Đây là kết quả cuộc điều tra trên 7.200 hộ dân tại 12 tỉnh, thành, được đưa ra trong Hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2006-2010 tổ chức tại Hà Nội ngày 23/3.
Qua đó cho thấy, tỷ lệ người dân hiểu biết đúng, đầy đủ về thực phẩm, tên bệnh, triệu chứng ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm còn hạn chế.
Khảo sát cũng cho thấy ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn gia đình vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, và nguyên nhân do hóa chất đang tăng lên.
Năng lực xét nghiệm của nhiều địa phương còn hạn chế. Ảnh: Nam Phương. |
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận: "Chúng ta đã không đạt mục tiêu đề ra nhằm nâng cao nhận thức về thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân, người sản xuất, lãnh đạo...".
Theo ông Phong lý do chưa đạt là vì cơ quan quản lý chưa đánh giá sát tình hình thực tiễn, đưa mục tiêu chưa sát. Ngoài ra, việc thay đổi thói quen thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm là cả một quá trình rất dài và từ từ.
Dưới đây là một số gợi ý giúp người dân chọn thực phẩm sạch:
- Thịt gà, ngan, vịt
Vớt thịt làm sẵn nên chọn loại có màu sắc tự nhiên (từ trắng ngà đến vàng tươi), mắt sáng. Da kín, lành lặn, không có vết bẩn, vết bầm, mốc meo hoặc vết lạ. Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền. Với thịt chế biến sẵn như thịt quay thì chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh. Không mua thịt ở các sạp, rổ, mẹt để sát đất vì dễ lây vi khuẩn nhiễm độc thịt. Nếu mua gà sống thì chọn con có bộ lông óng mượt, mắt tinh nhanh, mào đỏ tươi, chân bé, lườn căng.
- Thịt lợn
Chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Thịt tươi, ngon phải có độ rắn chắc, đàn hồi cao, khi lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
- Rau, quả
Không mua rau đã héo úa, dập nát hay có dấu hiệu bất thường như "quá mập", "quá phồng" hoặc dính các hạt bụi nhỏ. Khi sử dụng, cần nhặt riêng lá và cọng rau, ngâm trong nước sạch 15-20 phút, sau đó, rửa trôi 2-3 lần trước vòi nước chảy hoặc trong chậu nước đầy. Nếu là quả thì nên gọt bỏ vỏ, loại những quả dập, nát.
- Đồ hộp
Chọn loại 2 nắp hộp bị lõm vào, gõ vào có tiếng kêu đanh. Nếu nắp hộp phình ra, gõ vào tiếng kêu bịch bịch thì đồ hộp đã bị hỏng. Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra bằng cách nhúng hộp vào chậu nước ở 70-80 độ C, lấy tay đè xuống xem có bọt khí nổi lên không, nếu không thì thực phẩm đã bị hỏng.
Phương Trang