Marina Chapman không nhớ được mình sinh năm nào, nhưng cho rằng vào khoảng đầu thập niên 1950 tại một ngôi làng mà bà không biết tên ở Colombia. Một ngày nọ, khi Chapman lên 4, bà bị một nhóm người bắt cóc khỏi làng.
Ký ức về ngày định mệnh đó của Chapman là cảm giác bị một người đàn ông vòng tay qua đầu rồi bịt mũi và miệng mình bằng một miếng vải trắng. Mọi thứ trở nên đen kịt.
Điều tiếp theo Chapman nhớ là tỉnh dậy trong một chiếc xe tải ở sâu trong rừng nhiệt đới Colombia. Nhóm bắt cóc đẩy cô bé ra khỏi xe và bỏ đi mà không giải thích bất cứ điều gì. Chapman đã hy vọng họ sẽ quay lại, nhưng sớm nhận ra mình đang đơn độc giữa rừng sâu.
Nhưng Chapman kể rằng mình đã gặp một bầy khỉ thầy tu và được chúng chấp nhận suốt 5 năm sau đó. Cô bé sống cùng bầy khỉ trong khu rừng, học cách sinh tồn từ chúng và không tiếp xúc với con người trong thời gian dài.
Cuối cùng, Chapman mất hết khả năng sử dụng ngôn ngữ và sớm học cách giao tiếp với bầy khỉ bằng cử chỉ, tín hiệu và trực giác. Cô bé sống sót bằng cách quan sát những con khỉ và học hỏi từ chúng.
"Ban đầu, chúng chỉ thương hại tôi thôi. Chúng không thực sự yêu mến tôi", Chapman sau này chia sẻ với Guardian. "Đến một ngày, một con khỉ non nhảy xuống vai tôi rồi đưa tay chạm lên mặt tôi. Nếu bạn chưa bao giờ được ôm trong đời thì đây là cử chỉ tuyệt vời nhất".
Chapman sống sót qua ngày nhờ nhặt nhạnh đồ ăn thừa mà bầy khỉ để lại. Cô bé cũng nhanh chóng nhận ra rằng nếu đi theo những con khỉ ôm buồng chuối lớn, một số quả chuối sẽ rơi xuống đất và mình có thể ăn chúng.
Bầy khỉ dạy Chapman cách trèo cây, đập hạt bằng dụng cụ và đi bằng 4 chân. Thậm chí Chapman còn nói rằng đã học được cách làm giường trên cây để ngủ vào ban đêm. Có lần, cô bé bị đau bụng khủng khiếp và được một con khỉ già cứu sống.
"Nó siết chặt cánh tay tôi, sau đó bắt đầu lắc nhẹ, xô đẩy tôi, như thể quyết tâm đưa tôi đi nơi khác", Chapman kể. Nó dẫn cô bé đến một dòng nước bùn và nhấn đầu xuống. Chapman uống một ngụm nước đầy và bắt đầu nôn mửa. Không lâu sau, cô bé dần hồi phục.
Từ đó, Chapman coi con khỉ già kia như "Ông nội" và được bầy khỉ đón nhận hơn. Chúng chải tóc và chia sẻ thức ăn với cô bé.
Nhưng đến năm 10 tuổi, Chapman cảm thấy ngày càng cô độc và muốn tìm cách giao tiếp với con người, nên quyết định sẽ tiếp cận một nhóm thợ săn trong rừng. Đây cũng là thời khắc cô bé rời xa bầy khỉ và nhận ra con người mới là sinh vật nguy hiểm nhất.
Nhóm thợ săn đưa Chapman ra khỏi khu rừng rồi bán cô bé cho một nhà chứa ở Cúcuta. Tại đây, Chapman được tắm rửa và mặc quần áo để chuẩn bị đi tiếp khách, nhưng cô bé đã kịp thời chạy trốn ngay lúc đó.
Không lâu sau, Chapman bị bắt làm nô lệ cho một gia tộc mafia địa phương, rồi lang thang trên đường phố nhiều năm trước khi được giải cứu thực sự.
Một người hàng xóm đã nhận nuôi Chapman và chuyển đến Bogota, nơi cô được đặt tên như hiện nay. Tại đây, cô cũng gặp một chàng trai tử tế tên John và hai người kết hôn rồi chuyển tới định cư tại Yorkshire, Anh.
