Tham gia hội thảo có lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thương mại, Phòng Thương mại và công nghiệp VN, lãnh sự quán một số nước EU và đại diện gần 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bà Trần Thị Thủy, Phó phòng VCCI phát biểu khai mạc. |
"Với những thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị cấp cao Á - Âu, Chính phủ Việt Nam đã tạo ra những cơ hội rất thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác với các nước trên 3 lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa" - bà Trần Thị Thủy, Phó Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định trong bài khai mạc hội nghị. Bằng những thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần này, hợp tác ASEM sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Với một ASEM chiếm 37% dân số thế giới, tổng thu nhập quốc dân chiếm 46%, kim ngạch buôn bán chiếm 45% toàn cầu sẽ là một thị trường đầy tiềm năng cho VN. Vì vậy, bà Thủy nhấn mạnh, buổi giao lưu là cơ hội dành cho doanh nghiệp nắm bắt thông tin và trao đổi với nhà quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, thương mại quốc tế để có những kế hoạch và định hướng đúng trong việc phát triển sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư và xuất khẩu. Đồng thời, đây cũng là dịp đại diện các bộ Ngoại giao, Thương mại, có thêm những thông tin từ phía doanh nghiệp để có cơ sở tham mưu hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò hoạt động của Việt Nam trong ASEM, giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể hơn, bao quát và rõ ràng hơn về Diễn đàn hội thảo ASEM trong thời kỳ mới, thời kỳ tăng cường hợp tác cạnh tranh và hiệu quả.
Bấm nút sàn giao dịch. |
Sau lời khai mạc, đại diện của Bộ Thương mại, Ngoại giao, VCCI đã nhấn nút khai trương sàn giao dịch thương mại điện tử của Kiên Giang và Cà Mau, địa chỉ (http://www.Kitra-emart.com.vn) và (http://www.camau.com.vn). 2 sàn giao dịch này sẽ gắn kết trực tiếp với cổng giao dịch thương mại điện tử Việt Nam (http://www.vnemart.com.vn)
Sàn giao dịch đóng vai trò là trung tâm triển lãm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang trên mạng Internet; trung tâm giao dịch thương mại để các doanh nghiệp có thể tìm kiếm đối tác, bạn hàng và tiến hành đàm phán hợp đồng thương mại. Đây cũng là trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp những thông tin mới nhất về thị trường, giá cả, đối tác, thông tin kinh tế, pháp luật, môi trường kinh doanh của Việt Nam và một số thị trường quốc tế..., nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới như tham gia AFTA, ASEAN, Hiệp định Thương mại Việt Mỹ, WTO...
Ông Nguyễn Trung Thành, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu. |
10h30, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban điều phối ASEM, ông Nguyễn Trung Thành, báo cáo tóm tắt kết quả hội nghị thượng đỉnh ASEM 5 và định hướng hoạt động trong ASEM để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, có định hướng hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp trong hai châu lục Á - Âu.
"Có thể nói, từ thời lập quốc đến nay VN mới có hội nghị như vậy" - ông Thành nói. Với chủ đề tiến tới quan hệ Á - Âu thực chất và sống động hơn, ông Thành đã khẳng định đây thực sự là một sáng kiến chưa từng có của Việt Nam. "Hội nghị ASEM 5 đã đạt được kết quả vô cùng to lớn. Việc mở ra 13 thành viên mới đã cho thấy tiếng nói của sự hợp tác của hai khu vực, góp phần to lớn tăng vị thế chính trị của hai châu lục. Về kinh tế thì việc mở rộng ASEM đã mở ra một chân trời mới" - ông Thành nhấn mạnh. Và việc mở rộng này cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Tại ASEM 5, việc tạo cơ hội cho các thành viên từ 38 quốc gia đến với nhau cũng là một thành công lớn của Việt Nam. Các bên đã đưa ra 3 cam kết vô cùng quan trọng về chính trị, kinh tế và văn hóa. Lần đầu tiên ASEM có một buổi giao lưu giữa lãnh đạo của ASEM với các doanh nghiệp Á - Âu.
"Hội nghị đã thông qua rất nhiều sáng kiến trên mọi lĩnh vực, trong đó VN có 2 sáng kiến rất đáng chú ý. Đó là áp dụng công nghệ thông tin vào phát triển nguồn nhân lực và công nghệ sạch được sự ủng hộ rất sớm của các nước Á - Âu" - ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, tại ASEM 5, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, to lớn, trong đó đáng chú ý là cuộc đàm phán với EU đã giúp VN mở đường tiến sâu vào đại gia đình thương mại thế giới WTO.
