Sau khi người Mỹ gốc Phi George Floyd bị cảnh sát ghì chết tại thành phố Minneapolis, phong trào phá tượng các binh sĩ, quan chức Liên minh miền Nam trong Nội chiến Mỹ (1861-1865) đã lan rộng ra nhiều thành phố khắp nước Mỹ, phát triển thành phong trào dỡ bỏ tượng của những biểu tượng quá khứ thời thực dân khắp thế giới như tượng nhà thám hiểm Christopher Columbus, Cecil Rhodes hay quốc vương Bỉ Leopold II.
Phong trào phá hoại tượng đài lịch sử nhằm phản đối những bất công chủng tộc diễn ra tại nhiều thành phố như Boston, New York, Paris, Brussels và Oxford, đã gây tranh cãi trong giới sử học, khi các học giả chưa thể thống nhất được phong trào này đang xóa bỏ hay cập nhật lịch sử.
Hamilton, thành phố lớn thứ tư New Zealand, đã dỡ tượng đồng sĩ quan hải quân Anh John Hamilton, người được lấy tên đặt cho thành phố, theo yêu cầu của người Maori bản địa. Đại tá Hamilton bị cáo buộc đã sát hại người Maori vào những năm 1860. Thành phố không định đổi tên sau khi dỡ tượng.
Tại đại học Oxford, những người biểu tình đang thúc đẩy nỗ lực bấy lâu nhằm dỡ bỏ tượng Rhodes, một nhà chinh phục thuộc địa thời Victoria, người từng giữ chức thủ tướng thuộc địa Cape ở miền nam châu Phi từ năm 1890 đến 1896. Ông làm giàu nhờ khai thác vàng và kim cương trên xương máu của thợ mỏ châu Phi khi ép họ lao động trong điều kiện khắc nghiệt.
Louise Richardson, hiệu phó trường Oxford, do dự trước đề xuất này.
"Chúng ta cần đương đầu với lịch sử", bà nói. "Theo tôi, che giấu lịch sử không phải con đường dẫn tới khai sáng".
Gần Santa Fe, bang New Mexico, Mỹ, các nhà hoạt động kêu gọi dỡ tượng Don Juan de Oñate, người đã dẫn dắt các cuộc thám hiểm của Tây Ban Nha trong thế kỷ 16 tới Mỹ và bị chính phủ kết án do thảm sát người Mỹ bản địa năm 1599, bao gồm cắt chân của hàng chục người bản địa Acoma. Chân của bức tượng bị cưa đứt vào những năm 1990.
Tại Bristol, Anh, cuối tuần trước, người biểu tình đã kéo đổ tượng của nhà buôn nô lệ Edward Colston trong thế kỷ 17 và ném xuống sông. Chính quyền thành phố cho hay tượng sẽ được đưa vào bảo tàng.
Khắp nước Bỉ, tượng của vua Leopold II bị phá hoại tại ít nhất 6 thành phố để phản đối sự cai trị tàn bạo của nhà vua tại Congo, nơi hơn một thế kỷ trước, ông đã làm giàu nhờ ép buộc người châu Phi làm nô lệ khai thác cao su, ngà voi và những tài nguyên khác. Các chuyên gia cho hay ông đã khiến 10 triệu người thiệt mạng.
"Người Đức sẽ không dựng tượng Hitler và lấy đó làm tự hào", Mireille-Tsheusi Robert, một nhà hoạt động ở Congo, người muốn dỡ bỏ tượng Leopold tại các thành phố Bỉ, nói. "Với chúng tôi, Leopold phạm tội diệt chủng".
Tại Mỹ, cái chết của Floyd hôm 25/5 đã dẫn tới phong trào dỡ bỏ các bức tượng của Liên minh miền Nam trong Nội chiến 1861-1865.
Hải quân, Thủy quân Lục chiến Mỹ và công ty tổ chức các giải đua xe NASCAR đã cấm lệnh cấm treo cờ Liên minh. Tượng của những người được coi là anh hùng thời kỳ nổi dậy khắp miền Nam cũng bị phá hoại hoặc dỡ bỏ bởi người biểu tình hoặc chính quyền địa phương.
Đêm 10/6, những người biểu tình đã kéo đổ bức tượng có tuổi đời một thế kỷ tưởng niệm tổng thống phe Liên minh Jefferson Davis tại Richmond, bang Virginia, thủ đô cũ của chính phủ Liên minh. Bức tượng cao 2,4 mét làm bằng đồng đã được đưa vào kế hoạch dỡ bỏ của chính quyền, nhưng người biểu tình đã ra tay trước và không ai bị bắt.
Nó nằm cách bức tượng cao 18,5 mét của tướng Robert E. Lee, người được kính trọng nhất trong số các lãnh đạo của Liên minh, chỉ vài dãy nhà. Thống đốc Ralph Northam tuần trước đã ra lệnh dỡ bỏ nó, nhưng quyết định bị một thẩm phán chặn lại.
