Một buổi chiều tháng 2, Arbery đang chạy bộ tại hạt Glynn, bang Georgia thì bị Gregory McMichael (64 tuổi) cùng con trai Travis McMichael (34 tuổi) cầm súng đuổi theo. Sau hồi giằng co, Arbery chết do trúng ba phát đạn.
Sau sự việc, hai cha con nhà McMichael cho biết đã đuổi theo vì Arbery xuất hiện trái phép trong căn nhà đang xây dựng, đồng thời giống nghi phạm trong chuỗi vụ đột nhập gần đây. Nhưng trên người Arbery không có tài sản bị mất cắp cũng không mang vũ khí, ngôi nhà sau đó cũng được xác định không mất đồ, hai cha con nhà McMichael cuối cùng bị bắt giữ về tội Giết người vào ngày 7/5.
Hai cha con McMichael không phải trường hợp duy nhất vướng lao lý vì liên quan tới quyền bắt nghi phạm của người dân. Tương tự, Hannah Payne (22 tuổi) cũng sắp bị đưa ra xét xử vì bắn chết Kenneth Herring (62 tuổi) – người rời hiện trường tai nạn tại hạt Clayton, bang Georgia vào tháng 5/2019. Trong sự việc này, Payne không liên quan tới vụ tai nạn nhưng đã chặn đầu tài xế bỏ chạy, sau đó dùng súng ngắn yêu cầu đối phương ra khỏi xe, từ đó dẫn tới vụ nổ súng.
Theo quy định hiện hành, bang Georgia chỉ cho phép người dân bắt giữ nếu tận mắt chứng kiến tội phạm nghiêm trọng. Hành vi vào căn nhà đang xây dựng của Arbery và hành vi rời hiện trường vụ tai nạn giao thông không có thương tích đều chỉ là tội danh ít nghiêm trọng vì thế không phải căn cứ hợp pháp để cha con nhà McMichael và Payne truy đuổi, theo The New York Times.
Cũng như luật "lâu đài" và luật "tử thủ" – hai đạo luật cho phép dùng vũ lực để bảo vệ bản thân hoặc nơi ở, luật trao quyền bắt người bị nghi phạm tội cho người dân đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi, đặc biệt là sau cái chết của Arbery.
Theo Ira P. Robbins, giáo sư luật học tại trường American University, người dân thường không biết và nhiều khả năng là không thể hiểu hết các tình huống khác nhau trong việc bắt người bị nghi phạm tội, đặc biệt là về việc sử dụng vũ lực chết người. Điều này vì thế rất nguy hiểm khi người dân tự mình thực thi pháp luật.
Quyền bắt nghi phạm của dân được cho bắt nguồn từ cuối những năm 1200, khi vua Edward I ở Anh cần người dân giúp sức chống tội phạm. Từ Anh, khái niệm pháp lý trên đã du nhập vào Mỹ trong thời kỳ đầu hiện đại để khắc phục tình trạng nhân viên chấp pháp có thể mất nhiều ngày mới tới hiện trường vụ án.
Quy định dạng này thường không làm phát sinh vấn đề trong những trường hợp thường thấy như chủ cửa hàng tạm giữ người ăn trộm, hoặc bảo vệ và cảnh sát ở ngoài phạm vi thẩm quyền tạm giữ nghi phạm, giáo sư Robbins cho biết.
Người ủng hộ dạng quy định trên cũng chỉ ra những trường hợp người phạm tội đã bị ngăn chặn và tạm giữ trong lúc chờ cảnh sát tới hiện trường, ví dụ như kẻ móc túi hoặc trấn lột. Nhiều tổ chức giám sát tội phạm do người dân lập nên cũng hoạt động căn cứ vào quy định này.
Nhưng theo Dana Mulhauser, cựu luật sư quyền dân sự thuộc Bộ Tư pháp và hiện là người đứng đầu đơn vị thẩm tra bản án tại hạt St. Louis, bang Missouri, luật cho phép dân thường bắt giữ người bị phạm tội đã lạc hậu và dễ bị người chưa qua đào tạo sử dụng sai, đặc biệt là trong thời đại người dân có thể dễ dàng quay số 911 và thời gian phản ứng của cảnh sát thường chỉ mất vài phút.
Theo nghiên cứu của giáo sư Robbins, một số tiểu bang không cho phép người dân bắt người phạm tội ít nghiêm trọng, trừ phi hành vi phạm tội "gây mất trật tự trị an". Một số bang khác chỉ cho phép dân giữ người khi tận mắt chứng kiến hành vi phạm tội. Mỗi bang đều có quy định riêng về hoàn cảnh và thời hạn được phép giữ người.
Ví dụ, tại bang Massachusetts, Pennsylvania và Wisconsin, công dân được bắt giữ người nếu tận mắt chứng kiến tội phạm nghiêm trọng (như giết người, cuiớp nhà băng). Trong khi đó, bang California lại cho phép bắt người phạm tội ít nghiêm trọng kể cả khi người dân không mục kích tội phạm.
Các bang cũng quy định khác nhau về mức độ chắc chắn cần thiết của người dân về hành vi được cho là tội phạm, giáo sư Robbins cho biết. Tại bang Arkansas, người dân cần "chắc chắn trong chừng mực hợp lý", nhưng tại bang New York, nếu hành vi phạm tội nghiêm trọng không có thật, người dân có thể bị truy cứu về tội Bắt người trái phép. Cụ thể hơn, vào năm 2019, một thành viên hội đồng thành phố Gary, bang Indiana, bị khởi tố tội Bắt cóc vì giữ thiếu niên do lầm tưởng đây là người vài ngày trước đã trộm xe mình.
Một yếu tố khiến các vụ người dân bắt người phạm tội quả tang có thể rất rắc rối là vì người bị bắt thường không hợp tác nếu đối phương không mặc đồng phục cảnh sát, theo Ronald Carlson, giáo sư luật học tại trường đại học Georgia.
Theo The New York Times, nhiều người đang kêu gọi hủy bỏ các đạo luật cho phép người dân bắt giữ người phạm tội. Ngày 12/5, các nhà lập pháp bang Georgia cũng cho biết sẽ đề xuất dự luật để ngăn sự việc đáng tiếc như của Arbery tiếp tục tái diễn.
Trước tin này, góa phụ của Kenneth Herring cũng cho biết rất muốn đạo luật trên bị bãi bỏ vì có vẻ đang bảo vệ những người dùng đó làm căn cứ bào chữa trước tòa, như cô gái trẻ đã bắn chết chồng mình.
Quốc Đạt (Theo The New York Times)