"ASEM 5 đã tôn vinh hình ảnh tích cực của VN" - ông Thành khẳng định và đây là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp VN trên đường hội nhập kinh tế thế giới.
Ông Ngô Văn Thoan, Cục trưởng Xúc tiến Thương mại. |
Tiếp theo phát biểu của Trưởng ban điều phối ASEM 5, ông Ngô Văn Thoan, Cục trưởng Xúc tiến Thương mại đã trao đổi cởi mở với các doanh nghiệp về kết quả Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu. Ông cho biết, với sự tham gia của 320 đại diện cộng đồng doanh nghiệp Á - Âu với mục tiêu “Hướng tới quan hệ đối tác Á - Âu sống động và mật thiết hơn”, các đại biểu đã điểm lại tình hình kinh doanh tại các quốc gia thành viên ASEM trong những năm gần đây và hài lòng ghi nhận triển vọng sáng sủa của kinh tế toàn cầu.
Diễn đàn đã làm việc theo 7 nhóm, trong đó lần đầu tiên VN đề xuất nhóm hoàn toàn mới - nhóm du lịch và đã được sự ủng hộ rất cao của thành viên các nước. Các nhóm đã đưa ra rất nhiều khuyến nghị đáng chú ý.
Về thương mại, các đại biểu đánh giá cao Hiệp định khung về thương mại nông nghiệp trong WTO, đồng thời khuyến khích các quốc gia thành viên tiến hành ngay công tác đàm phán về các vấn đề cụ thể như: bảo đảm việc thâm nhập thị trường của các nước đang phát triển. Nhằm xúc tiến thương mại và trao đổi thông tin, khuyến khích các mối liên hệ giữa các tổ chức hỗ trợ Thương mại (TSO) ở hai miền và các sự kiện thương mại liên miền như Hội chợ Thương mại ASEM, các quốc gia thành viên ASEM cần tiếp tục cắt giảm thuế cũng như các biện pháp chống đối kháng. Chính phủ các nước ASEM cần bảo đảm cho việc thành lập các cơ chế giải quyết tranh chấp (nếu có) giữa các doanh nhân hai miền, tạo thuận lợi và đơn giản hóa các quy định liên về xuất nhập cảnh, thẻ du lịch cho doanh nhân hai miền.
Giao thương EU - VN giai đoạn 1995-2002 (nguồn Ủy ban châu Âu tại VN) |
Về đầu tư và cơ sở hạ tầng, củng cố hợp tác nhằm tăng số lượng các dự án khả thi thông qua việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư có hiệu quả, huy động khả năng của khu vực kinh tế tư nhân trong việc thực hiện dự án, phối hợp giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước, giữa các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và thực tế, tăng cường sử dụng các công cụ hạn chế rủi ro. Các nhóm làm việc cũng đưa ra các khuyến nghị về thực phẩm, công nghệ thông tin và truyền thông, thực phẩm, du lịch, doanh nghiệp vừa và nhỏ...
"Các doanh nghiệp cần vào website về ASEM để tìm hiểu những thông tin này vì nó thực sự có giá trị rất lớn trong việc tìm hiểu, mở rộng thị trường trong khu vực Á - Âu" - ông Thoan đưa ra lời khuyên các doanh nghiệp VN khi chốt lại bài báo cáo.
Nguyễn Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu. |
Đại diện tỉnh Bình Thuận, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thu giới thiệu với các doanh nghiệp tiềm năng của địa phương. Nằm trong trục quốc lộ 1A thông thương hai miền Nam - Bắc, cách TP HCM 200 km, lại nối kết với Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Nguyên qua quốc lộ 55, Bình Thuận có vị trí giao thông cực kỳ thuận cho phát triển kinh tế.
Mảnh đất duyên hải này được thiên nhiên ưu đãi với ngư trường có trữ lượng khoảng 240.000 tấn hải sản, có nhiều khoáng sản như cát thủy tinh, đá grannit và đặc biệt là dầu khí. Hiện nay, dầu khí được xem là mũi nhọn kinh tế mới của Bình Thuận với nhiều mỏ dầu trữ lượng lớn, cách đất liền 60 km. Trong đó phải kể đến là 3 mỏ đang khai thác gồm Ruby, Sư Tử Đen và Rạng Đông. 2 mỏ chuẩn bị khai thác là Sư Tử Trắng và Sư Tử Vàng.
