Tối muộn một ngày thứ sáu ở Seoul, đường phố gần khu Gangnam sầm uất, vốn nổi tiếng với các quán bar, hộp đêm, bỗng nhiên vắng vẻ kỳ lạ. Hàn Quốc đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm nCoV thứ hai nên mọi hoạt động tụ tập đông người đều bị cấm, khiến hơn 2.000 quán bar, hộp đêm bị ảnh hưởng.
Nhưng khi sắp bước sang ngày mới, một con hẻm khác quy tụ các quán bar karaoke, còn được gọi là "room salon", bắt đầu tấp nập khách ra vào, chủ yếu là đàn ông, vẫn mặc quần áo công sở.
Trên giấy phép, các room salon này được xác định là "cơ sở giải trí người lớn". Được trả tiền hậu hĩnh, những nữ tiếp viên trẻ tuổi sẵn sàng phục vụ khách hàng nam giới trong các căn phòng đóng kín với đầy đồ ăn và rượu.
Có hàng nghìn room salon ở Hàn Quốc. Nhà chức trách không cho phép hoạt động mua bán dâm diễn ra tại những cơ sở này, nhưng khách hàng được cho là hoàn toàn có thể thỏa thuận giá cả với tiếp viên để qua đêm cùng nhau ở những khách sạn, nhà nghỉ bên cạnh.
Các room salon ở Hàn Quốc từng bị đóng cửa suốt một tháng vì Covid-19, song vấp phải sự phản đối từ các chủ kinh doanh với lý do rằng họ sẽ phá sản nếu không thể nối lại hoạt động. Các địa điểm sau đó được phép mở lại một phần hồi giữa tháng 6. Quyết định trên lập tức hứng chỉ trích từ dư luận, nhưng nó cũng làm bật lên vai trò độc đáo của các room salon trong văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc.
Theo Eom Joong-sik, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Gachon, Hàn Quốc, quyết định mở lại các room salon là sai lầm.
"Nhiều địa điểm có nhu cầu xã hội cao cần mở cửa trở lại dù rủi ro lớn bởi chúng quá quan trọng đối với một bộ phận người dân", ông nói. "Mặt khác, những địa điểm có nhu cầu xã hội thấp thì nên bị đóng cửa dù ít nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh".
Ngoài giá trị thương mại, room salon từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh ở Hàn Quốc, khi nhiều hợp đồng hay thỏa thuận được ký kết tại đây, theo Joohee Kim, giáo sư tại Đại học Sogang chuyên nguyên cứu về ngành công nghiệp người lớn của Hàn Quốc.
"Có một thứ gọi là 'lời hứa xã hội' trong cộng đồng của chúng ta, nơi hai bên trao cho nhau những món quà để giữ những thỏa thuận vô hình", bà nói và thêm rằng room salon được biết đến khá phổ biến trong giới chính trị gia, cảnh sát và cả cán bộ tư pháp. "Việc chi số tiền lớn để các nữ tiếp viên rót rượu cho đối tác và giúp họ vui vẻ được coi là một món quà xã hội phù hợp".
"Trong quá khứ, room salon còn hối lộ cảnh sát để hoạt động kinh doanh mà không bị can thiệp", giáo sư Joohee Kim cho hay.
Giới chức thành phố vẫn bảo vệ quyết định mở cửa trở lại room salon, khẳng định chúng không được xếp vào danh sách những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, những tiếng nói phản đối ngày càng lớn hơn khi một địa điểm bị đóng cửa ngay trong ngày đầu tiên nối lại hoạt động vì nhân viên dương tính với nCoV.
Từ đó đến nay, chính quyền thường xuyên tổ chức các chuyến thị sát nhằm đảm bảo các biện pháp phòng ngừa được thực hiện đầy đủ, như cách biệt cộng đồng, theo dõi liên lạc hay hạn chế số lượng khách.
Một cơ sở room salon mang tên Byul, tức "ngôi sao" trong tiếng Hàn Quốc, rộng 500 m2 và có 19 phòng phục vụ. Quản lý ước tính họ đón tiếp khoảng 100 khách nam mỗi tối kể từ khi mở cửa trở lại.
"Chúng tôi vệ sinh cơ sở hàng ngày, thậm chí còn phát khẩu trang cho khách hàng", quản lý room salon Byul nói. "Chính quyền tới kiểm tra chúng tôi thường xuyên".
Giáo sư Eom từ Đại học Gachon vẫn hoài nghi về quyết định mở cửa trở lại room salon, lo ngại về những rủi ro y tế.
"Tôi không đồng tình với việc dựa vào dữ liệu theo dõi trước đây để quyết định địa điểm nào nên mở cửa", ông nói. "Ngay cả những địa điểm không tạo ra sóng bùng phát đáng kể trong quá khứ vẫn còn rất nhiều yếu tố khác cần xem xét".
Chỗ đứng của các room salon trong xã hội Hàn Quốc cũng được phản ánh trong văn hóa đại chúng. Bộ phim Hàn Quốc "Inside Men" ra mắt hồi năm 2015 có chứa một cảnh nhạy cảm, khi một ứng viên tổng thống, một phóng viên báo và một lãnh đạo doanh nghiệp lớn cùng bàn chuyện làm ăn trong room salon với những phụ nữ khỏa thân rót rượu cho họ.
Theo một quản lý công trường xây dựng 42 tuổi, cảnh tượng trên không quá khác biệt so với thực tế. "Nhân viên tại công ty tôi rất ưa thích loại hình giải trí kiểu này và thích uống rượu. Vì thế, họ luôn chọn đến room salon để vui chơi nếu công ty trả tiền", ông cho biết.
"Trong trường hợp của tôi, các công ty khác sẽ từ chối ký hợp đồng kinh doanh và bên kiểm toán sẽ tìm cách phạt chúng tôi nếu tôi từ chối yêu cầu tổ chức những đêm vui chơi tại các room salon cho họ", ông nói.
Theo báo cáo năm 2016 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, hơn 50% nam giới nước này trả tiền cho các dịch vụ mại dâm ít nhất một lần trong đời.
Dù vậy, theo giáo sư Kim từ Đại học Sogang, phụ nữ Hàn Quốc hiện đại đang có xu hướng phản đối các room salon cũng như hệ thống "dùng phụ nữ làm quà" tại những cơ sở này.
"Phụ nữ đang ngày càng có học thức và thành công trong xã hội", bà nói. "Thế hệ những người nắm quyền hiện tại quá hài lòng với hiện trạng, nhưng hy vọng rằng thế hệ tiếp theo sẽ nhìn thấy sự cần thiết phải thay đổi xã hội. Lời biện minh thường thấy từ cánh đàn ông tới room salon là họ 'chỉ đến mà không làm gì' và chỉ đến vì 'được người khác bao'. Nhưng nhiều người không còn tin vào cái cớ này nữa".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)