Bộ Y tế Nhật Bản cho biết khoảng 15% đường ống nước trên toàn quốc cần được tu sửa vì đã được sử dụng quá 40 năm. Tuy nhiên, với tốc độ hiện tại, Nhật Bản ước tính mất 130 năm để nâng cấp toàn bộ hệ thống đường ống. Chỉ có 37,2% đường ống chính đủ tiêu chuẩn chống động đất, dẫn tới nguy cơ mất nước kéo dài nếu thảm họa tự nhiên xảy ra, Bộ Y tế cho biết thêm.
Tình trạng thiếu nhân lực và nhu cầu sử dụng nước giảm do quy mô dân số thu hẹp khiến nhiều khu vực, đặc biệt là những địa phương nhỏ, gặp khó khăn ngày càng lớn. Dữ liệu của chính phủ cho thấy khoảng 30% nhà cung cấp nước trên toàn quốc làm ăn thua lỗ. Theo dự đoán, tình trạng này thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn trong bối cảnh nguồn nhân lực tiếp tục sụt giảm.
Để giải quyết vấn đề, quốc hội Nhật Bản hồi tháng 12/2018 thông qua Đạo luật Cấp nước sửa đổi, mở đường cho việc tư nhân hóa lĩnh vực này, đánh dấu bước ngoặt trong chính sách, từ việc thúc đẩy mở rộng các doanh nghiệp thành nỗ lực duy trì sự ổn định trong quá trình cấp nước.
Luật sửa đổi tạo điều kiện cho các địa phương cấp quyền điều hành dịch vụ nước sạch cho doanh nghiệp tư nhân trong thời gian dài thông qua hợp đồng nhượng quyền. Chính quyền địa phương trước đây lo ngại rằng loại hợp đồng này buộc họ phải từ bỏ quyền sở hữu đối với toàn bộ hệ thống trang thiết bị cấp nước. Tuy nhiên, theo luật sửa đổi, họ sẽ tiếp tục duy trì quyền sở hữu về mặt pháp lý với các tài sản đó ngay cả khi nhượng quyền.
"Những địa phương có dân số dưới 50.000 người chỉ có khoảng 10 nhân viên phụ trách quản lý nước. Họ đơn giản là không đủ khả năng điều hành các dịch vụ. Một trong các giải pháp là để khu vực tư nhân tham gia quản lý các hoạt động", Takuya Urakami, giáo sư về nghiên cứu quản lý nước tại Đại học Kindai, cho biết.

Công nhân thay thế một đoạn ống nước rỉ sét tại thành phố Fuchu, phía tây Tokyo, Nhật Bản hồi tháng 11/2018. Ảnh: Kyodo.
Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng Nhật Bản có thể đi theo "vết xe đổ" của những quốc gia từng gánh hậu quả vì tư nhân hóa hệ thống cấp nước.
Theo một báo cáo hồi năm 2014 của Viện Xuyên quốc gia (TNI), Đơn vị Nghiên cứu Quốc tế về Dịch vụ công (PSIRU) và Tổ chức Quan sát Đa quốc gia, 180 thành phố trên thế giới đã khôi phục quyền kiểm soát của nhà nước đối với các dịch vụ nước và vệ sinh từ năm 2000 đến 2014, trong đó có 136 thành phố thuộc những quốc gia thu nhập cao như Pháp, Đức và Mỹ.
Những trường hợp tái kiểm soát này chủ yếu xuất phát từ việc các công ty tư nhân phục vụ kém, thiếu minh bạch tài chính, thiếu đầu tư, tăng giá dịch vụ và chất lượng nước giảm rõ rệt, báo cáo cho hay.
Thủ đô Paris, Pháp hồi năm 1984 trao hệ thống cấp nước cho hai công ty lớn là Veolia Environnement và Suez Environnement. Tuy nhiên, những cáo buộc về việc đẩy giá dịch vụ và gây đình trệ quá trình bảo trì cơ sở hạ tầng khiến thành phố phải giành lại quyền kiểm soát hệ thống cấp nước vào năm 2010 và bàn giao nó cho công ty nhà nước Eau de Paris.
Sau khi chính quyền thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ cho phép United Water, công ty con của Suez Environnement, quản lý hệ thống cấp nước sạch từ năm 1999, chất lượng nước suy giảm nghiêm trọng tới mức nguồn nước từ vòi tại các khu dân cư chuyển thành "màu cam và nâu", báo cáo cho biết. Tình hình này buộc thành phố hồi năm 2003 phải hủy hợp đồng 20 năm với United Water.
"Do các công ty tư nhân về cơ bản đều ưu tiên lợi nhuận, khả năng cao là họ sẽ tăng hóa đơn tiền nước lên mức cao nhất có thể", nghị sĩ Tsunehiko Yoshida của đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản đối lập cho biết.
