Ông bà nội tôi sinh được bốn người con, trong đó bố tôi là con trai trưởng, kế đến là chú hai tôi, còn theo sau là hai người con gái mà tôi gọi bằng cô.
Khoảng hơn chục năm, tính từ thời điểm ông bà nội tôi mất đi, chú và hai cô của tôi thường phải mang lễ lạt, tiền bạc tới đóng góp với bố mẹ tôi để tổ chức làm đám giỗ.
Đám giỗ của ông bà nội tôi năm nào cũng được tổ chức rất tươm tất chu toàn, bởi bố mẹ tôi coi ngày giỗ của bậc sinh thành để có dịp anh chị em, con cháu trong đại gia đình, thậm chí là năm nào mở mang to ra thì cả anh em trong dòng họ tộc gặp gỡ hàn huyên ăn uống với nhau.
Những năm cỗ sái, nghĩa là chỉ tổ chức giản đơn gọi là dăm, ba bàn tiệc theo kiểu trước cúng, sau con cháu trong gia đình ăn uống, thì thường bố mẹ tôi cũng lên dự định khoảng bốn mâm, còn những năm có ý tổ chức rộng rãi để mời cả các cô, dì, chú, bác, anh em trong họ tộc, thì có khi tiệc cỗ phải lên tới hơn chục mâm.
Nói chung là đám giỗ của ông bà nội tôi năm nào cũng được tổ chức khá chu toàn, vui vẻ, khi anh chị em, con cháu trong đại gia đình không xảy ra bất kỳ một mâu thuẫn hay điều tiếng gì.
Thế nhưng, khoảng mấy năm trở lại đây, ngày giỗ ông bà nội tôi đã không còn vui, không còn đoàn tụ như xưa, mà nó đã trở lên buồn bã. Bởi tới ngày thắp hương cúng giỗ chỉ có bố mẹ tôi và cô út họp mặt làm đám giỗ, còn chú hai và người cô đứng thứ 3 trong tổng số 4 người con của ông bà tôi thì lại tự đứng lên tổ chức làm đám giỗ riêng, chứ không cúng giỗ chung với bố mẹ tôi như xưa.
Việc những người con thứ tự ý đứng lên cúng giỗ cha mẹ mình như chú hai và cô ba của tôi làm là "trái luật", vì việc theo giỗ chạp xưa nay tất tật phải theo con trưởng.
Nguyên nhân để xảy ra tình trạng cô chú tôi cúng riêng ông bà nội chỉ đơn giản là mảnh đất mà ông bà tôi di chúc để lại. Mảnh đất của gia đình tôi nằm trong vùng quy hoạch đô thị, bỗng dưng có giá vài chục triệu đồng một mét vuông, nếu bán đi thì kiểu gì cũng có cả mấy tỷ bạc.
Vì vậy dẫu chú tôi đã có đất ở rồi, nhưng khi nhìn thấy mảnh đất ông bà để lại cho bố tôi có giá như vậy, nên chú tôi đã "tối mắt" quay về tranh chấp đòi chia.
Cô ba tôi cũng xúi vào, và thế là hai anh em cô chú tôi đã hùa vào một phe để đòi đất với bố mẹ tôi. Bố tôi là nguời cũng đâu có tham lam, vui vẻ đồng ý cắt bớt vài trăm mét chia cho chú hai tôi, nhưng chú vẫn không chịu mà đòi phải được một nửa mảnh đất.
Mâu thuẫn bùng phát khi bố tôi quyết định không đáp ứng sự đòi hỏi quá đáng của chú, bởi bố tôi nói chú đã có một mảnh đất rồi, giờ lại đòi một nửa là vô lý, và thế là chú và cô ba tôi đã đâm đơn ra tòa thưa kiện.
Nhiều năm nay đất đai vẫn còn kiện tụng, và việc tòa giải quyết vẫn chưa xong do còn có một số vấn đề khúc mắc có liên quan, thế nhưng bố mẹ tôi và chú hai, cô ba đã cạch mặt nhau.
