- Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về một kỳ thi quốc gia chung thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Giáo sư đánh giá thế nào về việc này?
- Việc đổi mới hai kỳ thi quốc gia (vốn đang tổ chức quá gần nhau) được xã hội hoan nghênh. Tuy nhiên, gộp hai kỳ thi như thế nào để vẫn đảm bảo nghiêm túc và công bằng, giảm tốn kém cho xã hội, vất vả cho học sinh thì cần phải bàn bạc và cân nhắc kỹ lưỡng.
Tôi cho rằng, việc gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi ĐH, CĐ, xét về mặt logic có 3 khả năng: Giữ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, xem nhẹ và gần như bỏ thi ĐH; Giữ kỳ thi ĐH bỏ thi phổ thông; hoặc gộp hai kỳ thi làm một. Tuy nhiên, phương án mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến chỉ là một trong ba khả năng kể trên.
- Dự thảo nêu ba phương án ra đề thi, theo giáo sư, đâu là phương án khả thi nhất?
- Mục tiêu của hai kỳ thi tốt nghiệp và thi vào đại học là hoàn toàn khác nhau. Phổ thông là bậc học phổ cập, cung cấp tri thức chung nhất và tối thiểu cho tất cả người dân, không hạn chế về số lượng tốt nghiệp. Ngược lại đại học là đào tạo chuyên gia, những cán bộ chuyên sâu về một nghề, kỳ thi này mang tính chất cạnh tranh và số lượng thí sinh trúng tuyển là hữu hạn.
Một kỳ thi quốc gia mà Bộ GD&ĐT hỏi ý kiến và dự kiến tiến hành sắp tới, theo nghiên cứu, giống với kỳ thi nhận bằng tú tài ở nước Pháp năm 1808, cách đây hơn 200 năm dưới thời hoàng đế Napoléon I. Theo định nghĩa, bằng tú tài có 2 nghĩa: bằng kết thúc trung học phổ thông và bằng cho phép đương nhiên ghi tên theo học đại học (“Université”), tức là "bằng cấp đầu tiên" của đại học.
Nước Pháp có 2 loại đại học (“Université”), đó là loại ghi danh và loại "Trường lớn" (dịch nghĩa đen của từ Grande École) thi cử chặt chẽ. Việc dựa vào kết quả thi tốt nghiệp phổ thông để vào đại học, theo cảnh báo của cố GS Bùi Trọng Liễu là một tai họa lớn cho nền giáo dục của nước Pháp ngày nay. Cách thi này xem nhẹ chất lượng nguồn nhân lực và vô tình còn “tước quyền” tự chủ trong vấn đề tuyển sinh của các trường đại học.
Việc phát triển ồ ạt trường đại học và tăng số lượng tuyển sinh ở nước ta trong những năm gần đây đã vượt quá khả năng giảng dạy của thầy giáo, cơ sở vật chất, nhu cầu phát triển của nền kinh tế, gây lãng phí lớn. Hiện nước ta có 2,2 triệu sinh viên, song số cử nhân thất nghiệp tính đến nay là khoảng 162.000 người (lãng phí gần 18.000 tỷ đồng của Nhà nước và người dân bỏ ra đào tạo).
Nếu phải chọn một trong ba phương án ra đề thi của Bộ thì chỉ có phương án một là khả thi. Hai phương án còn lại phải ra đề thi “tích hợp”. Nhưng thế nào là tích hợp? Tích hợp phần chung khoa học hay tích hợp cách giảng dạy theo một chủ đề nhất định? Hiện nay chưa có sách giáo khoa tích hợp chung khoa học trên thế giới, nếu có chỉ là sách chuyên khảo cho các chuyên gia trình độ cao. Còn việc tích hợp trong giảng dạy cho một số môn, ngay cả ở nước Anh, việc ra đề thi “tích hợp” ở bậc THCS còn là thách thức lớn, ở bậc THPT còn quá xa. Điều này đang đi ngược với chủ trương phân hóa ở THPT trong làm chương trình, sách giáo khoa.
Ở châu Á, Nhật Bản là nước không thành công trong việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH. Vì vậy họ giữ lại kỳ thi ĐH và dùng hình thức thi nhẹ nhàng, nghiêm túc để thay dần kỳ thi tốt nghiệp các cấp ở bậc phổ thông. Xu hướng thi cử này được một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc... vận dụng.
- Nếu phải chọn một phương án, dường như giáo sư nghiêng về việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và giữ lại kỳ thi đại học?
- Không, đã học là phải thi, đó là nguyên tắc. Xuất phát từ thực tế trong nước, xu thế trên thế giới tôi đề nghị tạm thời giữ nguyên kỳ thi ĐH theo phương án ba chung, còn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông giao về cho các Sở GD&ĐT, Bộ Giáo dục chỉ giữ vai trò giám sát và kiểm tra.
Chương trình là cốt lõi của nền học, sách giáo khoa là tài liệu mang tính pháp lý trong dạy và học. Kể từ năm 1980 đến nay, ta chưa có chương trình chính thức của Nhà nước, chưa có sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn Việt Nam và theo chuẩn mực quốc tế nên việc ra đề, kiểm tra mới rắc rối, tiêu cực và xa chuẩn mực quốc tế.
Giáo dục Việt Nam trước đây mô phỏng theo giáo dục Pháp, song giáo dục Việt Nam của chế độ mới đã khác nhiều thời Pháp thuộc. Sự khác biệt này không được cân nhắc kỹ lưỡng khi hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục sẽ gây rắc rối và lãng phí cho xã hội.
Năm 1950 theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ta đã bỏ phân ban theo Pháp để khẳng định nền giáo dục toàn diện. Năm 1993 phân ban thuộc Pháp lại được khôi phục. Tính đến nay là 21 năm trôi qua, thực tiễn đã phủ quyết mọi phương án phân ban của Bộ. Nếu không xuất phát từ thực tiễn, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống giáo dục nước ta mà vẫn “sao chép những cái cũ và lạc hậu” từ thời Pháp thuộc theo cảnh báo của cố GS Bùi Trọng Liễu thì việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa hiện nay và gộp các kỳ thi vẫn rơi vào vết xe đổ của phân ban.
Ba phương án ra đề cho kỳ thi quốc gia chung thay thế thi tốt nghiệp và thi đại học của Bộ Giáo dục: Phương án 1 là theo môn thi. 8 môn gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa. Phương án 2 là thi theo bài. Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (gồm Sử và Địa). Mỗi thí sinh phải thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh chọn một trong hai bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Xã hội. Phương án 3 cũng thi theo bài. 11 môn học lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được tuyển chọn để tổng hợp thành 4 bài thi. Theo đó, sẽ có bài thi Toán - Tin (gồm các môn Toán và Tin học); Bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); Bài thi Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân); Bài thi Ngoại ngữ. Tất cả sẽ có 4 buổi thi được tổ chức trong 2 ngày, mỗi buổi thi một bài. |
Hoàng Thùy thực hiện