"Hợp đồng nhượng quyền còn đặt ra những lo ngại nghiêm trọng về khả năng của các công ty tư nhân trong sẵn sàng đối phó thảm họa, cũng như phối hợp với các địa phương khác", Hội đồng tỉnh Niigata bổ sung thêm trong tuyên bố hồi tháng 10/2018 nhằm kêu gọi hủy bỏ luật sửa đổi.
"Nguồn nước là một huyết mạch quan trọng giúp củng cố sinh kế và hoạt động kinh tế của cư dân. Các dịch vụ nước về cơ bản không phù hợp để tư nhân hóa. Luật sửa đổi có nguy cơ hủy hoại quyền sử dụng nguồn nước an toàn, giá cả phải chăng và ổn định của cộng đồng", hội đồng cho hay.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga giải thích rằng luật sửa đổi không yêu cầu các địa phương bắt buộc phải đổi sang hợp đồng nhượng quyền, mà chỉ đưa ra thêm một lựa chọn để họ xem xét.
Chính phủ cũng khẳng định họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng và rút kinh nghiệm từ những trường hợp tư nhân hóa hệ thống cấp nước thất bại trên thế giới, đồng thời chuẩn bị các biện pháp nhằm ngăn chặn sai lầm tương tự lặp lại, trong đó có tăng cường vai trò của dịch vụ công.
Theo luật sửa đổi, các nhà khai thác tư nhân phải niêm yết giá nước trong ngưỡng được pháp luật quy định. Đạo luật cũng cấp quyền cho các địa phương, vốn vẫn giữ quyền sở hữu cơ sở hạ tầng, tiến hành điều tra tại chỗ với các công ty tư nhân, yêu cầu họ báo cáo tình hình tài chính và hủy quyền điều hành dịch vụ của các công ty này nếu cần thiết.
"Tôi cho rằng trong nhiều vụ nhượng quyền thất bại ở nước ngoài, các đơn vị nhà nước không có nhiều cơ hội can thiệp và áp dụng những biện pháp cần thiết, dẫn đến nhiều vụ kiện. Chúng tôi không như vậy", Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Takumi Nemoto cho biết.
Thành phố Osaka là một trong các địa phương hoan nghênh sự thay đổi. Hệ thống đường ống nước ở Osaka, nơi quá trình đô thị hóa bắt đầu từ khá sớm, đã mục nát nghiêm trọng trên diện rộng, với 46% đường ống vượt quá tuổi thọ cho phép tính tới năm tài khóa 2017.
"Thay vì để chính quyền quản lý toàn bộ dịch vụ nước, tôi muốn các nhà khai thác tư nhân tham gia nâng cấp để hệ thống cấp nước vững chắc hơn, sẵn sàng ứng phó động đất lớn", Thị trưởng Hirofumi Yoshimura trả lời phóng viên sau khi quốc hội thông qua luật sửa đổi.
Tỉnh Miyagi cũng tỏ ra cởi mở với việc sửa đổi. Chính quyền địa phương cho rằng chuyên môn của các doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại lợi ích lâu dài, giúp cắt giảm tới 54,6 tỷ yên (khoảng 503 triệu USD) phí bảo dưỡng hệ thống cấp nước trong vòng 20 năm.
Trong khi đó, Thị trưởng Kobe Kizo Hisamoto tỏ ra thận trọng hơn khi cho biết thành phố của ông hiện chưa có ý định áp dụng phương án nhượng quyền. "Kobe lâu nay sở hữu đội ngũ nhân viên tài năng giúp hỗ trợ các dịch vụ nước, sau đó truyền lại kinh nghiệm và bí quyết cho thế hệ sau. Chúng tôi tiếp nhận ý tưởng ủy nhiệm cho khu vực tư nhân nếu cần thiết, nhưng điều quan trọng là cần duy trì nền tảng phương pháp hiện tại của chúng tôi", ông nêu ý kiến.
Giáo sư Urakami cho rằng không thể loại trừ khả năng hóa đơn tiền nước sẽ tăng trong ngắn hạn, bởi các công ty tư nhân phải gánh chi phí lớn hơn so với khu vực nhà nước, cả về nguồn quỹ lẫn tiền thuế. Họ còn phải tuyển dụng đủ nhân sự nếu thực sự muốn vực dậy lĩnh vực cấp nước đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nhân viên.
Tuy nhiên, ông nhận định bí quyết cắt giảm chi phí của các công ty tư nhân có thể mang lại lợi ích lâu dài. Giáo sư này cũng tỏ ra lạc quan về chất lượng nước, bởi chúng phải trải qua quá trình kiểm nghiệm nghiêm khắc của Bộ Y tế Nhật Bản với 51 tiêu chí an toàn.
"Các đường ống của Nhật Bản hiện xuống cấp và rỉ sét nghiêm trọng. Sự cố liên quan tới đường ống nước trước sau cũng xảy ra nếu tình hình không được cải thiện", ông cho biết.
Ánh Ngọc (Theo Japan Times)