Tôi nghĩ chẳng riêng gì người sống là bố mẹ tôi, cô, chú tôi, con cháu trong đại gia đình buồn bã vì tình cảm bị chia cắt, lạnh nhạt như người dưng nước lã, mà có lẽ vong hồn ông bà tôi cũng rất buồn, bởi chỉ vì tiền bạc, sự hơn thua mà các con các cháu đã tan đàn sẻ nghé, chia cắt và coi nhau không ra gì...
Chuyện như vậy nên mỗi lần từ thành phố trở về quê dự đám giỗ của ông bà nội tôi thấy lòng trĩu nặng vì buồn, và tôi ao ước sự đoàn tụ, vui vẻ sum vầy như không khí của những đám giỗ ông bà lúc tôi còn nhỏ. Dẫu ước ao là vậy, nhưng tôi biết sẽ là không thể, vì một khi tình cảm đã bị chia cắt, bị mất đi thì không dễ gì hàn gắn lại được, nó giống như một bát nước đã đổ đi rồi thì làm sao có thể lấy lại được nữa...
Thế nhưng, ngẫm chuyện gia đình nhà mình, rồi nhìn sang gia cảnh của rất, rất nhiều nhà hàng xóm ở làng quê tôi cũng được "an ủi" phần nào, bởi lẽ chuyện sứt mẻ tình cảm, chia rẽ anh chị em ruột thịt trong các gia đình để rồi dẫn tới mỗi người, mỗi phe nhóm cúng giỗ cha mẹ riêng rẽ những năm gần đây xảy ra nhiều.
Cũng giống như gia đình tôi, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng quá nhiều các đám giỗ cúng riêng cũng chỉ vì đất đai, tiền bạc mà ra.
Nhiều lần chuyện trò về vấn đề này, mẹ tôi cũng ngao ngán, thở dài bảo: "Chuyện các con cháu cúng giỗ ông bà, cha mẹ riêng giờ không riêng gì ở làng mình, xã mình đâu con ạ, mà rất nhiều làng xã khác, nhất là các vùng quê đô thị hóa, khi đất đai đắt đỏ và chỉ vì tranh giành đất, chia chác không công bằng... nên dẫn tới tình trạng mất đoàn kết, mất tình cảm máu mủ ruột rà".
Rồi mẹ tôi cũng kể về trường hợp bên ngoại của mẹ, cũng chỉ vì tranh giành đất đai nên hai người cậu tôi cũng không nhìn mặt nhau, để rồi cũng tổ chức giỗ ông bà ngoại tôi riêng biệt.
Mẹ là con gái đi lấy chồng, theo truyền thống mẹ phải theo giỗ cậu trưởng, và mẹ cũng không đứng về cậu nào, bởi mẹ biết đứng về phía nào cũng sẽ mất lòng một bên, vì thế mẹ chọn cách đứng ngoài cuộc để hai cậu "xử" nhau.
Dẫu vậy, không chỉ mẹ mà nhiều khi sang bên ngoại dự đám giỗ ông bà ngoại tôi cũng thấy rất buồn...
Kể ra đây vài câu chuyện trong thực trạng cúng giỗ riêng ở thời nay để thấy rằng sức mạnh ghê gớm của đất đai, tiền bạc đã, đang làm cho giá trị tình cảm, thậm chí là tình máu mủ ruột thịt anh em, họ hàng bị xói mòn một cách đáng buồn và đáng lo ngại.
Con người với con người sống là để thương yêu lẫn nhau, huống hồ là tình anh em ruột thịt ai nỡ nào lại chia lìa cắt đứt, bởi tình cảm là thứ cực kỳ quý giá, trong khi có cả núi tiền bạc thì khi chết con người ta có ai mang được gì theo đâu?
Nguyễn Long