Trong khi sự việc tranh chấp tác quyền bài thơ Tổ quốc gọi tên đang bùng lên trong dư luận, nhà thơ, họa sĩ Bàng Ái Thơ đưa ra ý kiến, cho rằng bà có đọc một tác phẩm tương tự vào trước thời điểm Nguyễn Phan Quế Mai sáng tác.
Bàng Ái Thơ kể năm 2010 bà có chuyến đi Cô Tô và sáng tác bài thơ Cô Tô từ phía khơi xa. Trở về, bà cho rằng mình cần sáng tác về chủ đề biển đảo nhiều hơn. Nhà thơ Anh Vũ (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sống ở Bắc Giang) lúc đó trao đổi với Ái Thơ về bản thảo một tập sách. Ông nhờ anh Nguyễn Trung Kiên mang đến cho thi sĩ một bài thơ lấy trên mạng của một quân nhân viết về biển đảo để bà phổ nhạc. "Tôi nhận tập bản thảo cùng bài thơ vào tháng 4/2011. Nhưng tôi không phổ nhạc, vì lúc đó tôi chưa tự tin. Thêm nữa tôi không có nhiều xúc cảm với bài thơ ấy", Bàng Ái Thơ nói.
Về bài thơ đã đọc vào tháng 4/2011, Bàng Ái Thơ nhận xét: "Lúc đó, bài thơ có tên là Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình chứ không phải là Tổ quốc gọi tên". Thi sĩ nói bà không nhớ hết câu chữ bài thơ, nhưng phải giống bài thơ phổ biến hiện nay tới 75%. "Bài thơ đó trúc trắc, chứ không nuột nà như tác phẩm hiện tại".
Sau đó Bàng Ái Thơ không lưu tâm tới bài thơ ấy nữa. Cho tới năm 2014, khi được biết tới ca khúc Tổ quốc gọi tên mình, bà cho rằng Đinh Trung Cẩn đã phổ nhạc bài thơ năm nào, nhưng thấy tên tác giả bài thơ là phụ nữ. Bà thắc mắc "sao trước đây tác giả là nam, mà giờ thành ra nữ" thì bạn văn cho rằng một người có nhiều bút danh nên Ái Thơ không lên tiếng.
Bàng Ái Thơ bảo tới nay bà quyết định lên tiếng vì thấy sự việc chưa ngã ngũ mà nhiều người đã có những lời ác ý dành cho Ngô Xuân Phúc. "Tôi biết tới đâu thì nói tới đó, và hy vọng sự việc được giải quyết nhẹ nhàng, theo tinh thần nhân văn" - nhà thơ nói.
Nhà thơ Anh Vũ, người lấy bài thơ trên mạng đưa cho Bàng Ái Thơ đã qua đời năm 2014. Anh Nguyễn Trung Kiên - người chuyển tập tài liệu của Anh Vũ tới Ái Thơ - xác nhận: "Tôi nhớ chính xác tháng 4/ 2011 có chuyển tập bản thảo, tài liệu từ nhà thơ Anh Vũ ở Bắc Giang tới Bàng Ái Thơ". Trên trang cá nhân, anh viết: "Trước anh linh của nhà thơ Anh Vũ, với tư cách của người trong cuộc tôi xin lấy toàn bộ danh dự và uy tín của mình ra để bảo đảm rằng tất cả chia sẻ của nhà thơ Bàng Ái Thơ đều là sự thật".
Sau khi tiếp nhận thông tin, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai trả lời ngắn gọn: "Tôi giữ nguyên ý kiến trước đây, khẳng định rằng bài thơ Tổ quốc gọi tên do tôi viết. Tôi chưa từng được xem bài thơ nào tương tự như vậy".
Bài thơ Tổ quốc gọi tên lâu nay được biết với tên tác giả là Nguyễn Phan Quế Mai, được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thành bài hát Tổ quốc gọi tên mình. Sau đó, tác phẩm được đưa vào tập thơ phát hành hồi tháng 7 của Nguyễn Phan Quế Mai.
Ngày 29/8 vừa qua, ông Ngô Xuân Phúc (Vinh, Nghệ An) lên tiếng cho rằng mình mới là tác giả bài thơ, và tác phẩm được ông viết năm 2008, khi còn là một quân nhân. Bài thơ đăng trên trang mạng xã hội My Space, nhưng ông Phúc đã xóa trang này, vì thế không còn bằng chứng gì.
Phản ứng lại thông tin đó, Nguyễn Phan Quế Mai nói chị viết bài thơ vào tháng 6/2011, trên một chuyến bay sang Đức. Bài thơ ngay sau khi sáng tác đã được gửi tới báo Hà Nội Mới vào ngày 20/6/2011. Quế Mai nói việc làm của ông Phúc là "vu khống" và đến ngày 10/10 nếu ông Phúc không xin lỗi công khai, chị sẽ đưa vụ việc ra tòa.
Bàng Ái Thơ sinh năm 1958 tại Hà Nội, là con gái nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên và là cháu nhà thơ Bàng Bá Lân - tác giả hai câu thơ "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi" mà nhiều người vẫn nhầm tưởng là ca dao. Sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống thơ ca và hội họa, Bàng Ái Thơ bắt đầu làm thơ khi mới lên 8 tuổi, có thơ đăng cùng thời với Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ... Cũng ngay từ tuổi thiếu niên, Bàng Ái Thơ tập vẽ với toan, cọ. Hiện bà sống tại Hà Nội. Một số tác phẩm thơ của Bàng Ái Thơ như Sớm mai xuân, Ánh sáng từ viên sỏi, Trở lại mình, Cát loãng, Mắt lặng... |
Lam Thu