Và khi dịch viêm phổi lan ra khắp các tỉnh thành Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn ca ngợi "sự minh bạch" của Bắc Kinh, dù có bằng chứng cho thấy giới chức Trung Quốc đã yêu cầu những người cảnh báo sớm giữ im lặng và hạ thấp mức nghiêm trọng của dịch.
Hiện giờ nhiều người đặt câu hỏi liệu những lời ca ngợi của WHO trong những tuần đầu đối phó dịch có tạo ra lầm tưởng và tâm lý chủ quan, vô tình tạo cơ hội cho virus lây lan hay không.
"Chúng tôi đã bị đánh lừa", Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, cố vấn cho WHO, nói. "Dựa vào những gì WHO và Trung Quốc nói, tôi và các chuyên gia y tế cộng đồng khác đã trấn an công chúng rằng dịch này không nghiêm trọng và chúng tôi có thể kiểm soát được".
"Chúng tôi đã tạo ra cảm giác an tâm giả tạo", ông nói thêm.
Dịch viêm phổi đã lây lan ở 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến ít nhất 1.018 người chết hơn 43.000 người nhiễm. Xử lý một loại dịch mới không bao giờ dễ dàng. Trong khủng hoảng, WHO, cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Geneva, phải làm việc với các nước thành viên để có được thông tin và phối hợp phản ứng.
Các chuyên gia am hiểu hoạt động của WHO nhấn mạnh rằng chính sách ngoại giao cẩn trọng và những lời ca ngợi công khai có thể giúp các quốc gia đang gặp khủng hoảng không trở nên khép kín với thế giới bên ngoài.
Cơ quan này đã học được những bài học quý giá từ dịch SARS năm 2002, khi Trung Quốc ban đầu cố gắng che đậy dịch. Một số chuyên gia đánh giá trong khủng hoảng lần này, WHO đã hành động đúng.
Nhưng một số người bày tỏ lo ngại về việc WHO dễ dàng chấp nhận dữ liệu và đánh giá của Trung Quốc trong giai đoạn đầu bùng phát dịch mà không nghi ngờ. Họ cũng cảnh báo những lời khen ngợi liên tục của WHO với Bắc Kinh sẽ làm lung lay uy tín của cơ quan.
"Tôi lo ngại liệu họ có thể lãnh đạo phản ứng quốc tế hiệu quả hay không", Yanzhong Huang, chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Mỹ, nói. "Người dân vốn tin tưởng cơ quan này là 'bên bảo vệ sức khỏe toàn cầu' vì họ có chuyên môn và trung lập về chính trị".
Năm 2003, dịch SARS làm rung chuyển Trung Quốc và thay đổi cách WHO đối phó với các nguy cơ y tế. Sau cuộc khủng hoảng, các quy tắc mới được đưa ra, yêu cầu WHO báo cáo về các bệnh mới và trao cho họ quyền lực lớn hơn để điều tra, có thể sử dụng những nguồn tin không chính thức như từ các nhóm xã hội dân sự. Mục tiêu của thay đổi này là ngăn chặn che đậy thông tin.
Cuối tháng 12/2019, tin đồn về một loại virus bí ẩn bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Trung Quốc thông báo cho WHO ngày 31/12/2019 rằng có dịch viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán. Dựa trên dữ liệu của Trung Quốc, WHO ra tuyên bố ngày 5/1, cho biết có 44 ca nhiễm và không có bằng chứng lây từ người sang người.
Nhưng thực tế, trước ngày 5/1, một số quan chức Vũ Hán đã biết các bác sĩ đang thảo luận về sự lây lan của loại virus giống SARS và những bác sĩ này đã bị nhắc nhở. Giới chức địa phương cũng báo cáo ít ca nhiễm hơn so với thực tế.
"Tôi cho rằng có việc chậm trễ trong báo cáo thông tin từ Vũ Hán đến Bắc Kinh, mặc dù Bắc Kinh khá cởi mở về việc chia sẻ thông tin với WHO", Mara Pillinger, chuyên gia từ Viện Sức khỏe Quốc gia và Toàn cầu O'Neill của Đại học Georgetown nói.
David Heymann, giáo sư tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London và là chủ tịch ủy ban tư vấn của WHO về bệnh truyền nhiễm, đã bênh vực cho cách phản ứng này. "Khi dịch mới bùng phát, rất khó để đánh giá nguy cơ", ông nói, chỉ ra rằng Mỹ cũng từng mắc lỗi khi đối phó với AIDS và Canada đã gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa chính quyền liên bang với địa phương trong đại dịch SARS.
Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học từ Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, đánh giá WHO đã làm tốt công việc trong điều kiện khó khăn. Nhưng bà cũng nói rằng Trung Quốc chậm trễ cung cấp dữ liệu dịch tễ học quan trọng mà các nhà nghiên cứu cần có để nghiên cứu virus, như thông tin về người bệnh.
