Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý giáo dục đã có 4 giờ thảo luận, góp ý cho một kỳ thi quốc gia chung tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam sáng 23/8. Lãnh đạo một số Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT tham dự, tiếp thu ý kiến.
GS Nguyễn Đức Thạc thẳng thắn cho biết, ông không đồng tình với bất kỳ phương án nào trong 3 phương án về một kỳ thi chung mà Bộ Giáo dục vừa đưa ra. "Không thể gộp hai kỳ thi làm một. Đổi mới thi cử cũng có ít nhiều tác động, nhưng tác động ấy biến thầy và trò thành những người lãnh đủ. Điều quan trọng nhất là thay đổi chương trình, sách giáo khoa, cứ như thế đầu ra sẽ theo đúng yêu cầu", giáo sư nói và kiến nghị, chỉ nên cải tiến thi cử một chút như năm 2014 đã làm.
PGS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng đổi mới giáo dục là vấn đề lớn, mang tính hệ thống, nếu cắt đoạn ra thì không thể giải quyết được. Giơ cao đồ thị so sánh phổ điểm thi tốt nghiệp và đại học của học sinh năm 2014, GS Toản cho biết sự chênh lệch là vô cùng lớn.
"Kết quả thăm dò ý kiến dư luận về một kỳ thi chung của một cơ quan báo chí cho thấy chỉ 15% người dân chọn phương án 1 kỳ thi chung. Vậy 3 phương án của Bộ đưa ra có đủ cơ sở lý luận để giải đáp những băn khoăn của xã hội không", PGS Toản đặt câu hỏi.
Ông cho rằng Bộ Giáo dục cần phải xem xét lại việc thi tốt nghiệp, đại học có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong kinh tế, chất lượng sản phẩm không phải ở khâu kiểm tra cuối cùng mà ở quá trình sản xuất, giáo dục cũng vậy, phải tạo được quy trình, chứ đừng mong lấy khâu kiểm tra để giải quyết mọi việc.
Hiện nay, thi tốt nghiệp chưa đủ tin cậy nhưng vẫn cần một hình thức để công nhận, đánh giá. Vì vậy, theo GS Toản, trong thời gian quá độ này vẫn nên giữ 2 kỳ thi, trong đó thi tốt nghiệp chuyển hoàn toàn cho địa phương. Có thể chất lượng chưa đáng tin cậy nhưng nó là cần thiết, làm cho kỳ thi nhẹ nhàng với tính chất kiểm tra kiến thức, còn Bộ sẽ tập trung cho kỳ thi đại học, cao đẳng.
Đồng tình với GS Toản, GS Nguyễn Đức Minh (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cũng đề xuất giao lại kỳ thi tốt nghiệp về cho các sở. Hàng năm, Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi quốc gia 2 lần với khoảng cách 6 tháng. Lần thứ nhất sau khi học sinh thi hết lớp 12 (tháng Bảy), lần hai vào khoảng tháng 1 với các môn: văn, toán, lý, hóa sinh, sử, địa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Đức.
"Đây là kỳ thi không bắt buộc và những em trượt tốt nghiệp cũng có thể tham dự. Các trường căn cứ vào từng chuyên ngành đào tạo có thể xét hồ sơ của thí sinh thông qua các môn thi này hoặc tiến hành thi riêng nếu thấy cần thiết. Điểm thi quốc gia sẽ có giá trị xét tuyển trong 2 năm", ông Minh góp ý.
Nhà giáo Hà Liên Hải, nguyên Trưởng phòng giáo dục phổ thông của Hà Nội cũng không tán thành phương án một kỳ thi quốc gia chung. Theo thầy Hải, ưu điểm của phương án này là giảm áp lực thi cử, chất lượng kỳ thi cũng sẽ đảm bảo hơn. Tuy nhiên, nếu xét đến đối tượng chịu đựng kỳ thi thì lại phải nghiên cứu lại.
"Nhiều thầy cho rằng gộp một kỳ thi chung đơn giản, chỉ là đề thi 120 phút tăng lên 180 phút với dăm câu dễ và vài ba câu khó. Nhưng đối với học trò thì quá trình học hành rất vất vả, đứng trước kỳ thi như thế nhất định sốc và ảnh hưởng tâm lý", thầy Hải nói và kiến nghị thi như năm ngoái, một kỳ thi chung có thể dời lại năm 2016 để cả thầy và trò có thời gian chuẩn bị.