Năm 2013, Chapman xuất bản cuốn hồi ký về thời gian sống trong rừng nhiệt đới của mình mang tên "Cô bé không tên: Câu chuyện kinh ngạc về một đứa trẻ được bầy khỉ nuôi dưỡng".
Kể từ đó, các chuyên gia bắt đầu đặt câu hỏi về những chi tiết trong câu chuyện của "cô bé rừng xanh" Chapman, dù không ai có thể khẳng định chúng vô căn cứ.
Các nhà động vật học chỉ ra rằng nhiều hành vi của đàn khỉ thầy tu mà Chapman kể lại hầu như không có cơ sở thực tế. Chapman nói rằng bầy khỉ đã xây tổ và làm giường trên cây, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khỉ thầy tu không có tập tính này.
Họ cũng cho rằng một cô bé 5 tuổi như Chapman cũng có kích thước lớn gấp đôi khỉ thầy tu và có thể bị cả đàn xem như kẻ săn mồi hơn là một người bạn. Nhưng Chapman có lời giải thích đơn giản cho điều đó.
"Động vật luôn có bản năng. Chúng biết một đứa trẻ sẽ không gây hại", Chapman nói với báo Sun. "Chúng cứ nhìn chằm chằm và khi thấy chúng vẫn ở đó sau một thời gian dài, tôi biết rằng chúng đã quen với hiện diện của mình".
Với một số chi tiết chưa kiểm chứng, hồi ký của Chapman đã bị từ chối nhiều lần trước khi được một nhà xuất bản lớn chấp nhận.
Dù giới chuyên gia cho rằng một số thông tin trong hồi ký là hư cấu, Chapman khẳng định câu chuyện của bà là thật, thậm chí nói rằng tên cuốn sách có phần sai lệch, bởi bà sống sót nhờ học theo bầy khỉ chứ không được chúng nuôi dưỡng.
Marina Chapman không có nhiều ký ức về trình tự thời gian các sự kiện diễn ra thời thơ ấu. Ký ức đầu tiên bà có là về vụ bắt cóc, mọi thứ trước đó là khoảng trống, còn những điều diễn ra sau đó hòa lẫn với nhau thành những thông tin hỗn độn trong những ngày dài bà sống giữa rừng nhiệt đới.
"Tôi luôn cố gắng nhớ lại nhưng chẳng có gì cả. Tôi đã cố tưởng tượng rất nhiều lần", bà chia sẻ.
Năm 2007, Chapman và con gái Vanessa James thậm chí đã đến Colombia để cố gắng tái tạo lại ký ức của bà nhưng vô ích. Vì vậy, để viết cuốn sách, hai người phải góp nhặt từng mẩu chuyện nhỏ mà Chapman kể.
"Giống như khi đến thăm một khu chợ nông sản và mẹ tôi nhìn thấy một quả hạch Brazil hay một quả chuối nhỏ, hoặc nhìn thấy cháu của bà dùng cành cây đánh một đứa trẻ khác, những sự việc xảy ra tự nhiên như vậy sẽ khiến mẹ tôi nhớ ra câu chuyện nào đó", Vanessa cho hay.
Nhưng Katherine MacKinnon, một nhà nhân chủng học tại Đại học Saint Louis, Mỹ, tin rằng Chapman có lẽ đã hiểu sai một số sự kiện, dù bà liên tục khẳng định không nói dối về chúng.
Chapman tin "Ông nội" đã cố gắng cứu bà, nhưng MacKinnon lại cho rằng con khỉ già có lẽ đang cố dìm chết bà. Và MacKinnon cũng hoài nghi khả năng một bé gái 5 tuổi có thể sống sót trong rừng rậm, nhất là khi không có bất kỳ kiến thức gì về môi trường sống xung quanh.
"Tôi nghĩ rằng để nhận đủ dinh dưỡng cơ bản khi không có kiến thức về rừng rậm hay không có người lớn hướng dẫn gần như là điều bất khả thi", MacKinnon nói.
Tuy nhiên, bất chấp hoài nghi, câu chuyện của Chapman vẫn tiếp tục được kể. Vanessa khẳng định những lời chỉ trích không khiến cô hay mẹ cô phải bận tâm.
"Chúng tôi không cố gắng chứng minh điều gì cả", Vanessa cho hay. "Chúng tôi chỉ đang kể câu chuyện gia đình mình và mọi người nghĩ gì thực sự không quan trọng".
Vũ Hoàng (Theo ATI)