"Một lời chỉ trích WHO đáng nhận được là khi đưa ra báo cáo về tình hình, họ về cơ bản thiếu dữ liệu từ Trung Quốc", bà nói. "Câu hỏi đặt ra là vì sao họ không có dữ liệu và sao họ không làm gì để khắc phục tình huống đó".
Từ cuối tháng một, Trung Quốc bắt đầu hành động quyết liệt để chống dịch. Ngày 20/1, khi 400 triệu người chuẩn bị về quê ăn Tết, các quan chức xác nhận điều mà nhiều người nghi ngờ từ lâu: virus có thể lây từ người sang người.
Ông Tập kêu gọi có hành động nhanh chóng và minh bạch. "Cần phải công bố thông tin về dịch kịp thời và tăng cường hợp tác quốc tế", truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn chỉ thị của ông. Giới chức bắt đầu hạn chế giao thông công cộng của thành phố 11 triệu dân Vũ Hán.
Tại Geneva, một hội đồng khẩn cấp được triệu tập để thảo luận về tình hình và quyết định xem có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu nhằm thể hiện "cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng, bất thường, khó lường gây ra rủi ro y tế cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua lây lan quốc tế".
Ngày 22/1, Tedros hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc. "Những gì họ đang làm là biện pháp rất, rất mạnh mẽ và với cam kết đầy đủ", ông nói. Bình luận này gây ngạc nhiên cho các chuyên gia y tế công cộng vì lệnh cấm đi lại có thể tạo ra sự hoảng loạn và khiến công tác phản ứng ban đầu trở nên khó khăn hơn.
Ngày 23/1, Trung Quốc áp lệnh "nội bất xuất ngoại bất nhập" với Vũ Hán và sau đó hạn chế giao thông ở các thành phố khác, ảnh hưởng đến thêm hơn vài chục triệu người. Cùng ngày, tại Geneva, WHO quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Điều này có nghĩa là không kêu gọi hạn chế ra vào Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh đã "đóng cửa" miền trung nước này.
Khi được hỏi về việc Trung Quốc phong tỏa thành phố để kiểm dịch, Tedros ngần ngại cho ý kiến. "Một quốc gia có chủ quyền có quyền tự chủ làm những gì họ cho là đúng", ông nói và bày tỏ hy vọng thời gian phong tỏa sẽ không kéo dài.
Trong khi WHO dành những lời có cánh cho Trung Quốc, các quan chức nước này bắt đầu thừa nhận sai lầm. Trong cuộc phỏng vấn ngày 27/1, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng thừa nhận thông tin nên được tiết lộ nhanh hơn.
Khi đến thăm Bắc Kinh, Tedros vẫn khen ngợi các quan chức. Xinhua đưa tin Tedros không chỉ ca ngợi phản ứng với nCoV mà còn cả "sự hiệu quả của hệ thống Trung Quốc". Khi trở về từ Bắc Kinh, ông tiếp tục dành lời khen cho Trung Quốc và ông Tập. "Tôi cảm thấy được khích lệ và ấn tượng trước hiểu biết chi tiết của Chủ tịch Trung Quốc về dịch và cam kết cá nhân của ông".
Ngày 30/1, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. "Chính phủ Trung Quốc nên được khen ngợi vì những biện pháp phi thường mà họ đã thực hiện để ngăn chặn dịch", Tedros nói.
Một số chuyên gia cho rằng những lời ca ngợi này là chiến lược hợp lý. "WHO cần phải cân bằng giữa các bên", Devi Sridhar, giáo sư tại Đại học Edinburgh, cho biết. "Nếu điều đó đòi hỏi phải ca ngợi Trung Quốc công khai thì ông ấy phải làm vậy".
Những người khác lo lắng việc này có thể làm lung lay niềm tin của công chúng vào WHO. Ca ngợi các lãnh đạo Trung Quốc "không phải là ý tưởng tồi, nhưng nên thực hiện một cách chuyên nghiệp và đáng tin cậy", Huang nói.
WHO dường như vẫn đang duy trì chiến lược này. Cuối tuần trước, phóng viên hỏi Tedros liệu Trung Quốc ban đầu có che giấu thông tin không, nhắc đến việc bác sĩ Lý Văn Lượng từng bị khiển trách do cảnh báo sớm về dịch. Anh đã qua đời vì nCoV ngày 7/2.
Ông ban đầu chuyển câu hỏi cho một đồng nghiệp rồi sau đó nêu ý kiến của mình, tiếp tục bênh vực cho cách xử lý dịch của Trung Quốc. "Rất khó để nói Trung Quốc đã che đậy".
Trên trang kiến nghị trực tuyến change.org, bản kiến nghị do một người dùng có tên "Osuka Yip" khởi xướng từ ngày 31/1 tới nay đã thu được hơn 361.000 chữ ký và đang hướng tới mục tiêu đạt 500.000 chữ ký để đòi Tedros từ chức.
"Chúng tôi nghĩ rằng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus không phù hợp với vai trò là Tổng giám đốc WHO. Chúng tôi kêu gọi ông ngay lập tức từ chức", đơn kiến nghị viết.
Phương Vũ (Theo Washington Post)