Họa sĩ Lê Sa Long vẽ cảnh giáo viên, bạn trẻ, nông dân Đà Lạt thu hoạch rau củ trong các nhà lồng gửi về Sài Gòn những ngày giá thực phẩm ở thành phố leo thang đầu tháng 8. Mỗi ngày, hàng chục người đến các vườn xin hái rau, sau đó chuyển về điểm tập kết, chất lên các chuyến xe 0 đồng gửi tặng người Sài Gòn. Bức tranh vẽ bằng phấn tiên trên giấy Canson, khắc họa hình ảnh cụ già hơn 100 tuổi ở Thanh Hóa mang gói cá khô, túi gạo gửi cho người miền Nam.Lê Sa Long vẽ loạt tranh "Sài Gòn những ngày giãn cách" từ đầu tháng 5 đến nay. Anh lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật như: bếp 0 đồng, gian rau củ "vừa cho vừa bán", người lao động nghèo đùm bọc nhau, sự tận tâm của lực lượng y tế tuyến đầu... Họa sĩ trích tiền bán tranh góp quỹ vì người nghèo, đồng thời dự định tổ chức triển lãm, ra sách ảnh sau này. Cuối tháng 7, người dân ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định gửi bí đao vào Sài Gòn. Mỗi quả bí được khắc các dòng chữ yêu thương, mang theo hy vọng một ngày đại dịch bị đánh bại, cuộc sống nhộn nhịp như xưa. Ánh Tuyết hát về tấm lòng người miền Trung gửi đến Sài Gòn Ánh Tuyết hát về tình cảm người miền Trung gửi Sài Gòn trong MV "Gửi vô Nam" (nhạc và lời: Hồ Tấn Vũ) cuối tháng 7. Video: Trí Lê. Một người phụ nữ dùng xe kéo chở lợn hơn 120 kg lên Ủy ban Nhân dân xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, để tiếp tế lương thực cho người Sài Gòn. Chị nói gia đình không dư dả, chỉ có con lợn đang nuôi, gửi cho lực lượng tiếp nhận để chế biến thành món ruốc kho sả tặng mọi người. Tại một quầy cơm 0 đồng ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP HCM, các sơ Tu viện dòng thánh Phaolô trao suất ăn cho người lao công, xe ôm công nghệ.... Thân phận những người hồi hương khi giãn cách xã hội là nguồn cảm hứng sáng tác mới của họa sĩ. Mất việc, hết tiền, những người làm thuê ở Bình Định đi bộ về quê nhà Quảng Ngãi giữa tháng 7. Khi đến chốt kiểm soát dịch ở đèo Bình Đê, giáp ranh Bình Định, họ hết lương thực, được các cảnh sát giao thông hỗ trợ mì tôm, sữa... Một nữ hướng dẫn viên du lịch chia tay Sài Gòn, trở về Huế sau thời gian dài thất nghiệp. Ngồi trên tàu ở sân ga, trong cơn mưa tầm tã, cô vừa khóc vừa vẫy tay chào bạn thân vì vốn xem nơi đây là quê hương thứ hai. Họa sĩ Lê Sa Long vẽ lại cảnh này sau khi nghe một học trò kể lại câu chuyện. Một bức tranh khắc họa câu chuyện em bé chín ngày tuổi cùng cha mẹ vượt nghìn km trên xe máy từ Bình Dương về quê Nghệ An tránh dịch. Đến Đà Nẵng, họ được các mạnh thường quân giúp đỡ, thuê ôtô chở về quê, xe máy được mang đi sửa. Tam Kỳ (ảnh: Lê Sa Long)Tình người Sài Gòn thời dịch qua tranh