Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/3 làm dấy lên làn sóng tranh cãi khi tweet rằng máy bay ngày nay đang trở nên quá phức tạp và sự gia tăng tự động hóa trên phi cơ chỉ làm mọi thứ rối rắm hơn cũng như "gây ra nguy hiểm".
Tuyên bố của Trump lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều người, họ chỉ ra rằng Tổng thống Mỹ đang sử dụng Air Force One, một trong những máy bay hiện đại và phức tạp nhất thế giới. Nhưng cũng nhiều người khác bày tỏ sự đồng tình, nhất là khi thế giới vừa chứng kiến hai thảm kịch hàng không cướp đi sinh mạng của 346 người chỉ trong chưa đầy 6 tháng, liên quan đến 737 Max 8 của Boeing.
AP hôm nay dẫn thông tin từ NASA cho biết các phi công Mỹ năm ngoái báo cáo về ít nhất hai chuyến bay gặp sự cố với hệ thống điều khiển tự động (auto pilot) của máy bay 737 Max 8, khiến mũi phi cơ bất ngờ chúc xuống. Cả hai trường hợp, phi công đều xử lý kịp thời, ngắt hệ thống lái tự động và lấy lại thăng bằng cho máy bay.
Báo cáo được cung cấp chỉ một thời gian ngắn sau khi máy bay Max 8 của hãng hàng không Lion Air Indonesia chở 189 người lao xuống biển Java. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS) nhiều khả năng đã nhận tín hiệu sai do cảm biến tốc độ bị trục trặc, khiến nó tưởng rằng máy bay sắp thất tốc nên tự động phát lệnh điều khiển để nó chúi mũi xuống. Phi công đã chật vật chiến đấu với hệ thống tự động này để lấy lại độ cao, nhưng ông đã thua và máy bay lao xuống biển.
Các chuyên gia hàng không cho biết hai sự cố mà phi công Mỹ gặp phải không liên quan đến MCAS, bởi hệ thống này chỉ được kích hoạt khi chức năng điều khiển tự động đã bị tắt. Tuy nhiên, chúng đặt ra câu hỏi về việc các hãng chế tạo máy bay theo đuổi những công nghệ ngày càng hiện đại nhằm tăng hiệu suất cho phi cơ, nhưng lại quá phức tạp và khó nắm bắt đối với phi công.
Trong quá trình chế tạo 737 Max, Boeing đã bổ sung hệ thống MCAS để khắc phục tình trạng máy bay ngóc mũi lên trong hành trình gây ra nguy cơ thất tốc và rơi. MCAS sẽ tự động kích hoạt khi nhận được dữ liệu cảnh báo từ cảm biến, chứ không cần sự can thiệp của phi công.
Thông tin được đưa ra sau vụ tai nạn của hãng Lion Air rằng một số phi công đã không được cung cấp đủ thông tin về hệ thống MCAS trên máy bay đã khiến giới phi công giận dữ. Tờ Seattle Times dẫn lời một phi công hãng American Airlines nói: "Tôi lái máy bay Max 8 vài lần mỗi tháng trong gần một năm qua, nhưng đến giờ vẫn ngồi đây và tự hỏi liệu có gì mình chưa biết về thứ này nữa hay không".
Một quan chức cấp cao của Boeing nói với WSJ rằng "công ty quyết định không cung cấp thêm chi tiết cho các phi công với lo ngại rằng họ sẽ bị nhồi nhét quá nhiều thông tin, chủ yếu là các dữ liệu mang tính kỹ thuật, vượt quá khả năng tiếp thu của họ".
Sau vụ máy bay Ethiopia rơi, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ban hành những quy trình mới hướng dẫn phi công ngắt các hệ thống tự động trên máy bay nếu họ có lý do tin rằng dữ liệu sai lệch do cảm biến cung cấp đang khiến hệ thống tự động chúi mũi máy bay xuống đất.
Theo bình luận viên Aaron Rupar của Vox, việc hai máy bay cùng một dòng gặp nạn với rất nhiều điểm tương đồng chỉ trong chưa đầy nửa năm là điều rất bất thường, nhưng điều đó không thể phủ nhận một thực tế rằng máy bay vẫn là phương tiện di chuyển an toàn nhất hiện nay.
Số liệu do Mạng lưới An toàn Hàng không (ASN) cung cấp cho thấy số vụ tai nạn máy bay thương mại đã giảm mạnh từ 73 vụ năm 1972 xuống còn 18 vụ vào năm ngoái. Số người chết trong các thảm kịch này cũng giảm từ 2.385 năm 1972 xuống 561 năm 2018, thấp hơn rất nhiều so với các hình thức giao thông khác.