Theo tờ Hainan Daily, bức Thanh minh thượng hà là một trong tài liệu đoàn phim Mộng hoa lục tham khảo để dựng phim. Sản phẩm truyền hình do Lưu Diệc Phi đóng chính dấy lên nhiều thảo luận về văn hóa thời Tống. Bộ phim được ví như bức Thanh minh thượng hà, khi tái hiện khung cảnh thời Tống một cách mực thước, tôn trọng lịch sử.
Tranh cuộn của họa sĩ Trương Trạch Đoan (1085-1145) thời Bắc Tống, bố cục gồm hai phần chính. Nửa bên phải miêu tả làng quê yên ả, với các chi tiết chủ đạo như hộ nông dân, người chăn cừu, chuồng heo... Một con đường nhỏ từ làng quê dần mở rộng, nối ra đường cái ở khu phố lớn.
Nửa trái vẽ khung cảnh đối lập, tái hiện thường nhật nhộn nhịp ở phố thị. Sự phồn hoa ở thời Bắc Tống được khắc họa qua chi tiết như bến cảng, cửa hàng, chợ phiên... Trương Trạch Đoan vẽ khoảng 814 người, hơn 60 con vật, 28 chiếc thuyền, hơn 30 căn nhà, 20 chiếc xe, tám chiếc kiệu, hơn 170 cây. Con người hiện lên đa dạng với đủ ngành nghề, từ người làm ăn buôn bán, người biểu diễn tạp kỹ, gánh hát đến ăn mày, tăng nhân, thầy bói, lang y, thợ cắt tóc, người kinh doanh khách sạn, thợ mộc, thợ rèn, thư sinh...
Xuyên suốt tác phẩm là dòng sông Biện Hà - huyết mạch giao thông bấy giờ, có vai trò đặc biệt quan trọng với kinh thành Đông Kinh (nay thuộc thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam). Trong thời kỳ giao thông đường bộ chưa phát triển, việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu qua đường sông. Trên bức tranh, bất kỳ vị trí nào cũng nhìn thấy bóng thuyền, những phu khuân hàng trên sông.
Đường thủy bận rộn là tiền đề của khung cảnh giao thương tấp nập hai bên bờ sông. Trên đường phố Đông Kinh, các cửa hàng san sát, người mua bán nườm nượp. Người thời Tống mê uống rượu, các tiệm lớn được gọi là Chính điếm, tiệm vừa và nhỏ gọi là Cước điếm. Họa sĩ còn khắc họa con người ở chợ phiên, cửa hàng đồ cũ, tiệm cầm đồ, tiệm đồ nhà bếp, tiệm đèn lồng, tiệm nhạc cụ, tiệm vải, cửa hàng tranh, hiệu thuốc, nhà hàng... Con người sử dụng các phương tiện giao thông như xe ngựa, xe la, kiệu. Nhân vật trong tranh chủ yếu là nam giới, cho thấy bấy giờ, phụ nữ hạn chế xuất đầu lộ diện.
Điểm nhấn quan trọng của Thanh minh thượng hà là cây cầu. Theo nghiên cứu của các học giả hiện đại, phần này tả cột trụ của con thuyền sắp va vào cầu. Phía trên, nhóm người cúi xuống xem các thủy thủ đang vội vã điều hướng con thuyền.
Bức tranh dài hơn 5 mét, cao gần 25 cm. Mỗi người mặc trang phục khác nhau, dáng vẻ, điệu bộ khác nhau khiến tác phẩm sinh động như khung cảnh trước mặt. Tác phẩm chú trọng tiểu tiết, vì thế khi phóng to, các đường nét vẫn tinh tế, mỗi nhân vật là một câu chuyện riêng. Nhờ nội dung và bút pháp tả thực điêu luyện, Thanh minh thượng hà trở thành một trong 10 bức tranh truyền đời, có vị trí quan trọng nhất trong lịch sử hội họa Trung Quốc.
Tác phẩm ban đầu được cất giữ trong cung đình Bắc Tống, có số phận ly kỳ khi trải qua hàng chục lần đổi chủ trong gần 1.000 năm qua. Năm 1524, tranh về tay Lục Hoàn - quan Binh bộ thượng thư. Sau khi Lục Hoàn chết, phu nhân của ông giấu tranh trong chiếc gối. Con trai của Lục Hoàn bán tranh cho viên quan tên Cố Đỉnh Thần, thời Minh.
Qua tay một vài quan lại khác, tác phẩm sau đó được đưa vào cung đình triều Minh. Nhưng không lâu sau, tranh bị một thái giám ăn trộm, bán ra ngoài. Tới thời Thanh, bức họa được giữ trong Nghinh Xuân các ở Tử Cấm Thành, bình yên vô sự sau loạt biến cố chính trị. Đến nay, Thanh minh thượng hà của Trương Trạch Đoan được lưu giữ ở Bảo tàng Cố Cung, Bắc Kinh.
Nhiều họa sĩ cổ đại yêu thích, vẽ lại tác phẩm. Hiện có khoảng 30 bức sao chép Thanh minh thượng hà được lưu giữ ở các bảo tàng trên thế giới, trong đó tại Trung Quốc có 10 bức, ở Mỹ có năm bức, ở Pháp có bốn, tại Anh và Nhật mỗi nước có một bức.
Nghinh Xuân (theo DPM)