Theo số liệu được công bố tháng 2 của công ty nghiên cứu Canalys, trong năm 2024, Transsion bán ra 106,7 triệu smartphone, chiếm 9% thị phần, vượt qua Oppo, Huawei, Vivo và đứng sau ba ông lớn Apple, Samsung và Xiaomi.
Ở khu vực Đông Nam Á quý IV/2024, công ty thậm chí dẫn đầu ở Phillippines, thứ hai ở Indonesia và thứ ba ở Malaysia. Ở châu Phi, Transsion cũng chiếm 40% thị phần trong năm 2024.

Trụ sở của Transsion ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Transsion
Transsion Holdings là nhà sản xuất smartphone có trụ sở tại Thâm Quyến và bắt đầu kinh doanh từ năm 2006. Tuy nhiên, không giống hầu hết thương hiệu đồng hương Trung Quốc, Transsion không bán điện thoại tại thị trường quê nhà rộng lớn. Thay vào đó, công ty thâm nhập vào châu Phi năm 2008, ban đầu bán máy phổ thông trước khi mở rộng ra điện thoại thông minh từ năm 2014.
Transsion sở hữu hàng loạt thương hiệu quen thuộc với người dùng là Infinix, Tecno và Itel. Hãng Trung Quốc nhanh chóng trở thành "vua smartphone châu Phi" với gần 50% thị phần năm 2021 và hiện dao động quanh mốc 40%. Họ cũng lặp lại thành công này ở một số thị trường mới nổi khác như Bangladesh và Pakistan.
Với mục tiêu hướng đến phần còn lại của thế giới, công ty thâm nhập vào hơn 70 thị trường ở Trung và Nam Mỹ, Trung Đông và châu Á, trong đó có Ấn Độ, nơi công ty hy vọng tiếp bước thành công của Xiaomi.

Một người dùng điện thoại thương hiệu Tecno của Transsion ở châu Phi. Ảnh: Medium
Theo biểu đồ của Canalys, từ 2021 đến 2023, doanh số của Transsion đi ngang khi các hãng lớn khác trong top 5 có nhiều biến động. Tới giữa 2023 công ty tăng trưởng mạnh về doanh số trước khi lấy được vị trí thứ tư toàn cầu của Vivo.
Với những thị trường mới nổi mà hãng tập trung, Transsion chủ yếu bán điện thoại giá rẻ. Đa số sản phẩm mang thương hiệu Infinix, Techo và Itel đều có giá khởi điểm dưới 200 USD, có phiên bản thấp tới 50 USD nhưng vẫn sở hữu cấu hình mạnh tương tự một số model của các hãng đối thủ ở phân khúc cao hơn.
Tại Việt Nam, Transsion không xuất hiện chính thức mà chỉ có các thương hiệu con tự bán sản phẩm là Infinix, Techo và Itel. Sản phẩm cũng không được đầu tư như ở những thị trường khác và chủ yếu tập trung vào phân khúc khoảng hai triệu đồng. Infinix, Techo và Itel đều không có mặt trong top đầu hãng smartphone cũng như không có số liệu thống kê riêng về thị phần tại Việt Nam. Một số hệ thống bán lẻ cho biết doanh số của những thương hiệu này không ấn tượng do không được đầu tư nhiều về chiến lược bán hàng, marketing hay cập nhật model mới.

Tecno Spark 20 Pro và Spark 20 Pro Plus. Ảnh: Android Authority
Tương tự các thương hiệu Trung Quốc khác, Transsion cũng đang muốn thâm nhập vào phân khúc cao cấp hơn. Hãng chọn Tecno là "lá cờ đầu" với các model như Phantom V Flip hay Phantom V Fold để có thể đứng chung với các công ty như Samsung, Google, OnePlus. Đây là những model hiếm hoi của công ty được bán ra với giá trên 600 USD.
Hoài Anh