Thời cổ đại, ngày đầu của năm mới Âm lịch được gọi là Tuế chiêu. Tuế chiêu là đề tài yêu thích của họa sĩ, ẩn sĩ thời xưa, thể hiện những sở thích nho nhã, tình cảm với thiên nhiên, con người. Nội dung các bức tranh tuế chiêu đều về điều tốt đẹp, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống an khang. Họa sĩ thường vẽ đồ vật có tên gọi hài âm với những từ tốt lành, chẳng hạn vẽ bốn quả hồng và như ý (một vật trang trí) vì hài âm với "sự sự như ý" hoặc vẽ chim khách đậu cành mai để biểu thị sự hoan hỉ trên gương mặt.

Bức "Tuế chiêu" của Triệu Xương (Bắc Tống), hiện trưng bày ở Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc, chiều dài hơn 100 cm. Đây là bức tuế chiêu lâu đời nhất lưu truyền đến nay, vẽ đá cảnh cùng các loài hoa mai, thủy tiên, hoa trà, thường xuân. Bức tranh được làm từ nhiều chất liệu như chu sa, phấn má hồng, đá lông công (đá khổng tước)... mang màu sắc tươi thắm. Trang Sina nhận xét tác phẩm bố cục độc đáo, các loài hoa đan xen đua sắc, sức sống mạnh mẽ. Tranh thích hợp trang trí trong cung đình. Vua Càn Long từng yêu thích, làm thơ khen ngợi tác phẩm, tài hoa của Triệu Xương. Họa sĩ nổi tiếng với tài vẽ hoa cỏ, có sở thích đi dạo khi sương chưa tan để ngắm cảnh vật, pha màu vẽ quang cảnh.

"Tuế chiêu" của Viên Thượng Thống (thời Minh), dài gần 108 cm, rộng 52 cm, miêu tả một ngôi nhà trong thôn. Ngoài sân, trẻ nhỏ chơi các trò gõ chiêng, đánh trống, đốt pháo. Trong nhà, người lớn quây quần bên bàn, xem trẻ nô đùa. Tác phẩm ra đời năm 1656, bấy giờ Viên Thượng Thống (1570-1661) 86 tuổi.

Bức "Tuế chiêu thôn khánh" của Lý Sĩ Đạt, thời Minh. Tác phẩm dài 133 cm, rộng 64 cm, tái hiện không khí rộn rịp ở làng quê. Người người đi thăm hỏi nhau hoặc uống nước đàm đạo, bình phẩm thư họa.

Bức "Canh Thìn tuế chiêu" được Càn Long (đời Thanh) sáng tác khi ông 49 tuổi. Tác phẩm 90 cm, rộng 50 cm, miêu tả hòn đá cảnh và hoa thủy tiên, vận dụng thủ pháp hội họa phương Tây. Thời vua Càn Long, mỗi dịp tân xuân, họa sĩ cung đình đều dâng tác phẩm cho nhà vua thưởng lãm, làm vật trang trí trong cung. Càn Long vốn yêu hội họa, hiện các bảo tàng còn lưu giữ khoảng 10 bức về ngày đầu năm mới do ông sáng tác.

Tác phẩm "Càn Long đế tuế chiêu hành lạc" do Lang Thế Ninh - họa sĩ người Italy - và các họa sĩ cung đình Trung Quốc Đinh Quan Bằng, Thẩm Nguyên... kết hợp sáng tác. Tác phẩm miêu tả cảnh Càn Long và các con cháu hoàng tộc trong mùng một Tết.

Theo Dpm, Càn Long đặc biệt coi trọng ngày đầu năm. Ông gặp các hoàng tử, cho đốt pháo, cầu chúc năm mới cát tường.

Bức "Phúc quý tuế chiêu" do họa sĩ thời Thanh vẽ, hiện trưng bày ở Bảo tàng Cố Cung (Bắc Kinh). Tác phẩm tái hiện cảnh vui chơi ngày Tết của con em quý tộc. Có trẻ chơi đèn cá, đèn rồng, một số trẻ bịt tai xem đốt pháo, có trẻ trèo cây mai bẻ cành. Có trẻ vấp ngã trên mặt hồ đã đóng băng, trẻ chơi nhạc cụ...

Một phần bức "Phúc quý tuế chiêu" cho thấy nghệ thuật cắm hoa thời Thanh.
Nghinh Xuân (ảnh: DPM)