Vụ tranh chấp tác quyền bài thơ Tổ quốc gọi tên đang khiến dư luận chia làm hai luồng ý kiến. Một bên cho rằng bài thơ được biết tới như tác phẩm của Nguyễn Phan Quế Mai và vẫn là của chị vì nữ tác giả đưa ra được các bằng chứng. Ngược lại, một luồng dư luận khác tin vào những lời giải thích của ông Ngô Xuân Phúc dù ông chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Nguyễn Phan Quế Mai khẳng định chị là tác giả của bài thơ. Chị cho rằng ông Phúc đã "vu khống" và hạ uy tín của mình. Nếu ông Phúc không công khai xin lỗi trước ngày 10/10, Quế Mai sẽ đưa vụ việc ra tòa. Đến nay đã qua thời điểm 10/10, ông Phúc không đưa ra lời xin lỗi, còn Nguyễn Phan Quế Mai vẫn giữ im lặng.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Lê Quang Vy - Giám đốc Công ty Luật Việt Long Thăng, chuyên gia về bản quyền - cho rằng khi tranh cãi tác quyền bài thơ vẫn tiếp diễn, cách để chấm dứt tranh chấp tốt nhất là cả hai bên nên đưa sự việc ra tòa để được phân xử bằng một phiên xét xử dân sự.
Theo Quang Vy, khi ra tòa, căn cứ quan trọng nhất là việc tác phẩm được đăng ký bản quyền. Trường hợp chưa ai đăng ký bản quyền thì mỗi bên cần có những chứng cứ về quyền sở hữu.
Luật sư phân tích việc Nguyễn Phan Quế Mai gửi bài thơ tới báo Hà Nội mới và Vietnamnet, bài thơ được in vào sách Tổ quốc gọi tên mình là một trong những chứng cứ có giá trị pháp lý khi tranh chấp. "Còn ông Ngô Xuân Phúc muốn nói tác phẩm là của mình, ông ấy cần đưa ra chứng cứ", luật sư nói.
Về việc có người nhận là thơ của mình mà chưa đưa ra được bằng chứng, luật sư nói: “Chỉ nhận tác phẩm của mình thì không đủ yếu tố cấu thành tội danh vu khống (tội hình sự). Tuy nhiên nếu tự bịa đặt, loan truyền tác phẩm là của mình, đồng thời nói xấu tác giả (thật) gây ảnh hưởng đến danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả (thật), trong trường hợp đó có dấu hiệu vi phạm tội vu khống”.
Bất kỳ tác phẩm văn học nghệ thuật nào được sáng tác ra dưới một hình thức vật chất nhất định đều được luật sở hữu trí tuệ bảo hộ. Luật Sở hữu trí tuệ không bắt buộc tác giả phải đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, việc đăng ký bản quyền sẽ là một lợi thế của tác giả khi có tranh chấp xảy ra, nghĩa là người được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả không có nghĩa vụ phải chứng minh. "Do đó, luật sư về sở hữu trí tuệ khuyên các tác giả khi sáng tác ra tác phẩm nên làm thủ tục đăng ký bản quyền, để tránh gây phiền toái khi có tranh chấp xảy ra", ông Vy nói.
Hiện tại, một số người quan tâm đến vụ tranh chấp đã vào cuộc đi tìm dữ liệu bài thơ Tổ quốc gọi tên đăng trên mạng. Có ý kiến cho rằng nếu ông Phúc đưa bài thơ lên mạng vào năm 2008 mà xóa đi, thì dữ liệu vẫn tồn tại đâu đó trên Internet.
Theo lời Ngô Xuân Phúc, bài thơ ông sáng tác có bản viết tay nhưng đã bị thất lạc. Sau khi viết, ông có đưa tác phẩm lên trang mạng xã hội Myspace và một số trang khác. Nhưng ông Phúc đã xóa hết các tài khoản trên My Space và các trang mạng. Trí nhớ của ông Phúc cũng không chắc chắn. Ông nói do sử dụng nhiều địa chỉ email nên không thể nhớ được hòm thư nào đã dùng để đăng ký tài khoản Myspace, cũng như không thể nhớ chính xác các địa chỉ email sử dụng trước đây. “Có lẽ tôi đã dùng tài khoản ngogia_8x@gmail.com hoặc ngogia_8x@yahoo.com gì đó. Tên trang Myspace hình như là “phuong hoang” - người tự nhận là tác giả Tổ quốc gọi tên cho biết.
Lần theo các dữ liệu mà ông Ngô Xuân Phúc đưa ra, anh Phương Đông - chuyên gia công nghệ thông tin cấp cao của một tập đoàn - đã tìm thông tin trên mạng Internet. Sau hai ngày tìm kiếm, ông không tìm được thông tin gì liên quan đến bài thơ vào năm 2008 như lời ông Ngô Xuân Phúc khẳng định.
Anh Phương Đông nói: “Tôi đã kiểm tra cache của Google với các bản lưu về trang Myspace xem có gì liên quan đến bài thơ, tên người (tức Ngô Xuân Phúc), nickname… nhưng đều không tìm được gì”.
Tuy nhiên, điều đó cũng không thể khẳng định rằng ông Phúc không đưa bài thơ lên mạng, bởi: “Cũng có thể vì ông Phúc đã xóa bài thơ, xóa tài khoản đi nên hệ thống không lưu lại bất cứ thông tin gì”, anh Đông nói.
Bài thơ Tổ quốc gọi tên đăng trên báo Hà Nội mới tháng 6/2011 với tên tác giả Nguyễn Phan Quế Mai. Sau đó nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc, thành ca khúc Tổ quốc gọi tên mình nổi tiếng.
Cuối tháng 9, ông Ngô Xuân Phúc (Vinh, Nghệ An) lên tiếng, nhận mình sáng tác bài thơ vào năm 2008.
Ngày 6/10, nhà thơ Bàng Ái Thơ nói có đọc bài Tổ quốc gọi tên vào tháng 4/2011, trước thời điểm Nguyễn Phan Quế Mai sáng tác. Bà Ái Thơ cho biết một nhà thơ tên là Anh Vũ (sống ở Bắc Giang, đã qua đời năm 2014) lấy nó trên mạng rồi gửi cho Ái Thơ phổ nhạc. Điều này hoàn toàn trùng khớp với lời nói của ông Phúc, khi trong thư ngỏ gửi Nguyễn Phan Quế Mai, ông có nói tới tình tiết một nhà thơ ở Bắc Giang có nói sẽ gửi bài thơ đi phổ nhạc. Không đưa ra được bằng chứng, phát ngôn của bà Bàng Ái Thơ khiến dư luận thêm rối về vụ việc.
Lam Thu