Ngày 3/6, UBND quận Hoàn Kiếm cùng các đơn vị liên quan tổ chức phát động cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km0 - thuộc Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm. Các chuyên gia đã góp ý cho dự án.
Tham gia làm đồ án quy hoạch về Hồ Gươm và vùng phụ cận năm 1996, KTS Cao Xuân Hưởng cho hay, khi làm đồ án nhóm nghiên cứu đã cố gắng đi theo hướng loại bỏ công trình kiến trúc không phù hợp để trả lại không gian cho hồ chứ không phải đưa thêm công trình mới. Nếu nhìn từ góc độ đó thì cuộc thi thiết kế Km0 đi ngược lại quan điểm của quy hoạch.
Theo ông Hưởng, năm 1996 thành phố Hà Nội từng có cuộc thi về Km0 và trường Đại học kiến trúc đạt giải. Tuy nhiên, kết quả sau đó không được thực hiện vì vị trí Km0 nằm ở khu vực nhà khách chính phủ (12 Ngô Quyền).
Đồng tình với quan điểm "chỉ nhổ bớt chứ không nên trồng thêm các công trình ở khu vực Hồ Gươm", nhưng KTS Trần Huy Ánh cho rằng cuộc sống thay đổi và "cột mốc Km0 là món nợ của giới kiến trúc, quy hoạch trong quá trình chuyển đổi, là cái không thể không làm".
Theo ông Ánh, cần luôn giữ hồn cốt của Hồ Gươm khi đưa cái mới vào, nhưng cũng có thể bỏ đi kiến trúc xấu xí đang tồn tại quanh hồ, như quán cafe bốn mùa, nhà bảo vệ của ban quản lý hồ...
Về hình thức cột mốc Km0, KST Nguyễn Thúc Hoàng, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nêu quan điểm không nên làm cột mốc là hình khối nổi, chỉ cần đặt nằm phẳng trên mặt đất giống như cột mốc Km0 của nước Pháp đặt trước sân Nhà thờ Đức bà Paris hay việc ghi danh ở đại lộ bên Mỹ.
"Cột mốc Km0 không nên là các công trình tượng đài cao lớn, dựng đứng lên. Không nên làm công trình gì nổi bật ở quanh Hồ Gươm", KTS Hoàng nói.
Ban tổ chức cuộc thi đưa ra 3 vị trí xây dựng cột mốc để lựa chọn: Ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay là vị trí đồng hồ hoa Thụy Sỹ hiện nay; bên bờ Hồ Gươm, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ; sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ.
KTS Cao Xuân Hưởng cho rằng người dân coi Bưu điện bờ hồ chính là Km0, do đó không nên bó buộc vị trí đặt Km0 tại 3 vị trí trên.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đề xuất chọn vị trí cột mốc Km0 tại khu vực Tháp Hòa Phong. Đây là điểm duy nhất còn lại mang dấu ấn công trình cổ quanh Hồ Gươm, không gian xung quanh tháp rất đẹp. Nếu sau toàn bộ trục đường Đinh Tiên Hoàng là đường đi bộ thì "tháp Hòa Phong là vị trí đẹp nhất nếu đặt Km0".
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố, cho hay trước khi đến tham dự lễ ông đã xem lại các bản đồ từ năm 1831 do hai kiến trúc sư người Việt lập và bản đồ năm 1888 do Pháp lập, nhưng cả hai không có thông tin về Km0. Việc Ban tổ chức ấn định ba địa điểm đặt cột mốc làm ông "ngỡ ngàng".
Từ khi thành lập văn phòng kiến trúc sư trưởng, ông Nghiêm cho biết đã tổ chức thi Km0 "nhưng chả đâu vào đâu". Năm 1996, khi quy hoạch Hồ Gươm được ban hành, có trên 40 dự án đầu tư xây dựng ngầm, nổi quanh Hồ Gươm. Nhưng "dư luận rất căng thẳng, thành phần tham gia rất kiên quyết" nên cuối cùng đến nay chỉ có chưa đến 10 công trình được xây dựng, "còn tất cả vẽ xong lại để đấy".
Từ thực tế trên, ông Nghiêm cho rằng dù bản thân rất kỳ vọng vào cuộc thi thiết kế Km0, Ban tổ chức phải tính cho kết quả cuộc thi khả thi, trong đó có việc tạo đồng thuận của người dân, vì "không có ý kiến người dân không có công trình nào ở Hồ Gươm thành công được".
Đại diện Ban tổ chức, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông cho hay, cuộc thi chỉ làm nhiệm vụ chọn các phương án tốt nhất, sau đó sẽ có triển lãm để lấy ý kiến người dân và thành phố sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Km0 không chỉ là cơ sở để thiết lập quy ước về khoảng cách đường bộ của thành phố, quốc gia mà còn là điểm đến có tính biểu tượng cao. Là cuộc thi thiết kế mở, Ban tổ chức không quy định về hình thức cũng như nội dung thành phần chức năng của công trình cột mốc.
Mặt bằng tổng thể: Thỏa mãn yêu cầu chức năng của công trình Km0, dễ tiếp cận, đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ với không gian cảnh quan xung quanh và phải phù hợp với Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm đã được phê duyệt.
Tạo hình: Có ý tưởng sáng tạo độc đáo, mang tính thời đại để tạo nên một điểm nhấn nghệ thuật của không gian Hồ Gươm, vừa đáp ứng tính biểu tượng đặc biệt của công trình cột mốc Km0, vừa thể hiện đặc trưng văn hóa của Hà Nội, khơi gợi cảm xúc của người dân Thủ đô và du khách.
Vật liệu và kỹ thuật: Sử dụng vật liệu và kỹ thuật thi công đảm bảo tính bền vững và khả thi.