Các cấp chỉ huy của quân đội Mỹ luôn phải có tối thiểu hai người để ra quyết định khai hỏa vũ khí hạt nhân, từ vị trí điều khiển tên lửa cho tới tư lệnh lực lượng chiến lược. Ngoại lệ duy nhất là vị trí tổng thống Mỹ, người có quyền ra lệnh phát động tấn công hạt nhân mà không cần sự đồng ý của bất cứ người nào khác, theo CS Monitor.
Cơ chế này được thiết kế nhằm bảo đảm sự kiểm soát của dân sự với quân đội Mỹ, cũng như duy trì khả năng ứng phó nhanh trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, cho phép tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công hạt nhân vào đối thủ mà không cần người thứ hai xác nhận quyết định.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đe dọa trút "lửa thịnh nộ" nhằm vào Triều Tiên khiến nhiều người lo ngại ông có thể đơn phương ra lệnh tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào Bình Nhưỡng bất cứ lúc nào. Đây là kịch bản mà nhiều chuyên gia quân sự đã đặt ra và châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận.
"Việc tổng thống Mỹ có thể tùy ý ra lệnh đánh phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân cho thấy không ai trong quân đội Mỹ đặt nghi vấn hay tìm cách can thiệp. Tôi nghĩ rằng đó là một điều rất khó tin", bà Rebecca Hersman, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nêu ý kiến.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng trên thực tế, hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân Mỹ đủ khả năng trì hoãn nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân ngoài dự tính, do mệnh lệnh từ ông Trump sẽ phải đi qua nhiều cấp chỉ huy trước khi được thực hiện.
"Nếu tổng thống Mỹ bị đánh thức giữa đêm và chỉ có vài phút để quyết định có đánh trả một cuộc tấn công phủ đầu của đối phương hay không, quân đội Mỹ sẽ thực hiện mọi mệnh lệnh được giao", ông Peter Feaver, cựu thành viên Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ, khẳng định.
Nhưng nếu xảy ra trường hợp ngược lại, khi tổng thống Mỹ đột nhiên ra lệnh phóng tên lửa hạt nhân vào một quốc gia nào đó, cách phản ứng của quân đội sẽ khác hoàn toàn. "Họ không thực hiện mệnh lệnh một cách vô điều kiện, mà sẽ bắt đầu đánh giá quyết định của tổng thống Mỹ", Feaver nói.
Luôn phải có hai người ở mọi cấp để xác nhận phóng tên lửa hạt nhân
"Họ sẽ đặt ra đủ loại câu hỏi, thay vì phản ứng một cách tự động. Điều đó không có nghĩa là họ chống lệnh từ tổng thống, đơn giản là họ sẽ đưa ra nghi vấn để đánh giá tình hình, trước khi quyết định thực hiện cuộc tấn công", ông khẳng định.
Một ví dụ cho quy trình này là khi Tổng thống Trump yêu cầu cấm người chuyển giới trong quân đội Mỹ. Lầu Năm Góc không vội vàng thực hiện ngay yêu cầu của ông Trump, nhằm tránh những hậu quả lâu dài từ quyết định này.
Có nhiều bằng chứng cho thấy quân đội Mỹ từng lặng lẽ tiến hành các biện pháp hạn chế khả năng đơn phương ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Richard Nixon. Quan chức Nhà Trắng và chỉ huy quân đội Mỹ luôn sẵn sàng phản ứng trước các mệnh lệnh bất ngờ của Nixon trong những ngày cuối cùng ông giữ chức Tổng thống Mỹ.
Jeffrey H. Smith, cựu cố vấn của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA), khẳng định từng thấy tin nhắn từ chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ gửi tới các tướng 4 sao dưới quyền, trong đó yêu cầu các tướng báo cáo với Hội đồng tham mưu trưởng và Lầu Năm Góc về việc họ có nhận được lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân từ Tổng thống Nixon hay không.
Ngày 9/8/1974, Nixon rời Nhà Trắng và lên đường tới bang California. Trong hành trình kéo dài vài giờ này, Nixon vẫn là Tổng thống Mỹ và có quyền ra lệnh phóng tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, chiếc valy hạt nhân của ông đã được quân đội Mỹ bí mật chuyển cho người kế nhiệm Gerald Ford từ trước đó.
Valy hạt nhân
Chiếc valy hạt nhân, còn có biệt danh "quả bóng hạt nhân", là chìa khóa để tổng thống Mỹ phát động một cuộc tấn công hạt nhân. Bên trong valy chứa tài liệu hướng dẫn sử dụng Hệ thống Phát sóng Khẩn cấp, một cuốn sổ liệt kê các mục tiêu tấn công, một cuốn sổ ghi các điểm ấn nấp an toàn cho tổng thống và một thẻ có mã xác thực để tổng thống xác nhận danh tính.
Valy hạt nhân có nhiệm vụ chính là cung cấp quyền ra lệnh triển khai vũ khí hạt nhân duy nhất cho tổng thống Mỹ, bảo đảm khả năng đáp trả nhanh và tin cậy khi xảy ra khủng hoảng. Chiếc valy do một trong 5 trợ lý quân sự cầm, người này phải luôn ở gần tổng thống. Các trợ lý quân sự phải là công dân Mỹ, có lòng trung thành tuyệt đối với đất nước, thân nhân không chịu ảnh hưởng từ nước ngoài và phải vượt qua bài kiểm tra an ninh đặc biệt có tên gọi "Yankee White".
Tổng thống Mỹ là người duy nhất được quyền sử dụng valy hạt nhân, nhưng quyết định kích hoạt vẫn phải đi qua hàng loạt cấp chỉ huy bên dưới, bắt đầu từ Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy không có quyền phủ quyết mệnh lệnh từ tổng thống, Lầu Năm Góc có thể làm chậm tiến trình thực hiện để tránh nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến hủy diệt, ông Feaver tiết lộ.
Nhiều nhà lập pháp Mỹ đang đề xuất những cơ chế mới, trong đó cấm Mỹ tấn công hạt nhân phủ đầu. Một giải pháp khác là thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các thành viên nội các để quyết định việc sử dụng vũ khí hạt nhân, thay vì để tổng thống Mỹ nắm hoàn toàn quyền quyết định.
Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn đang gây tranh cãi, do nhiều nghị sĩ lo ngại nó sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ, trong đó quy định tổng thống là tổng tư lệnh tối cao của quân đội, đồng thời làm chậm tiến trình đáp trả khi Mỹ bị tấn công hạt nhân phủ đầu.
Việt Hòa