"Sợ gia đình ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, lại đang trong thời kỳ cho con bú, nên mình quyết định 'tẩy chay' thực phẩm ở chợ và nhờ ông bà ở quê Thanh Hóa gửi thức ăn ra gần như từ A đến Z", chị cho biết.
Tuần một lần, chồng chị Hằng lại ra bến xe Mỹ Đình nhận hàng ông bà gửi tới. Thực phẩm thay đổi linh hoạt tùy theo đơn đặt hàng của vợ chồng chị. "Tuần thì thịt lợn, cá, rau muống; tuần thì thịt bò, thịt trâu, rau ngót; thậm chí gia vị hành tỏi mình cũng lấy từ quê luôn. Tuy không thể phong phú như ở chợ nhưng ít ra cũng đảm bảo an toàn và yên cái bụng".
Từ khi chuyển cả "chợ quê" xuống thành phố, tủ lạnh nhà chị lúc nào cũng chật ních đồ ăn, không phải lo lắng mưa gió hay về muộn hết thức ăn, "có điều những đồ đông lạnh mình phải bỏ ra từ sáng, chuyển xuống ngăn dưới tủ lạnh để chiều về nấu nướng đỡ mất thời gian".
Về chi phí, chị cho biết thực phẩm ở quê vừa ngon lại rẻ hơn nhiều so với thức ăn mua ở chợ, chỉ có điều hơi mất công trong quá trình vận chuyển. "Với lại mình cũng phải chọn xe quen để họ cất đồ của mình cẩn thận, và yên tâm không sợ thất lạc", chị chia sẻ thêm.
Cùng chung nỗi lo lắng như Hằng là gia đình chị Hiền (Linh Đàm, Hà Nội). Sau khi đọc nhiều bài báo nói về gà tăng trọng; thịt siêu nạc nhiều hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi; rau cỏ vừa phun thuốc sâu đã mang bán, chị thành ra ác cảm, không dám mua thịt cá ở chợ nữa. Mặc dù quê ở tận Nghệ An, nhưng chị vẫn đều đặn hàng tháng gửi tiền về cho bác cả ở quê mua thức ăn gửi ra, tháng gửi 2-3 lần. Không những thế, vợ chồng chị còn nhờ bác nuôi cho một đàn gà, vịt, để lấy trứng, thịt ăn dần. Các thực phẩm rau cỏ khác thì chị vào siêu thị mua. "Bất đắc dĩ lắm mình mới phải mua rau ngoài chợ, nếu mua cũng thường chọn rau mã xấu xấu. Như vậy mình thấy yên tâm hơn", chị cho biết.
Chồng làm ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), nên gia đình chị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) suốt 5 năm nay gần như không phải bước chân ra chợ mà gần như lấy 100% thực phẩm ở quê.
Anh Nam, chồng chị Lan, ngày đi làm, chiều tối về qua nhà bố mẹ ở Vĩnh Phúc lấy thức ăn rồi về nhà đưa vợ nấu. “Chồng mình rất kỹ tính, kỵ thực phẩm sử dụng chất bảo quản. Đặc biệt là hoa quả Trung Quốc mã đẹp, anh không bao giờ ăn. Nếu muốn ăn hoa quả thì phải ra siêu thị hoặc gửi từ quê xuống".
Với những gia đình không có người thân ở quê, cũng không có điều kiện trồng rau sạch, nhưng lại sợ mua thức ăn ở chợ, họ thường chọn cách vào siêu thị hoặc nhờ bạn bè có người thân ở quê mua hộ. "Gia đình nội ngoại đều ở Hà Nội, lại không quen ai ở xa, nên mình thường nhờ cô bạn cùng công ty quê Bắc Ninh gửi thực phẩm sạch cho. Mỗi lần như thế, chồng mình lại ra bến xe lấy đồ cho cả hai nhà, hoặc cuối tuần cô ấy về quê mang thức ăn xuống cho hai gia đình", chị Trang (Lê Văn Lương, Hà Nội) chia sẻ.
Xu hướng gửi thực phẩm sạch từ quê ra thành phố không chỉ dừng lại ở các gia đình đơn lẻ, nó còn trở nên phổ biến và "chuyên nghiệp" hơn ở một số công ty tư nhân. "Hai năm gần đây, diễn đàn nội bộ công ty mình có rất nhiều bạn đăng tin cung cấp thực phẩm sạch cho mọi người. Người cung cấp rau, người cung cấp hoa quả... Mùa nào thức đấy, mình thấy vừa an toàn, lại tăng tính gắn kết giữa các thành viên", chị Phương (Đường Láng, Hà Nội), hào hứng kể.
Chị Mai, nhân viên một công ty công nghệ ở Cầu Giấy, cho biết các cô tạp vụ ở công ty chị còn dán một tờ giấy ở phòng bếp công ty với nội dung "Bán hoa quả quê theo mùa, đảm bảo hoa quả chín cây không dấm thuốc, độ xanh chín theo yêu cầu và an toàn". Kể từ khi thông báo được đưa lên, các chị em trong công ty thấy yên tâm hơn rất nhiều về khâu mua hoa quả sạch, đảm bảo vệ sinh.
Có kinh nghiệm nhiều năm sử dụng thực phẩm từ quê gửi xuống, chị Lan gợi ý các bà nội trợ đang muốn học theo cách này một số điều lưu ý sau:
- Nên chọn xe quen để gửi đồ, tránh tình trạng đồ bị thất lạc, lại an toàn. Ngoài ra, bạn cũng nên nhờ người thân gửi đồ vào khung giờ nhất định, để tạo thói quen và không làm ảnh hưởng đến công việc sinh hoạt khác của cả hai bên.
- Thực phẩm nên gửi trung bình 2-4 lần/tháng nếu có thể.
- Với thực phẩm thịt cá, nên làm sạch trước, xắt miếng nhỏ vừa đủ cho từng bữa ăn rồi để vào từng túi riêng, đến lúc sử dụng không phải lo xắt nhỏ, mất thời gian.
- Với thực phẩm rau củ, nên gửi các loại củ quả có thể để lâu như bầu, bí, khoai sọ. Nếu gửi các loại rau khác như rau muống, mùng tơi, rau ngót... bạn nên sử dụng các loại rau này trước rồi mới đến các loại củ quả để đảm bảo thực phẩm luôn được tươi ngon, không sợ bị hỏng..
Thế Đan