Tại tọa đàm về quản lý cầu Long Biên, Hà Nội, ngày 8/6, ông Bùi Khắc Điệp, Phó vụ trưởng Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết ban đầu cầu Long Biên chỉ thiết kế cho đường sắt, đến năm 1920 người Pháp mở rộng làn đường bộ sang hai cánh để phục vụ giao thông đường bộ. Đến nay, qua nhiều đợt sửa chữa, làn đi bộ được bố trí sát lan can, gồm những tấm bê tông lưới thép rất mỏng 2,5 cm, chỉ dành cho người tuần cầu.
Từ lâu nay, cầu Long Biên vẫn cấm người đi bộ, song thực tế có nhiều người dân vẫn đi bộ, tụ tập trên cầu để chụp ảnh, nguy cơ mất an toàn trên làn bộ hành. Thậm chí có người chạy xe máy trên đường bộ hành để xuống bãi giữa, làm vỡ các tấm đan. Ngoài ra, tình trạng họp chợ, mua bán trên cầu vẫn diễn ra, cảnh sát giao thông xử lý chỉ được một thời gian rồi người dân lại tụ tập. Cùng với đó dù đã cấm xe ba gác, xe máy thồ, nhiều xe này vẫn đi lên, hoặc nhiều ôtô từ tỉnh khác vẫn đi qua gây quá tải, xuống cấp cho cầu.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải, cho biết đã có biển cấm người đi bộ, ôtô, xe máy thồ, xe ba gác vào giờ cao điểm, song đếm xe từ 14h đến 20h ngày 31/5 có tới 150 ba gác, xe máy thồ qua cầu. Công ty đã lắp 3 camera theo dõi trạng thái cầu và trích xuất dữ liệu hàng tuần gửi đến cơ quan chức năng để phạt nguội. Ngoài ra, đơn vị sẽ đóng các cột bê tông để ngăn ôtô qua cầu.
Nhà sử học Dương Trung Quốc lại cho rằng đi bộ, chụp ảnh trên cầu Long Biên là nhu cầu có thực. Người dân muốn đi bộ tập thể dục vào buổi sáng, ra bãi giữa vào buổi chiều, do đó các đơn vị cần phân luồng để người dân đi lại thuận lợi. Ngành văn hóa phải coi cầu Long Biên là điểm văn hóa, khai thác giá trị phi vật thể, không nên ngăn chặn nhu cầu của người dân.
Ông Quốc cũng khẳng định, trước đây cầu Long Biên vẫn cho phép người đi bộ, đi xe đạp, xe máy nên khó có thể coi người đi bộ gây mất an toàn cho cầu. Đến nay, khi cầu đã xuống cấp, cơ quan chức năng có thể hạn chế người lên cầu, không thể nói là thiết kế cầu không dành cho người đi bộ. "Đã là cầu thì có hoạt động đi lại, nếu dừng hoạt động thì sẽ là phế tích. Song đi lại thể nào phải tính toán phù hợp với sức tải và nhu cầu người dân", ông Quốc nói.
Theo ông Dương Trung Quốc, để giảm áp lực cho cây cầu yếu, cảnh sát giao thông cần xử lý vi phạm ngay đầu cầu, không để người vi phạm lên cầu rồi mới ghi lại hình ảnh phạt nguội. Thành phố Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng đường sắt nội đô để giảm tải cho cầu Long Biên. Nếu kéo dài tình trạng cầu hư hỏng kéo dài sẽ gây khó cho ngành đường sắt vì tốn kém chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Về lâu dài, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, cho biết theo quy hoạch, đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên mà dừng tại khu vực đầu mối Ngọc Hồi. Bộ Giao thông Vận tải đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Sau đó, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi, khi đó sẽ rõ định hướng với cầu Long Biên.
Tháng 5 vừa qua, cầu Long Biên có hai sự cố vỡ tấm đan trên mặt cầu. Ngày 28/5, tại vị trí dầm D1/10 phần đường dành cho xe máy và xe đạp phía thượng lưu hướng quận Hoàn Kiếm sang Long Biên, một tấm đan bị hư hỏng rơi xuống.
Ngày 4/5, phần đường dành cho người đi bộ cũng bị rơi một tấm đan xuống sông. Cả hai vụ đều được nhân viên tuần cầu phát hiện, báo đơn vị lắp đặt tín hiệu cảnh báo, lắp đặt tấm đan thay thế ngay.