Anh là một trong những nước có tỷ lệ tiêm ngừa vaccine Covid-19 cao nhất thế giới, nhưng số ca nhiễm tại nước này đang tăng lên, chủ yếu do biến thể Delta (được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ).
Dữ liệu mới của Anh đang được chú ý do lo ngại rằng các nước khác như Mỹ có thể rơi vào tình trạng tương tự. Kallum Pickering, nhà kinh tế học và giám đốc tại Ngân hàng Berenberg, cho biết, hôm 22/6: "Sự quan tâm đang dồn về tình hình Covid-19 tại Anh. Với tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng số ca nhiễm tăng lên, Anh trở thành cuộc thử nghiệm lớn, trả lời câu hỏi liệu vaccine có thể giúp chấm dứt phong tỏa và giãn cách xã hội hay không", ông Pickering nói.
Ông lưu ý rằng dữ liệu cho thấy tỷ lệ tiêm chủng cao của Anh giúp số ca biến chứng liên quan đến Covid-19 giảm mạnh. Các con số cũng nhấn mạnh rằng làn sóng dịch lần này khác với những đợt trước, phần nhiều do yếu tố vaccine.
Theo đó, số ca Covid-19 hiện tăng chậm hơn và không có sự gia tăng rõ ràng về các trường hợp tử vong (dù các ca nhiễm tăng lên). Ngoài ra, số ca nhập viện mới tăng ít hơn số ca nhiễm và thấp hơn nhiều so với hồi mùa đông năm ngoái.
Thống kê của chính phủ Anh, số ca nhiễm mới trong ngày 21/6 là hơn 9.700, trong khi chỉ khoảng 10 người tử vong và 225 trường hợp nhập viện.
Kế hoạch mở cửa không thay đổi
Đến nay, vaccine được chứng minh có khả năng chống lại các biến thể mới, vẫn có hiệu quả trong ngăn ngừa mắc Covid-19 nghiêm trọng. Theo phân tích từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh được công bố hôm 14/6, hai liều vaccine Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca có thể giảm nguy cơ nhập viện do nhiễm biến thể Delta.
Anh đã lùi ngày dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế sang 19/7 để tiêm chủng cho nhiều người hơn. Giới chức kỳ vọng sẽ tiêm liều đầu tiên cho tất cả người trưởng thành vào ngày 19/7. Thời gian giữa hai liều giảm từ 12 tuần xuống còn 8 tuần với người trên 40 tuổi. Các nhà khoa học cho biết đẩy mạnh tiêm chủng là chiến lược cốt lõi để giảm tác động của làn sóng thứ ba.
Ngoài ra, chính phủ khẳng định việc hủy các quy định vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch, dù biến thể Delta đang lây lan.
"Khả năng thu hồi quyết định mở cửa vẫn ở mức thấp. Hệ thống y tế còn lâu mới đến mức quá tải và cần những hạn chế mới", Pickering nhận xét. Ông cho rằng số ca nhiễm hàng ngày sẽ ở mức ổn định trong những tuần tới, sau đó giảm xuống thông qua việc triển khai vaccine nhanh chóng.
Ông nói thêm: "Đại dịch còn lâu mới kết thúc và các biến thể mới có thể giảm hiệu quả của vaccine là mối nguy hại nghiêm trọng. Song, sự phát triển về vaccine gần đây mở ra triển vọng kinh tế tích cực đối với Anh và các nền kinh tế phát triển khác".
Kịch bản Covid-19 vào mùa đông
Vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra vào cuối năm nay khi một mùa cúm mới lại đến. Tuần trước, quan chức y tế của Anh cảnh báo mùa đông tới sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống y tế của đất nước dù chiến dịch tiêm chủng đạt nhiều thành công. Theo đó, các lãnh đạo của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) lo lắng về khả năng Covid-19 bùng phát cùng lúc với các bệnh mùa đông khác như cúm và virus đường hô hấp.
Trong bài phát biểu trước Liên đoàn Dịch vụ Y tế Quốc gia ngày 17/6, ông Chris Whitty, Giám đốc Y tế Anh cảnh báo một đợt bùng phát có thể xảy ra vào mùa đông, sau làn sóng dịch hiện tại.
Covid-19 "không ngừng gây bất ngờ và nhiều biến thể khác có khả năng xuất hiện trong giai đoạn tiếp theo," ông Whitty cho hay. Theo ông, có thể mất đến 5 năm để có các vaccine với khả năng bảo vệ cao trước một loạt biến thể nCoV.
Trước khi đạt được điều đó, ông cho rằng các chiến dịch tiêm chủng và mũi tiêm nhắc lại sẽ cần thiết. Một số quốc gia như Mỹ và Anh ra tín hiệu rằng họ có thể triển khai việc tiêm nhắc lại trong vòng một năm. Tuy nhiên, tiêm vaccine bổ sung không phải nhiệm vụ dễ dàng do những yếu tố khó lường của đại dịch, các biến thể và vaccine.
Mai Dung (Theo CNBC)