Khi Kevin Rudd, cựu thủ tướng Australia và là chuyên gia lâu năm về Trung Quốc, gần đây nói rằng Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung "nhiều khả năng xảy ra chứ không phải có thể xảy ra", tuyên bố này đã được bàn luận sôi nổi ở Nhà Trắng, nơi các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cố dập tắt những nhận định như vậy.
Họ thừa nhận Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ chiến lược lớn hơn Liên Xô trước đây, từ lĩnh vực công nghệ, quân sự cho đến kinh tế, nhưng Tổng thống Biden tháng trước khẳng định ở Liên Hợp Quốc rằng "chúng tôi không hướng tới một Chiến tranh Lạnh mới hay một thế giới bị chia rẽ".
Theo bình luận viên David E. Sanger của NYTimes, Chiến tranh Lạnh mới Mỹ - Trung chỉ là một cách gọi khác cho thời kỳ cạnh tranh chính trị giữa hai siêu cường. Sự cạnh tranh có thể ẩn giấu ngay bên dưới những căng thẳng leo thang về chiến lược kinh tế, cạnh tranh công nghệ và những động thái quân sự cả dưới biển, trên vũ trụ và cả không gian mạng.
Thế giới gần đây đã chứng kiến những hành vi kiểu "Chiến tranh Lạnh cũ", như việc không quân Trung Quốc điều số máy bay lớn kỷ lục áp sát đảo Đài Loan, Bắc Kinh mở rộng chương trình không gian khi đưa thêm ba phi hành gia lên trạm vũ trụ và thúc đẩy thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm, loại khí tài có thể xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ của Mỹ.
Việc Canada trả tự do cho giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu và Trung Quốc cho 4 công dân Canada, Mỹ được hồi hương khiến dư luận liên tưởng đến những thỏa thuận trao đổi tù nhân thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây, theo Sanger.
Cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt hơn sau khi Mỹ và Anh tuyên bố hỗ trợ công nghệ để đồng minh Australia, một cường quốc khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương, đóng 8 tàu ngầm hạt nhân. Thỏa thuận tàu ngầm mang tên AUKUS này được cho là sẽ giúp Mỹ, Anh, Canada duy trì ưu thế về tàu ngầm hạt nhân trước Trung Quốc trong các vùng biển châu Á.
Vài ngày trước khi thỏa thuận AUKUS được công bố, công ty Planet Labs có trụ sở ở Mỹ công bố những bức ảnh vệ tinh cho thấy một số hầm chứa tên lửa hạt nhân mới của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh chưa thể giải thích về sự tồn tại của chúng.
Các nhà phân tích Mỹ không chắc về ý định của Trung Quốc, nhưng một số người trong cơ quan tình báo và Lầu Năm Góc đang tự hỏi liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có quyết định từ bỏ chiến lược "răn đe tối thiểu" đã được duy trì suốt 6 thập kỷ hay không, ngay cả khi việc Bắc Kinh gia tăng sức mạnh tấn công hạt nhân có nguy cơ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tháng này thông báo thành lập trung tâm chuyên trách về Trung Quốc, để đối đầu với "một Trung Quốc ngày càng đối nghịch, mối đe dọa chính trị quan trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt trong thế kỷ 21", theo giám đốc CIA William Burns.
Các trợ lý hàng đầu của Biden cho rằng Chiến tranh Lạnh cũ là cách gọi sai lầm về những gì đang xảy ra. Thay vào đó, họ tranh luận rằng hai siêu cường có thể hợp tác trong những lĩnh vực như khí hậu và ứng phó chương trình hạt nhân Triều Tiên, đồng thời cạnh tranh quyết liệt về thương mại, công nghệ và các vấn đề như Biển Đông, Đài Loan.
Nhà Trắng không muốn gọi tên chiến lược này, nhưng hành động của Biden ngày càng cho thấy một thế giới "cùng tồn tại nhưng cạnh tranh", khác với "cùng tồn tại trong hòa bình" mà lãnh đạo Liên Xô từng mô tả về Chiến tranh Lạnh cũ.
