Trang Wccftech dẫn lời blogger công nghệ Duan Rui tại Trung Quốc cho biết, ngày càng có nhiều người dùng ở nước này chọn mua MacBook "không màn hình".
Khi sử dụng, người dùng sẽ cắm dây nguồn và kết nối vào một màn hình ngoài. Theo Rui, loại sản phẩm này có tính di động tương tự Mac Mini, nhưng ưu thế hơn ở việc sở hữu sẵn pin, bàn phím, bàn di chuột, loa ngoài, cùng mức giá dễ tiếp cận hơn.
Tài khoản @Coolmint36 trên Twitter cho biết sản phẩm này còn được người Trung Quốc gọi là "máy Mac bàn phím". Người này không nêu cụ thể mức giá của các sản phẩm trên thị trường, nhưng khẳng định chúng rẻ hơn nhiều so với việc mua một máy tính Apple đã qua sử dụng thông thường.
"Việc sửa màn hình MacBook rất đắt. Vì vậy, nhiều cửa hàng chọn phương án tháo màn hình và bán riêng phần thân máy. Chúng đã trở thành một thị trường hoàn chỉnh ở Trung Quốc", tài khoản này cho biết.
Theo trang IOhacker, xu hướng này không khó hiểu. Thực tế, nhiều người dùng MacBook vốn luôn sử dụng máy ở trạng thái gấp màn hình và kết nối với thiết bị ngoại vi như màn hình, bàn phím để sử dụng. Trang CultofMac đánh giá đây là giải pháp độc đáo để tiếp tục duy trì hoạt động cho một chiếc MacBook hỏng hoặc lỗi màn. Nó gợi nhớ đến máy tính Apple 2 mà hãng từng giới thiệu năm 1977.
Thậm chí, đây được cho là lựa chọn hấp dẫn so với việc mua một bộ máy tính để bàn, bởi người dùng chỉ cần sắm thêm duy nhất một màn hình ngoài là có thể sử dụng ở bất cứ đâu. Nhiều người cũng cho biết họ có thể tận dụng mức giá rẻ của sản phẩm để dành tiền sắm thêm một màn hình cảm ứng hoặc máy chiếu để dùng kèm. Những sự kết hợp như vậy mang lại trải nghiệm thú vị mà các thiết bị Apple gốc không có được.
Tại Việt Nam, chi phí thay màn hình MacBook Pro hoặc MacBook Air đời 2016 trở lại thường có giá từ 10 đến 15 triệu đồng. Trong khi giá máy đã qua sử dụng khoảng dưới 20 triệu đồng. Vì vậy, nhiều người cũng chọn phương án thay các loại màn hình chất lượng kém hơn, hoặc chấp nhận thanh lý với giá rẻ, thay vì sửa chữa.
Lưu Quý