Bên cạnh các ý kiến chưa đồng tình với một kỳ thi quốc gia chung với hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, nhiều chuyên gia nêu ý kiến ủng hộ. GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết một kỳ thi chung không mới. Đầu thập niên 90, GS Phạm Minh Hạc (Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục) đã đề xuất khi thấy bất hợp lý của 2 kỳ thi tốt nghiệp, đại học diễn ra quá gần nhau.
"Có người nói 2 kỳ thi mục tiêu khác nhau, nhưng tôi cho rằng bản chất của 2 kỳ thi là 1 - đều là đánh giá năng lực học sinh nên có thể dùng 1 kỳ thi cho 2 mục tiêu", GS Thiệp nói và tin tưởng rằng kỳ thi chung hoàn toàn có thể làm được nếu Bộ Giáo dục huy động mọi lực lượng có khả năng cùng góp sức.
Nguyên Vụ trưởng Đại học kể, năm 1974, chính quyền Sài Gòn đã tổ chức kỳ thi tú tài bằng trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa đầu tiên ở miền Nam. Kỳ thi đó chỉ có 135.000 thí sinh dự thi, nhưng phải sử dụng máy tính IBM 360/50 đồ sộ để xử lý và phân tích kết quả theo lý thuyết trắc nghiệm cổ điển. Do làm nghiêm túc nên kỳ thi đã thành công tốt đẹp.
"Ngày nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nên không có lý do gì để không tổ chức tốt kỳ thi hợp nhất. Phương án hợp lý nhất cho kỳ thi quốc gia chung là phương án 2 bởi có nhiều môn để các trường đại học lựa chọn thí sinh. Phương án 1 vừa sức với thí sinh nhưng kết quả lại khiến các trường ĐH khó sử dụng", GS Thiệp bày tỏ.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Huy Vinh thì hoàn toàn ủng hộ thực hiện một kỳ thi chung quốc gia vì 7 cái được bao gồm: Giảm tốn kém ngân sách, đỡ khổ học sinh, nhân dân, giảm tải công việc và giúp các trường tuyển sinh linh hoạt hơn, học sinh thi nghiêm túc hơn, gia đình định hướng tốt cho con, giảm tính may rủi cho học sinh khi chọn trường trước và các trường đánh giá được chất lượng dạy học thực sự.
Vị Phó giám đốc Sở cho rằng nên hiểu 3 phương án thi của Bộ là 3 lộ trình thì đúng hơn. Ông cho rằng tích hợp là một hợp chất chứ không phải hỗn hợp. Muốn tích hợp cần phải có thời gian. Vì vậy, trước mắt phương án 1 thi theo môn thi gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ là khả quan nhất.
"Phương án 1 chỉ là cải tiến so với năm ngoái một chút. Tôi cho rằng việc hợp nhất kỳ thi cần làm ngay bởi càng bàn càng khó", ông Vinh góp ý.
Sau 16 ý kiến trực tiếp và nhiều tham luận gửi bằng văn bản, PGS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam kết luận, hội thảo vẫn chưa thể ngã ngũ để có một kiến nghị chung. Tuy nhiên, việc hợp nhất hai kỳ thi làm một không nên chần chừ, cầu toàn quá. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục phải đưa ra 1 đề án, xem xét kỹ đối tượng ảnh hưởng là học sinh và phụ huynh để cân nhắc, tiếp cận cơ sở khoa học, tạo được sức thuyết phục.
GS Kiều cũng đề nghị Bộ Giáo dục xem xét mối quan hệ ổn định và thay đổi bởi quá nhấn mạnh ổn định thì sẽ không thay đổi được, còn thay đổi quá nhanh thì cũng không nên. Các kỳ thi nên đưa trở về đúng mục đích, bản chất là kiểm tra năng lực, kiến thức, không nên nghiêm trọng hóa.
"Thi cử đơn gian là để phản ánh trình độ thực của học sinh, từ đó chọn người vào đại học. Vì vậy, Bộ Giáo dục nên cố gắng đưa ra quyết định sớm, tránh để đêm dài lắm mộng, lấn cấn sẽ không làm được. Tôi cho rằng đây là một trong những quyết định khó khăn nhất cho Bộ trưởng giáo dục bởi nó ảnh hưởng đến hàng chục triệu con người, gia đình", GS Kiều nhấn mạnh.
Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh bày tỏ, những ý kiến của hội thảo rất bổ ích và cần thiết để Cục khảo thí có thêm tư liệu tham mưu cho Bộ trưởng. Ông Trinh khẳng định, kỳ thi quốc gia chung nếu không gắn với yếu tố 1 triệu học sinh và tính khả thi thì sẽ rất bại.
Trước đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết phương án 1 kỳ thi chung quốc gia sẽ sớm được công bố trong đầu tháng 9.
Hoàng Thùy