"Đây không giống như Chiến tranh Lạnh với trọng tâm là cạnh tranh quân sự", một cố vấn cấp cao của chính quyền Biden nói.
Hồi tháng 7, Kurt M. Campbell, cố vấn châu Á hàng đầu của Biden, cũng cho rằng cách gọi "Chiến tranh Lạnh mới" không mô tả toàn diện về mối quan hệ Mỹ - Trung. Hai nền kinh tế lớn vẫn phụ thuộc lẫn nhau về nhiều lĩnh vực như công nghệ, thương mại, điều không tồn tại trong Chiến tranh Lạnh cũ.
Thiết bị Huawei và China Telecom hiện diện ở các quốc gia NATO, trong khi ứng dụng TikTok của Trung Quốc cũng có mặt trên hàng chục triệu điện thoại ở Mỹ. Bất chấp Covid-19, Mỹ đã xuất khẩu 124 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc và nhập khẩu 434 tỷ USD. Quốc gia châu Á này hiện là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ và thị trường tiêu thụ lớn thứ ba của Mỹ, sau Canada và Mexico.
"Quy mô và mức độ phức tạp của mối quan hệ thương mại đang bị đánh giá thấp", Campbell nói, khi giải thích tại sao tình hình hiện tại khác biệt đáng kể so với Chiến tranh Lạnh 40 năm trước.
Tuy nhiên, một cố vấn khác của Biden lưu ý rằng dù có được gọi tên là Chiến tranh Lạnh hay không, hai nước đã hành xử như thể "đang sa vào một cuộc chiến". Đây là luận điểm trọng tâm của những người cho rằng một Chiến tranh Lạnh mới đang nhanh chóng thống trị mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh.
"Mọi người cho rằng có một định nghĩa duy nhất về Chiến tranh Lạnh là mô hình Mỹ - Liên Xô", Paul Heer, nhà phân tích CIA, nói, nhưng thêm rằng "nó không thiết phải như vậy".
Heer đồng tình với các quan chức Nhà Trắng rằng mối quan hệ hai nước không được định hình bằng cuộc đối đầu hạt nhân hay một cuộc đấu tranh ý thức hệ, trong đó một bên có thể chiếm ưu thế. Trong một bài viết trên National Interest, ông lưu ý thêm rằng thế giới hiện nay sẽ "không chia thành hai phe Mỹ - Trung".
Nhưng yếu tố cốt lõi của Chiến tranh Lạnh cũ, "tình trạng thù địch dưới ngưỡng xung đột quân sự", đã trở nên rõ ràng khi cả hai nước tìm kiếm quyền lực và ảnh hưởng, cũng như cản trở hoặc kiềm chế lẫn nhau.
"Có những lý do chính đáng để cả hai bên không muốn gọi đây là Chiến tranh Lạnh", Heer nói. "Nhưng cả hai bên đang tiếp cận theo cách đó".
Tại Washington, một trong số ít vấn đề đạt đồng thuận lưỡng đảng là cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực như thiết bị bán dẫn, trí tuệ nhân tạo hay máy tính lượng tử. Đây được coi là lý do lưỡng đảng tại Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chính sách công nghiệp mới được cho là nhằm đối phó Trung Quốc.
Dự luật cung cấp 52 tỷ USD để mở rộng sản xuất chip điện tử trong nước, vượt xa khoản chi khi cạnh tranh sự thống trị của Nhật Bản trong ngành công nghiệp này cách đây 30 năm. Hiện tại, thị phần chip của Nhật Bản đã giảm xuống còn khoảng 10%, không còn là mối lo của Mỹ.
Giới quan sát cho rằng dù thời kỳ cạnh tranh Mỹ - Trung này được gọi tên là gì, có nhiều lý do để lo lắng về nguy cơ xung đột cao chưa từng thấy.
Joseph S. Nye, người từng điều hành Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, cảnh báo cái mà ông gọi là "hội chứng mộng du", điều từng đẩy thế giới vào cuộc thế chiến năm 1914.
"So sánh với Chiến tranh Lạnh cũ không thể giúp loại bỏ đi nguy cơ về Chiến tranh Lạnh mới. Chúng ta có thể vô tình rơi vào vòng xoáy này", ông nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)