Con số đã bao gồm thuế phí đưa tranh trở thành tác phẩm có giá cao nhất trong phiên Modern & Contemporary Evening Auction (Đấu giá buổi tối hiện đại và đương đại) của Sotheby's, hôm 2/3 (theo giờ địa phương).
René Magritte vẽ L'empire des lumières (Đế chế ánh sáng) vào năm 1961, tặng cho Anne-Marie Gillion Crowet - một người bạn thân của ông, và nằm trong bộ sưu tập của gia đình Crowet kể từ đó. Tranh sơn dầu trên vải, thuộc trường phái siêu thực, khắc họa hình ảnh nghịch lý giữa cảnh quan ban đêm và bầu trời trong xanh, ngập nắng. Sotheby's nhận xét đây là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng của nghệ thuật thế kỷ 20.
Theo Sotheby's, chính chất thơ và sự bí ẩn khiến L'empire des lumières trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng và hấp dẫn nhất của Magritte. Đêm và ngày trong tranh là sự dung hòa các mặt đối lập vốn được đánh giá cao trong nghệ thuật siêu thực.
Họa sĩ được cho là lấy ý tưởng từ bài thơ L'Aigrette của André Breton, trong đó có câu: "Si seulement il faisait du soleil cette nuit" (Giá như mặt trời chiếu rọi đêm nay).
Trong chương trình truyền hình hồi tháng 4/1956, họa sĩ nói: "Đối với tôi, những gì được vẽ trong tranh là những gì có thể nhìn thấy bằng mắt hoặc phải lý tưởng hóa. Ở L'empire des lumières, đó là những thứ mà tôi tưởng tượng. Một cảnh quan vào ban đêm và bầu trời có thể nhìn thấy vào ban ngày. Sự kết hợp giữa đêm và ngày có sức mạnh khiến người xem ngạc nhiên và thích thú. Tôi gọi sức mạnh này là chất thơ".
Giới chuyên môn nhận định, một số họa sĩ theo trường phái siêu thực như Max Ernst, Salvador Dalí cũng vẽ tác phẩm tương tự nhưng không đạt được độ tinh xảo, hiệu ứng thị giác như Magritte. Tranh có kích thước lớn 114,5 x 146 cm nhưng từng chiếc lá cây, chi tiết của ngôi nhà, cây đèn đường... đều được khắc họa một cách tinh tế và đảm bảo kỹ thuật.
Họa sĩ từng nói với một người bạn: "Sau khi vẽ L'Empire des lumières, tôi có suy nghĩ đêm và ngày tồn tại cùng nhau, rằng chúng là một. Cũng như nỗi buồn của người này luôn tồn tại cùng lúc với hạnh phúc của những người khác" (trích danh mục triển lãm Magritte của Hayward Gallery năm 1992).
Theo ABC, tác phẩm là nguồn cảm hứng cho trang bìa album Late for the Sky năm 1974 của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Jackson Browne và một cảnh trong phim kinh dị The Exorcist. Tranh từng xuất hiện trong cuốn Magritte: Ideas and Images (1977), René Magritte, Catalogue Raisonné. Oil Paintings, Objects and Bronzes, 1946-1967 (1993), The Portable Magritte (2006), Magritte: His Work, His Museum (2009)... Ngoài ra, tranh từng được trưng bày tại nhiều bảo tàng ở Bỉ, Italy, Scotland, Mỹ, Đức, Hàn Quốc...
L'Empire des lumières nằm trong series cùng tên của họa sĩ, gồm 17 tranh sơn dầu và 10 thể loại khác sáng tác từ khoảng 1939 - 1967, lấy bối cảnh vùng ngoại ô hay con phố yên tĩnh ở Brussels, Bỉ - nơi họa sĩ sống. Họa sĩ không lên kế hoạch thực hiện chuỗi tác phẩm mà sáng tác ngẫu hứng. Các tranh cũng chưa bao giờ được trưng bày cùng nhau. Trong bức thư gửi Alexander Iolas - chủ một phòng trưng bày tranh - hồi tháng 1/1956, ông mô tả mối liên hệ giữa cảnh thực và các tác phẩm: "Biệt thự nơi tôi sống được bao quanh bởi những khu vườn và những ngôi nhà nhìn thẳng ra đại lộ Lambermont nổi bật trên bầu trời rộng lớn. Buổi tối, nó giống như trong bức tranh Dominion of Light".
René Magritte (1898 - 1967) là họa sĩ siêu thực người Bỉ. Ông nổi tiếng với các hình ảnh dí dỏm, kích thích tư duy, mô tả các vật thể bình thường trong một bối cảnh bất thường.
Năm 1916, ông theo học trường Mỹ thuật hoàng gia ở Brussels và bước chân vào con đường hội họa chuyên nghiệp. Họa sĩ thể nghiệm nhiều trường phái: từ ấn tượng đến lập thể, vị lai... và cuối cùng là chủ nghĩa siêu thực.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của Magritte là khi ông đến Paris vào năm 1928 và gia nhập nhóm siêu thực. Năm 1929, tranh của ông được triển lãm tại Phòng trưng bày Goemans ở Paris cùng với các tên tuổi hàng đầu Picasso, Salvador Dalí, Yves Tanguy... Năm 1930, ông trở lại sống tại Brussels, Bỉ nhưng tổ chức nhiều triển lãm tại New York (Mỹ), London (Anh)... và dần trở thành tên tuổi hàng đầu trong giới nghệ thuật. Tranh của ông hiện được trưng bày tại các bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới.
Hiểu Nhân