Tỉnh này cũng đang khẩn trương thành lập và đầu tư hoàn chỉnh 3 khu công nghiệp mới Hàm Kiệm, Tân Thiện, Tân Thắng, mở rộng khu công nghiệp Phan Thiết thêm 60 ha để sẵn sàng tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Với những lợi thế trên, cộng với chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, năm qua Bình Thuận đã thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, đã có 605 dự án hoạt động theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 8.000 tỷ đồng và 36 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 84 triệu USD thuộc 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bình Thuận vẫn cho rằng tiềm năng của tỉnh chưa được khai thác hết. Vì thế, thông điệp mà tỉnh này phát đi trong hội thảo hôm nay là: Bình Thuận sẵn sàng rải thảm đỏ để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Bình Thuận. Các lĩnh vực tỉnh khuyến khích kêu gọi hợp tác là: dịch vụ, du lịch, giải trí; chế biến nông sản, hải sản; chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất, gia công sản phẩm cơ khí, điện tử; dệt may; giày da; khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp và dịch vụ dầu khí.
Sau hơn hai tiếng trao đổi trực tiếp về kết quả của hội nghị ASEM, rất nhiều câu hỏi của doanh nghiệp và độc giả VnExpress gửi đến lãnh đạo Bộ Thương mại, Ngoại giao. Tuy nhiên, chỉ có một số câu hỏi lớn được trả lời trực tiếp, số còn lại theo Ban Tổ chức sẽ được đại diện các ngành hồi âm bằng văn bản.
- Đầu tư nước ngoài của ASEM tại VN đạt bao nhiêu tỷ USD?
Ông Thoan, ông Thành trả lời câu hỏi của đại biểu. |
- Có địa chỉ nào hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại?
- Ông Ngô Văn Thoan: Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của VCCI và trung tâm xúc tiến thương mại của Bộ Thương mại (www.viettrade.gov.vn) là địa chỉ có thể giúp đỡ doanh nghịêp. Các bạn có thể gửi đến chúng tôi theo địa chỉ email hoặc có thể thông qua các trung tâm xúc tiến thương mại địa phương.
- Quy định về xuất khẩu lao động có gì thay đổi sau khi VN ký hiệp định song phương với EU về gia nhập WTO?
- Ông Ngô Văn Thoan: Xin lỗi tôi không nắm được con số cụ thể. Đàm phán vừa qua chủ yếu đạt được thỏa thuận về trao đổi hàng hoá.
- Tôi muốn biết rõ hơn quy định hàng rào thuế quan của EU. Doanh nghiệp thủy sản như ở Cà Mau của chúng tôi vừa qua gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang EU, xin hỏi tại ASEM có bàn gì về vấn đề này không?
- Ông Nguyễn Trung Thành: Trong đàm phán vừa qua, Thủ tướng đề ra những biện pháp tăng cường tiếp cận thị trường VN với châu Âu, cung cấp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp VN giành thị phần thích đáng tại thị trường Âu, đồng thời tuân thủ chặt chẽ hơn luật chơi thế giới.
Phóng viên VnExpress đưa tin về hội nghị. |
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đề ra một loạt biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp tiến vào EU dễ dàng hơn và đề nghị EU cung cấp cho chúng ta thêm nhiều thông tin đầy đủ để doanh nghịêp VN có thể tiếp cận thị trường này một cách nhanh nhất.
- Tại ASEM có một số doanh nghiệp được dự tiệc với các nguyên thủ quốc gia, xin hỏi có bao nhiêu doanh nghịêp thuộc diện này?
- Ông Ngô Văn Thoan: Có khoảng 200 đại biểu của nước ngoài, còn của VN có khoảng gần 50 đơn vị tham gia tiếp xúc với các nguyên thủ. Đó là kế hoạch của chúng tôi, nhưng chúng tôi được biết có một số doanh nghiệp lớn đã tìm đến.
- Tôi là giám đốc một doanh nghiệp chế biến hạt điều, làm thế nào xây dựng thương hiệu hạt điều VN để có thể tiếp cận thị trường lớn?
- Ông Ngô Văn Thoan: Các doanh nghiệp đều muốn có thương hiệu sản phẩm. Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, đó là sản phẩm hoàn chỉnh hay bán thành phẩm. Thứ hai là phải xây dựng hình ảnh hạt điều VN có chất lượng tốt, giá thành rẻ. Việc xây dựng thương hiệu trước hết phải do ngành công nghiệp chế biến hạt điều và bản thân doanh nghiệp quyết định. Doanh nghiệp phải có sự đầu tư về mọi mặt, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố nhân lực. Còn các cơ quan nhà nước chỉ có vai trò tư vấn.
Nhóm phóng viên