Sáng 26/10, phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động nhận được nhiều ý kiến đóng góp về đề xuất trang bị tàu bay, tàu thủy cho lực lượng Cảnh sát cơ động.
Theo đó, dự thảo luật quy định cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), cho rằng việc cảnh sát cơ động được sử dụng tàu bay thực tế đã được quy định trong Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Luật Hàng không có nêu về hoạt động của tàu bay công vụ, bao gồm tàu bay quân sự, tàu bay chuyên dụng của lực lượng hải quan, công an và các tàu bay khác sử dụng cho mục đích công vụ nhà nước.
"Như vậy cách đây hơn 7 năm, Quốc hội đã đưa vào luật nên dự án Luật Cảnh sát cơ động nêu quy định này là không mới", ông Cường nói và nêu dẫn chứng rằng thực tế cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Campuchia "sử dụng máy bay trực thăng rất nhiều".
Bộ Công an cũng vừa thành lập Trung đoàn Không quân trong lực lượng cảnh sát cơ động. "Do đó, vấn đề không phải là cảnh sát cơ động có được sử dụng máy bay hay không mà nếu nhiệm vụ yêu cầu sử dụng máy bay thì phải sử dụng", ông Cường nói.
Theo ông, không nên đặt vấn đề cảnh sát cơ động sử dụng máy bay sẽ gây tốn kém, lãng phí về mặt tài chính "mà là sử dụng như thế nào, trong trường hợp nào và với lực lượng ra sao?". Bên cạnh đó, khi lực lượng này sử dụng máy bay, cần quy định rõ việc huấn luyện, quy chế phối hợp với lực lượng quân đội, quản lý không lưu, đường bay...
"Cảnh sát cơ động phải đối mặt với tội phạm sử dụng trang thiết bị hiện đại nên sử dụng máy bay là cấp thiết và cần thiết. Không lẽ đã có trung đoàn Không quân, công an lại đi mượn máy bay thì buồn cười quá", ông Cường nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng lực lượng phòng không, không quân; cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư đã có tàu bay và tàu biển. "Tại sao chúng ta không phối hợp, sử dụng phương tiện sẵn có? Tôi nghĩ quân đội sẵn sàng hỗ trợ đắc lực lực lượng công an, lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ", ông nói.
Quan điểm của đại biểu Hòa được đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận) cho rằng "không phù hợp". Theo ông Sỹ, nhiệm vụ chính của cảnh sát cơ động là bảo đảm an ninh trật tự và xử lý các vụ việc mất an ninh trật tự địa phương, chống bạo loạn khủng bố. Nếu huy động lực lượng quân đội tham gia sẽ không phù hợp với nhiệm vụ của lực công an, đặc biệt là cảnh sát cơ động.
"Nên giữ nguyên như dự thảo là cảnh sát cơ động được sử dụng tàu bay. Dù kinh phí tốn kém nhưng lực lượng này tiến lên hiện đại là cần thiết, nhằm chủ động trong các tình huống xảy ra", ông Sỹ nói.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cũng đồng tình: "Không thể nói vì tiết kiệm mà không trang bị tàu bay tàu thủy cho lực lượng này". Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế là phải trang bị cho cảnh sát cơ động thiết bị hiện đại nhất"
Ở góc tiếp cận khác, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Ủy ban Xã hội) cho rằng thời gian qua cơ chế phối hợp giữa quân đội với công an, trong đó có huy động phương tiện, trang bị được thực hiện tốt. "Thực tế khi thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát cơ động cần sử dụng tàu bay, tàu thuyền không nhiều và không thường xuyên", ông Thắng nói và nhấn mạnh trong các tình huống cụ thể đã có cơ chế phối hợp hoặc huy động phương tiện, thiết bị giữa các đơn vị quân đội, công an.
Hiện, tàu bay của không quân nhân dân Việt Nam, tàu thuyền của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng liên quan đang bố trí ở khắp các khu vực, có thể cơ động nhanh để phối hợp với cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong các tình huống. "Nếu có vướng mắc trong việc huy động, sử dụng thì trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung, thay vì mua sắm riêng cho cảnh sát cơ động", đại biểu Thắng phát biểu.
Ông cũng phân vân việc trang bị máy bay cho cảnh sát cơ động có làm phát sinh, xung đột với việc quản lý hoạt động bay, "làm phức tạp thêm trong hoạt động quản lý vùng trời của lực lượng phòng không - không quân, hay không?".
Theo phân tích của ông, các phương tiện này sẽ làm tốn kém thêm nguồn lực của đất nước trong lúc còn khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần "rà soát, đánh giá rất kỹ vấn đề này, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định". Đại biểu Thắng cũng đề nghị Bộ Công an báo cáo Quốc hội về tình hình, hiệu quả hoạt động của cảnh sát cơ động kỵ binh thời gian vừa qua.
Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng "chi phí ban đầu sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng rất lớn, nên đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định". Ông đề nghị, nếu cảnh sát cơ động được trang bị máy bay, Bộ Công an cần phối hợp với Bộ Quốc phòng, Giao thông Vận tải trong quản lý bay, để đảm bảo an toàn cho các lực lượng sử dụng tàu bay.
"Nếu trang bị, nên giới hạn số lượng cụ thể và nêu rõ là trực thăng", đại biểu Võ Văn Hội (Ủy ban Quốc phòng An ninh) nói.
Tại dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, Chính phủ xây dựng hai phương án trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.
Phương án 1, dự thảo luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ trưởng Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.
Phương án 2, tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng bổ sung quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động gồm 6 lực lượng. Trong đó, 4 lực lượng tác chiến đặc biệt, đặc nhiệm, bảo vệ mục tiêu, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ được kế thừa quy định tại Điều 8 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013.
Hai lực lượng bổ sung là lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy và Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu, hiện được thành lập theo chủ trương của Bộ Chính trị, các Đề án, dự án của Chính phủ và Bộ Công an nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới. Bộ trưởng Công an sẽ quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân năm 2018.