Dù MacBook vẫn còn hạn bảo hành tới năm 2021, Trọng Phan (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn bị trung tâm dịch vụ của Apple ở Hà Nội từ chối bảo hành bàn phím. Lý do là MacBook Pro 15 inch phiên bản 2017 của anh không phải hàng phân phối ở Việt Nam mà được mua ở Mỹ, nên cần có hoá đơn mua hàng của Apple mới được trung tâm này tiếp nhận, dù thời hạn bảo hành còn rất dài. Phan cho biết, anh mua máy mới tinh đập hộp nhưng từ một cửa hàng xách tay nên không có hoá đơn của Apple.
Không chỉ Phan, hàng loạt người dùng máy tính Apple ở Việt Nam đang phàn nàn trên các diễn đàn và hội nhóm công nghệ vì thay đổi trong chính sách bảo hành một số thiết bị của hãng "Quả táo".
Trước ngày 31/7, trừ iPhone, MacBook hay iPad mua ở bất kỳ đâu đều có thể mang tới các trung tâm bảo hành của Apple để được trợ giúp, miễn là còn thời hạn vì chúng là những sản phẩm được bảo hành toàn cầu.
Nhưng giờ, chính sách này tại các trung tâm ủy quyền của Apple tại Việt Nam vừa thay đổi. Cụ thể, nếu không phải là hàng phân phối chính thức tại Việt Nam, người dùng phải đưa ra hoá đơn mua hàng tại Apple Store nước ngoài hoặc các cửa hàng uỷ quyền của hãng để xác nhận.
"Apple tự dưng làm khó cho người dùng ở Việt Nam và quá lạc hậu về chính sách hậu mãi", Đức Huy, một du học sinh Việt tại Singapore nhận xét. "Các hãng điện tử khác và chính Apple trước kia đều sử dụng bảo hành điện tử theo số serial máy, đâu cần đến hoá đơn", Huy nói.
Anh Anh Tuấn (Tây Hồ, Hà Nội) vừa bỏ ra 8 triệu đồng để mua thêm gói bảo hành mở rộng, Apple Care, giờ cũng coi như "vứt đi" vì máy được người nhà gửi về từ Mỹ nên không có hoá đơn. Một số người dùng tại Singapore, Nhật hay Mỹ cho biết, khác với Việt Nam, họ có thể mang sản phẩm tới bảo hành ở Apple Store mà không cần hoá đơn, chỉ cần còn thời hạn trên trang web của Apple.
Theo Ngọc Hữu, chủ một cửa hàng chuyên sửa chữa đồ Apple lâu năm ở Hà Nội, "chính sách bảo hành mới áp dụng này chính là để siết lại thị trường xách tay và để 'dập' thị trường MacBook đã qua sử dụng đang rất phổ biến ở Việt Nam".
Thị trường MacBook, iPad xách tay hay đã qua sử dụng ở Việt Nam tồn tại quá lâu và phổ biến vì sống dựa vào chế độ bảo hành toàn cầu của Apple. Khác với iPhone, đa phần iPad và MacBook trên thị trường hiện nay đều là hàng "ngoài luồng". Tuy nhiên, nhờ chính sách của Apple mà những sản phẩm này được bảo hành như hàng phân phối chính hãng. Các cửa hàng kinh doanh được lợi khi bán máy ra mà không cần lo về sửa chữa. Ngoài ra, nhờ gói mở rộng Apple Care, nhiều MacBook đời cũ đã được bảo hành như máy mới. Trong trường hợp trục trặc, người dùng còn đem tới các trung tâm của hãng ở Việt Nam để đổi mới. Việc bảo hành không cần hóa đơn còn tạo sơ hở để các cửa hàng sửa chữa nhỏ lẻ lợi dụng để tráo đổi linh kiện cũ lấy mới.
Hiện tại vẫn chưa có thông báo chính thức nào từ Apple cũng như các trung tâm bảo hành uỷ quyền của họ về sự thay đổi trong chính sách. Theo nhân viên hỗ trợ qua điện thoại của hãng, việc yêu cầu hoá đơn chứng thực mua hàng khi bảo hành sản phẩm phụ thuộc vào từng nhà cung cấp dịch vụ và đã được thông báo từ lâu trong chính sách của mình.
Để đảm bảo quyền lợi, người dùng có thể yêu cầu nơi bán cung cấp lại hoá đơn mua hàng. Hoá đơn điện tử hoặc ảnh chụp lại hoá đơn đều được chấp nhận.