nhận được mức điểm ACSI là 69, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 76 điểm của ngành. Dịch vụ chăm sóc khách hàng của “gã khồng lồ” này cũng bị đánh giá là vô cùng thảm hại trong khảo sát Zogby năm 2014.

Sau khi phát hiện lỗi trong khâu kế toán vào tháng Tư vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang đã yêu cầu Bank of America dừng các hoạt động mua lại cổ phiếu và kế hoạch tăng cổ tức. Ngân hàng này cũng rơi vào khủng hoảng tài chính sau khi chi tới 26,65 triệu USD để giải quyết các rắc rối về thế chấp. Đây cũng chỉ là một trong số những án phạt về vấn đề tương tự trong những năm gần đây. Hệ quả là giá cổ phiếu Bank of America không hề tăng trong vòng 5 năm qua dù chỉ số S&P tăng gần 80%.

7. Sprint

Sprint đã liên tiếp khiến khách hàng cực kỳ thất vọng trong nhiều năm qua. Công ty đã bị mất gần 2,6 triệu thuê bao điện thoại trả sau, dẫn tới việc cắt giảm 2.000 nhân viên để giảm chi phí.

Nguyên nhân khiến khách hàng quay lưng lại với Sprint có lẽ là do bất mãn với dịch vụ chăm sóc khách hàng. 21% khách hàng đã đánh giá Sprint là rất tệ trên khảo sát Zogby. Đây là kết quả đáng thất vọng nhất so với các công ty cùng ngành.

Ngoài ra, cổ phiếu của hãng này đã bị rớt giá tới một nửa trong vòng 12 tháng qua.

8. Spirit Airlines

Spirit Airlines là hãng hàng không khá tai tiếng khi các trường hợp chậm chuyến bay, mất hành lý hay phát sinh chi phí ẩn xảy ra như cơm bữa. Hàng loạt các dịch vụ bị tính riêng lẻ, từ phí khoang để đồ cho tới nước uống trên máy bay. Thế nhưng hãng này vẫn một mực khẳng định mức giá mình đưa ra là thấp nhất trong ngành hàng không.

Theo Consumer Reports, Spirit là hãng hàng không tệ nhất năm 2013. Quỹ Giáo dục PIRG còn cho biết từ năm 2009 đến năm 2013, Spirit nhận được số phàn nàn nhiều gấp 3 lần các hãng hàng không khác.

Spirit Airlines thậm chí còn tự công nhận mình là hãng hàng không bị ghét nhất nước Mỹ và công khai một bản báo cáo tổng hợp lại các nhận xét tiêu cực từ phía khách hàng.

9. Wal-Mart

Theo ACSI, các chuỗi cửa hàng bán lẻ và siêu thị của Walmart đã nhận được đánh giá cực thấp từ khách hàng. Americans for Tax Fairness cho biết Walmart trả lương cho nhân viên rất thấp. Điều này tạo ra gánh nặng xã hội khi một phần tiền thuế được chi để đảm bảo phúc lợi xã hội cho 1,4 triệu lao động của Walmart. Ngoài ra, Walmart còn là mối đe dọa cho các doanh nghiệp địa phương ở những nơi có cửa hàng của tập đoàn này.

10. Comcast

Chỉ số hài lòng khách hàng ACSI cho dịch vụ Internet và truyền hình của Comcast đều rất thấp. Dịch vụ chăm sóc khách hàng của Comcast cũng bị đánh giá là tệ thứ hai theo khảo sát Zogby. Một đoạn băng ghi âm cho ghi lại việc nhân viên của Comcast từ chối hỗ trợ khách hàng hủy bỏ sử dụng dịch vụ đã bị phát tán vào năm ngoái, đã gây nên phản ứng dữ dội từ dư luận.

Comcast còn khiến khách hàng vô cùng tức giận khi tuyên bố sẽ sát nhập với đối thủ Time Warner Cable. Điều này sẽ là giảm cạnh tranh trong ngành công nghiệp vốn đã mang tiếng ít thân thiện với người dùng.

Các khách hàng doanh nghiệp cũng bất mãn với dịch vụ cung cấp Internet của công ty. Điển hình là vụ việc Netflix cáo buộc Comcast cố ý làm chậm tốc độ Internet để thu phí từ các nhà cung cấp nội dung.

Hà Tường (Theo 24/7Wall Street)