Trạm thu phí Đại Xuyên được xây dựng tại km212+315 nằm giữa hai dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình do hai chủ đầu tư thực hiện và khai thác với hai phương thức thu phí. Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức thu phí kín bằng thẻ cho dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình. Còn đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ do Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý thu phí bằng vé giấy.
Theo VEC, sau hơn 4 năm đưa trạm Đại Xuyên vào hoạt động, tại đây xảy ra 146 vụ ùn tắc, chủ yếu vào những ngày lễ, cuối tuần. Từ khi trạm thu phí Đại Xuyên được khai thác bởi 2 đơn vị, tình hình ùn tắc càng nghiêm trọng, diễn ra ở cả hai chiều. Có thời điểm lưu lượng thời điểm lến đến 200-300 xe/giờ mỗi chiều di chuyển khi qua trạm do tốc độ lưu thông thấp.
![tranh-cai-ve-xoa-tram-thu-phi-tren-cao-toc-phap-van-ninh-binh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/07/14/thu-phi-6191-1468473397.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IFRhyCbwozKh689k5__OOA)
Trạm thu phí Đại Xuyên đã được thử nghiệm thu phí không dừng. Ảnh: Đ.Loan
Theo ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc VEC, trạm thu phí được khai thác bởi hai nhà đầu tư dẫn đến quá nhiều thao tác: thu tiền đoạn trước, phát thẻ đoạn sau, gây tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Ngoài ra, hai trạm thu phí cách nhau 30 km là quá ngắn.
Đây là lần thứ hai trong năm nay VEC kiến nghị dỡ bỏ trạm thu phí Đại Xuyên vì tình hình căng thẳng giao thông trên tuyến. Về giải pháp thu phí, VEC đề xuất thống nhất dùng vé điện tử (RFID), không dùng vé giấy thông thường như hiện nay. Vé do một bên phát hành ở cổng vào, quét ở cổng ra đơn vị khác, hệ thống tự động phân chia doanh thu. Tiền của hai bên sẽ được phân khai trên tài khoản theo số km của khách hàng.
Trước đề xuất của VEC, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (chủ đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), bày tỏ không đồng tình và cho rằng, trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình có hai dự án khác nhau với mô hình doanh nghiệp khác nhau, hạch toán độc lập nên các doanh nghiệp cần chủ động thu phí và quản lý nguồn thu của mình.
Nếu dỡ bỏ trạm Đại Xuyên thì phương tiện giao thông phóng nhanh sẽ dồn vào trạm thu phí Pháp Vân gây ách tắc. Để giảm ùn tắc tại đây, chủ đầu tư đã bố trí 2 làn thu phí không dừng.
Để thống nhất thu phí, lãnh đạo BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, sẵn sàng mua lại quyền thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC đang thực hiện. "Nếu một doanh nghiệp quản lý toàn bộ tuyến cao tốc sẽ phù hợp hơn là hai doanh nghiệp. Khi đó, chúng tôi thực hiện đồng bộ hóa quản lý, bảo trì tuyến đường", ông Phạm Văn Khôi nói.
Trả lời lo ngại về sự minh bạch nếu sáp nhập thu phí, ông Phạm Văn Khôi khẳng định, đã có dư luận cho rằng thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thiếu minh bạch song mới đây, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ và nhà đầu tư đã kết hợp kiểm tra số phí tại các cửa và trạm điều hành trung tâm. Số tiền được công bố cho các cổ đông và cơ quan chức năng để giám sát, tạo đồng thuận với chủ phương tiện.
Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án BOT đều được Bộ Giao thông thực hiện đúng trình tự, tuân thủ quy định hiện hành, các dự án đều lấy ý kiến của địa phương và bộ ngành và được Thủ tướng cho phép, đặc biệt trong việc đặt các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án. Tuy nhiên, Bộ Giao thông sẽ rà soát vị trí đặt trạm thu phí, đảm bảo hài hoà lợi ích nhà đầu tư và các doanh nghiệp vận tải, người dân. |
Đoàn Loan