Luật sư Phạm Liêm Chính |
Dưới cái nhìn của một luật sư, Tiến sĩ Phạm Liêm Chính thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc xác định đúng sai cần có sự can thiệp sâu về mặt kỹ thuật và Bộ Bưu chính Viễn thông phải giữ vai trò chủ đạo. Theo ông Chính, cả VNPT và Viettel vẫn chưa đưa ra được những lý do thuyết phục, nhưng nếu xét theo Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ hôm nay thì dễ dàng nhận ra rằng, VNPT đang có vị trí thống lĩnh thị trường, lại nắm trong tay cơ sở vật chất khổng lồ. Với vị trí này, VNPT có thể hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp mới, bằng cách chỉ cho họ tham gia một cách có giới hạn vào thị trường viễn thông. Và chuyện VNPT ngăn cản doanh nghiệp khác thực hiện đấu nối có thể xảy ra, bởi doanh nghiệp nào cũng đặt lợi ích của mình lên trên.
Ông Chính đặt giả thiết, nếu chuyện VNPT chèn ép Viettel và các doanh nghiệp mới là sự thật thì hành vi này rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín và gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cho khách hàng, phải bị lên án và xử lý theo pháp luật. Khi ấy Viettel có thể kiện VNPT ra tòa, và đây sẽ là sự kiện lần đầu tiên có ở VN. Theo ông, ở các nước, với những hành vi như thế này, mức xử phạt có thể lên đến hàng trăm nghìn đôla thậm chí lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp ấy có thể bị ngồi tù. Tuy nhiên, câu chuyện giữa VNPT và Viettel chưa nghiêm trọng đến mức phải nhờ đến Luật Cạnh tranh, bởi bản thân Bộ Bưu chính Viễn thông hoàn toàn có thể xử lý được việc này.
Ông Chính cho rằng, vấn đề không dừng lại ở chuyện tranh chấp giữa các doanh nghiệp mà là lợi ích chung của đông đảo người dân. Nếu các bên không giải quyết nhanh, chịu thiệt hại nhiều nhất không ai khác chính là khách hàng.
Còn Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (Văn phòng Luật sư Hồng Hà) thì cho rằng, đến thời điểm này, sự kiện “tranh chấp kết nối” giữa VNPT và Viettel đã tạm lắng khi giải pháp tình thế được Bộ Bưu chính Viễn thông đưa ra. VNPT buộc phải mở thêm cổng và thừa nhận việc Viettel không kết nối được trực tiếp vào tổng đài nội hạt của VNPT tại các tỉnh, thành (theo bản thỏa thuận kết nối mạng di động Viettel với mạng viễn thông VNPT được ký ngày 31/3/2004) là có thật, chứ không phải do Viettel không chịu đầu tư.
Luật sư Phạm Thanh Bình |
Tuy nhiên theo ông Bình, đó chỉ là giải pháp tình thế, còn để giải quyết dứt điểm thì cả phía Viettel và VNPT phải đưa ra những bằng chứng cụ thể để chứng minh hành vi của mình. "Và để giải quyết dứt điểm tranh chấp này, cũng như để xác minh làm rõ những hành vi cạnh tranh không lành mạnh - nếu có - của các bên liên quan, chúng tôi cho rằng rất cần phải có sự can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ", ông Bình nói.
Ông băn khoăn, với việc VNPT chiếm vị trí thống lĩnh với trên 90% thị phần viễn thông, có thể thấy rõ khả năng chèn ép các doanh nghiệp khác đến đâu. Tuy nhiên, viễn thông là lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao, do đó việc chèn ép có thể biểu hiện trên nhiều hình thức, rất khó xác định, kết luận. Chỉ cần một tiểu xảo dù nhỏ của VNPT thôi cũng đủ khiến các doanh nghiệp khác gặp khó khăn.
Theo ông, để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, các doanh nghiệp đòi hỏi Nhà nước, cụ thể là Bộ Bưu chính viễn thông - phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của mình. Tại điểm 6, Chỉ thị 08/2003/CTTg ngày 4/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Bộ Bưu chính Viễn thông có chính sách và giải pháp cụ thể, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Tiến hành rà soát lại việc cấp phép kinh doanh theo quy hoạch, bảo đảm cho thị trường viễn thông phát triển lành mạnh”.
Nhận xét về câu chuyện kết nối giữa các doanh nghiệp viễn thông, một số luật sư khác cũng cho rằng, chưa bàn đến vấn đề kỹ thuật mà xét theo pháp lệnh Bưu chính viễn thông, có thể thấy rõ trách nhiệm của VNPT đến đâu. Là doanh nghiệp Nhà nước thống lĩnh thị trường, VNPT có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác do đã được sự đầu tư ban đầu của ngân sách Nhà nước, vì vậy phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Nếu VNPT lợi dụng vị trí này để chèn ép các doanh nghiệp là 1 hành vi cần lên án.
"Viettel đã làm chuyện từ trước tới nay chưa có ở Việt Nam vì dám đương đầu với người khổng lồ", một luật sư khác nhận xét. Tuy nhiên, ông này cho rằng, Viettel cũng có lợi thế của một doanh nghiệp nhà nước và được sự hỗ trợ rất lớn của Bộ Quốc phòng. Vì vậy, sẽ dễ dàng hơn các doanh nghiệp khác khi muốn chứng minh mình bị hạn chế tham gia thị trường.
Theo ông, mọi việc giải quyết sẽ dễ dàng hơn khi Luật cạnh tranh có hiệu lực. Vấn đề mấu chốt là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bưu chính viễn thông này làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, góp phần xóa bỏ tâm lý “bị chèn ép” của các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phát triển lành mạnh.
Luật sư Phạm Liêm Chính cảnh báo, khi Việt Nam gia nhập WTO, sự cạnh tranh lại càng trở nên khốc liệt hơn không chỉ giữa các doanh nghiệp viễn thông trong nước mà còn cả với các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, thái độ của Bộ Bưu chính Viễn thông lại càng phải khách quan hơn. Với vai trò của mình, Bộ cần phải đứng ra giải quyết ổn thỏa sự việc càng sớm càng tốt.
Một quan chức của Trung tâm So sánh Luật Bộ Tư pháp cũng cho rằng, trong thỏa thuận gia nhập WTO, một số nước có kiến nghị riêng về vấn đề kết nối. Trong đó họ đặc biệt nhấn mạnh đến các điểm là: Các doanh nghiệp nắm giữ hạ tầng thiết yếu phải cho doanh nghiệp mới đấu nối vào bất kể chỗ nào; không được phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác; doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh phải đáp ứng một cách kịp thời đúng thời gian yêu cầu của doanh nghiệp khác...
-Tại khoản 1 Điều 11 thì những doanh nghiệp được coi là Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường vì “có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể” sẽ bị cấm thực hiện một số hành vi “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường” như sau: Cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi sau đây: -Về hình thức xử phạt. Tại Điều 117 Luật cạnh tranh quy định: 1. Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: a) Cảnh cáo. 2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: 3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”. |
Hồng Anh