Diễn viên hài người Pakistan Zaid Hamid ngày 20/9 đăng lên Twitter video cho thấy các tân binh Trung Quốc, trên người đeo dải băng đỏ chào mừng họ nhập ngũ, vừa khóc vừa hát khi ngồi trên chiếc xe buýt được cho là "đưa họ tới khu vực biên giới Ladakh giáp Ấn Độ". "Chính sách một con của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sĩ khí của những người anh em này", Hamid viết.
Đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, sau đó là Twitter và Facebook. Đây là một phần trong video dài đăng trên trang Tuần tin Phụ Dương hôm 15/9, trong đó các tân binh tới từ thành phố này ngồi trên một chiếc xe buýt và hát bài "Hoa xanh trong quân ngũ", vốn nổi tiếng trong quân đội Trung Quốc (PLA), với vẻ mặt xúc động và một số bật khóc.
Truyền thông Đài Loan đã dẫn video này và cho rằng các tân binh Trung Quốc "khóc vì sợ hãi" khi được triển khai đến khu vực biên giới với Ấn Độ, vốn trong tình trạng căng thẳng suốt nhiều tháng.
"Các tân binh trong video là sinh viên đại học, 5 người trong số này chủ động xin tới đóng tại Tây Tạng, giáp vùng Ladakh", Taiwan News, trang tin của Đài Loan, đưa tin hôm qua. "Sau khi lên xe buýt, họ được thông báo rằng sẽ được triển khai tới biên giới, nên đã bật khóc".
Truyền thông Trung Quốc sau đó phản bác mạnh mẽ và nói báo chí tại đảo Đài Loan diễn giải sai về video của các binh sĩ PLA. "Khi đó họ vừa tạm biệt cha mẹ và hát bài 'Hoa xanh trong quân ngũ', sau đó tới bài 'Về nhà mừng chiến công' với tâm trạng hoàn toàn trái ngược với những gì truyền thông Đài Loan đưa tin", tờ Global Times đưa tin.
Global Times cho biết truyền thông Đài Loan "cố gắng tạo dựng hình ảnh binh sĩ PLA sợ chiến trận, song khi mô tả các diễn biến chính, họ dùng từ ngữ mơ hồ như 'được cho là' hay 'có thể'", đồng thời khẳng định những người đăng lại nội dung chế nhạo PLA là "người dùng Twitter ở Ấn Độ".
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc nhiều lần đụng độ từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 với đỉnh điểm là vụ ẩu đả chết người hôm 15/6 tại thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh do Ấn Độ kiểm soát. 20 lính Ấn Độ thiệt mạng trong trận đụng độ, phía Trung Quốc thừa nhận chịu thương vong song chưa công bố số liệu cụ thể.
Quân đội hai nước triển khai hàng nghìn binh sĩ dọc theo LAC sau lần đụng độ đẫm máu nhất nhiều thập kỷ. Giới chuyên gia lo ngại căng thẳng có thể dẫn đến xung đột vũ trang toàn diện giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cùng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Các quan chức quốc phòng cao cấp của Ấn Độ và Trung Quốc ngày 21/9 gặp nhau để thảo luận về biên giới tranh chấp và nhất trí "tránh gây hiểu nhầm và đánh giá sai", đồng thời "tránh đơn phương thay đổi tình hình thực địa", đồng nghĩa với việc không triển khai thêm quân đến biên giới. Tuy nhiên, thông cáo chung của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc không nhắc đến việc rút bớt lực lượng ở khu vực tranh chấp.
Chiến tranh Trung - Ấn năm 1962 diễn ra tại khu vực Ladakh và kết thúc bằng một hiệp định đình chiến. Kể từ đó, quân đội hai nước canh gác khu vực biên giới chưa phân định kéo dài từ Ladakh với bang Arunachal Pradesh.
Nguyễn Tiến (Theo Hindustan Times)