B. Frank Earnest, phát ngôn viên của hội Những người con của cựu chiến binh Virginia, lên án hành động dỡ bỏ "các tác phẩm nghệ thuật công cộng" và so sánh việc các bức tượng thời Liên minh bị phá dỡ như mất đi một thành viên gia đình.
Levar Stoney, thị trưởng thành phố Richmond, người đề xuất dỡ bỏ mọi bức tượng của chính phủ Liên minh trong thành phố, yêu cầu người biểu tình không tự ý dỡ tượng để giữ an toàn cho chính họ. Tuy nhiên, ông ám chỉ rằng tượng Davis sẽ không được dựng lại.
"Ông ta chưa bao giờ xứng đáng được đứng ở vị trí đó", Stoney nói, gọi Davis là "kẻ phân biệt chủng tộc và phản bội".
Tại những địa phương khác ở miền nam nước Mỹ, nhà chức trách tại Alabama đã dỡ bỏ một tháp kỷ niệm khổng lồ tại Birmingham và tượng một sĩ quan hải quân phe Liên minh ở Mobile. Tại Virginia, bia kỷ niệm một địa điểm buôn bán nô lệ ở Fredericksburg đã bị nhổ khỏi mặt đất; còn tại Portsmouth, người biểu tình đã "chặt đầu" tượng 4 lãnh đạo trong chính phủ Liên minh.
"Đài tưởng niệm được cho là nằm ở vị trí nơi từng buôn bán nô lệ và việc nhổ bỏ nó là bước đi đúng đắn", Rocky Hines, một nhà hoạt động và tổ chức phong trào biểu tình ở Portsmouth, nói.
"Nó không phải là biểu tượng lịch sử mà chúng ta, với tư cách là một dân tộc, lấy làm tự hào. Với chúng tôi, quãng thời gian ấy đại diện cho chế độ nô lệ và thù hận", ông nói.
Tại thủ đô Washington, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho hay đã tới lúc dỡ tượng của các lãnh đạo chính phủ Liên minh khỏi Quốc hội, đồng thời xóa tên họ khỏi những căn cứ quân sự như Fort Bragg, Fort Benning và Fort Hood.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ ý tưởng đổi tên căn cứ. Nhưng đảng Cộng hòa tại Thượng viện, trước nguy cơ mất đa số phiếu trong cuộc bầu cử tháng 11, đã không ủng hộ Trump. Một ủy ban Thượng viện hôm 11/6 đã phê duyệt kế hoạch xóa tên các lãnh đạo phe Liên minh khỏi căn cứ quân sự.
Những người ủng hộ giữ nguyên tượng của lãnh đạo phe Liên minh lập luận rằng các bức tượng là minh chứng, là lời nhắc nhở của lịch sử, còn phe phản đối cho rằng chúng tôn vinh những người đã tham gia cuộc nội chiến nhằm bảo vệ chế độ nô lệ.
Tượng Davis và nhiều lãnh đạo Liên minh ở khắp miền nam nước Mỹ được dựng lên nhiều thập kỷ sau khi Nội chiến Mỹ kết thúc, khi các nhà sử học và những người ủng hộ tìm cách tái hiện cuộc nổi dậy ở miền Nam như một cuộc đấu tranh để bảo vệ quyền của nhà nước chứ không phải chế độ nô lệ.
Với những người biểu tình sau cái chết của Floyd, mục tiêu không chỉ là tượng các lãnh đạo phe Liên minh. Tượng của nhà thám hiểm Columbus cũng bị phá hoại hoặc kéo đổ tại những thành phố như Miami, Richmond, St. Paul, Minnesota, Boston. Thành phố Camden, New Jersey, đã dỡ tượng Columbus. Người biểu tình cáo buộc nhà thám hiểm người Italy đã phạm tội diệt chủng và bóc lột người bản địa.
Thị trưởng thành phố New York Andrew Cuomo, một người Mỹ gốc Italy, cho biết ông phản đối dỡ tượng Columbus ở Manhattan.
"Tôi hiểu cảm xúc của mọi người về Christopher Columbus và một số hành động của ông ấy, những hành động mà không ai ủng hộ", Cuomo nói. "Nhưng bức tượng còn đại diện và biểu thị sự đánh giá cao đóng góp của những người Mỹ gốc Italy với New York. Vì vậy tôi ủng hộ giữ nguyên bức tượng".
Các nhà sử học cũng bày tỏ quan điểm về chiến dịch phá bỏ tượng. "Tôi luôn cho rằng lòng kính trọng với lịch sử không nên bày tỏ bằng cách xóa đi các tượng đài, bia kỷ niệm, mà cần phải xây dựng nhiều hơn", Mark Summers, giáo sư đại học Kentucky, nói.
Scott Sandage, nhà sử học ở đại học Carnegie Mellon, lưu ý rằng tranh cãi về các di tích và đài tưởng niệm đã tồn tại lâu nay ở người Mỹ. "Loại bỏ một đài tưởng niệm không xóa bỏ được lịch sử. Nó tạo ra một lịch sử mới", Sandage nói. "Việc này luôn diễn ra, dù tượng được dựng lên hay hạ xuống".
Hồng Hạnh (Theo AP)