
Tác phẩm "Vợ tôi" được sáng tác năm 1991, là một trong những bức nổi tiếng của cố danh họa Đỗ Quang Em. Chân dung phụ nữ - đặc biệt là người vợ - chiếm phần lớn trong mảng đề tài sáng tác của ông.
Họa sĩ qua đời hôm 3/8 tại nhà riêng ở TP HCM vì bệnh già, thọ 79 tuổi. Ông là một trong những tên tuổi lớn của làng hội họa từ thập niên 1970 đến nay. Ông sinh năm 1942 trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh ở Ninh Thuận. Sau khi tốt nghiệp Trường quốc gia cao đẳng mỹ thuật Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật TP HCM) năm 1965, ông chuyển hướng sang hội họa. Từ năm 1971 về sau, ông khám phá con đường riêng với trường phái cực thực (hyperrealism).

Bức "Chân dung vợ họa sĩ" - sáng tác năm 1975. Nhiều tác phẩm của ông được đấu giá nội bộ tại châu Âu nên hình ảnh tranh đến nay vẫn chưa được công khai. Trên thị trường, tranh ông giá trung bình hàng chục đến trăm nghìn USD. Phòng tranh Galerie La Vong ở Hong Kong từng bán bức "Ấm và tách trà" của ông giá 50.000 USD vào năm 1995.

Họa sĩ Đinh Cường - đồng nghiệp cùng thời Đỗ Quang Em - từng nhận xét, nhờ cách chơi bóng tối, cách đặt ánh sáng đầy quyền uy, tranh ông luôn quyến rũ, đắt giá.

Tác phẩm "Amulet" (Bùa hộ mệnh) - sáng tác năm 2000. Nhờ có kiến thức nhiếp ảnh, tranh ông chủ yếu tập trung vào kỹ thuật khắc họa độ sáng - tối, tạo nên chiều sâu của tác phẩm.

Tác phẩm "Lady in red" (Người đàn bà mặc áo đỏ) - sáng tác năm 1997. Thập niên 1990 là thời kỳ đỉnh cao trong nghề khi Đỗ Quang Em có tranh trưng bày, đấu giá ở nhiều quốc gia. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000, từng nhắc đến ông vì "họa sĩ Đỗ Quang Em được giới thiệu tại nhiều triển lãm quốc tế".

Bức "The portrait of a lady" (Chân dung một phụ nữ) - vẽ năm 1974. Danh họa thường vẽ vợ, các con và vài người bạn của ông. Ông từng nói: "Tôi vẽ, yêu thương ai, ghét bỏ cái gì cũng trong phạm vi nhỏ hẹp đó. Tôi hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ trong chừng mực đó, còn những gì diễn ra bên ngoài bốn bức tường thì hoàn toàn xa lạ".

Bức "Đèn dầu" (2006). Ngoài đề tài con người, ông còn vẽ tĩnh vật, những đồ vật dân dã như ghế tre, chõng tre, đèn dầu, tách trà, khăn choàng cổ, cái ấm...

Bức "Objectives of my life" (Đích đến của đời sống tôi), sáng tác năm 1996. Họa sĩ quan niệm, dù theo đuổi phong cách cực thực, ông "không chỉ vẽ ngoài da mà còn phải thể hiện tâm hồn của đối tượng, thương ghét thật tình, rạch ròi về cảm xúc".

Một tác phẩm tĩnh vật sáng tác năm 1972.

Thập niên 2000, khi sức khỏe xuống dốc, mắt mờ tay run, khả năng sáng tác của ông giảm dần. Giai đoạn này, ông chủ yếu vẽ chân dung tự họa.

Họa sĩ ở một phòng tranh tại TP HCM cuối năm 2009.
Tam Kỳ (ảnh: Văn Bảy)