Dịch viêm phổi do virus nCoV xuất hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Dịch đến nay khiến hơn 50 người thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị nhiễm bệnh trên khắp Trung Quốc. Viêm phổi Vũ Hán cũng xuất hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Nepal, Pháp, Canada và Việt Nam.
Nhiều chuyên gia dự đoán Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ tuyên bố dịch viêm phổi Vũ Hán là cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu trong tuần này cũng như đưa ra các biện pháp khẩn cấp với dịch. Tuy nhiên WHO lại có một quyết định gây khó khăn cho nhiều người khi khẳng định vẫn còn "quá sớm" để hành động như vậy.
"Các tiêu chí để tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đã có đủ. Tuy nhiên, không phải tất cả các quyết định của WHO đều chỉ dựa trên vấn đề sinh học", Yanzhong Huang, thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nhận định về phản ứng của WHO với dịch viêm phổi Vũ Hán.
Sau khi vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc luôn khao khát được công nhận nhiều hơn trên trường quốc tế. Chính phủ nước này đã tích cực hoạt động để gây ảnh hưởng tại các tổ chức toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên Hợp Quốc.
"Trung Quốc có một chiến lược về việc đảm nhận vai trò nổi bật hơn trong các tổ chức liên chính phủ. Bắc Kinh đang sử dụng những tổ chức này để thúc đẩy lợi ích của họ", Frances Eve, phó giám đốc nghiên cứu tại Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, nhận định.
Sự tích cực của Trung Quốc đã được hồi đáp vào tháng 5 năm ngoái, khi WHO đưa y học cổ truyền Trung Quốc vào sách "Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan". Đây là văn bản quan trọng của ngành y thế giới, có thể ảnh hưởng tới các công trình nghiên cứu toàn cầu.
Dưới áp lực của Trung Quốc, WHO cũng đã loại Đài Loan khỏi Hội đồng Y tế Thế giới và hòn đảo này không nhận được lời khuyên về sức khoẻ toàn cầu trong suốt ba năm qua. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Các quan chức Đài Loan trong tuần này tiếp tục cảnh báo cách tiếp cận của WHO đang tạo ra một lỗ hổng trong an ninh y tế, có thể gây rủi ro cho toàn bộ châu Á.
"Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc cũng có một vai trò trong lĩnh vực y tế toàn cầu, khiến nó nằm ngoài những hoạt động bình thường của WHO", Laurie Garrett, thành viên của ban cố vấn an ninh y tế toàn cầu, nhận xét, thêm rằng WHO sẽ "hối hận" khi không tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
"Tuy nhiên, sẽ rất sai lầm khi nói vấn đề này bị tiền tác động. Trung Quốc là một nhà tài trợ của WHO, song những đóng góp của họ vẫn chưa thấm vào đâu so với Mỹ, Anh và Quỹ Gates", Garrett nói.
Trong khi Trung Quốc đóng góp 19 triệu USD phí thành viên cho WHO, phần lớn ngân sách của tổ chức này (khoảng 80%) đến từ các cam kết tự nguyện.
"Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì tai hại đang xảy ra. WHO vẫn làm rất tốt công việc đại diện cho tất cả các quốc gia thành viên", Giáo sư Trudie Lang, giám đốc mạng lưới y tế toàn cầu tại Đại học Oxford, cho biết.
Tuy nhiên WHO cũng đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì liên tục khen ngợi cách Trung Quốc xử lý ổ dịch. "Ủy ban y tế tại Vũ Hán đáng lẽ có thể phản ứng nhanh hơn", Chen Xi, một giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Yale, cho biết.
Ông Chen nói các quan chức Trung Quốc đã không thông báo về viêm phổi Vũ Hán sớm, chỉ công bố thông tin vào ngày 31/12, dù căn bệnh đã xuất hiện trong nhiều tuần trước đó. Ông khẳng định chính quyền đã bỏ lỡ "thời gian vàng" để đưa ra các biện pháp phản ứng khẩn cấp.
Trung Quốc hiện đối diện với nghi vấn che giấu dịch khi nhiều video, hình ảnh và khiếu nại về dịch viêm phổi Vũ Hán đều bị kiểm duyệt. Sau nhiều tuần trì hoãn các biện pháp khẩn cấp ứng phó với dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã ban lệnh "phong tỏa" không chỉ với Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, mà còn áp lệnh cấm đi lại với hơn 17 thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc, gây ảnh hưởng tới ít nhất 56 triệu người.
Ngọc Ánh (Theo Telegraph)