Các nhà hoạt động đối lập và lực lượng cứu hộ cáo buộc quân đội Syria hôm 7/4 dùng khí chlorine tại thành phố Douma, làm khoảng 70 người chết. Nạn nhân phát ra mùi chlorine rất mạnh, thở gấp, run rẩy, một số người co giật và sùi bọt mép. Mỹ đe dọa sẽ có phản ứng mặc dù Syria bác bỏ liên quan đến vụ này.
Bộ Ngoại giao Syria năm 2012 xác nhận quốc gia này có vũ khí hóa học, phần nhiều trong số đó được phát triển vào những năm 1970 với sự giúp đỡ từ Liên Xô và Ai Cập. Bộ này nói rằng vũ khí nhằm bảo vệ đất nước trước "sự xâm lược bên ngoài" và sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại người Syria, theo Vox.
Tháng 9/2013, Syria thông qua Công ước Vũ khí hoá học năm 1997 (CWC) về cấm sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học. Công ước này yêu cầu các nước phá hủy vũ khí và cơ sở sản xuất. Syria đã cung cấp cho Mỹ và Nga danh sách mà họ nói là liệt kê tất cả loại vũ khí hóa học họ có và vị trí của chúng.
Việc sử dụng chlorine làm vũ khí là hành vi bị cấm, nhưng chlorine không bị cấm theo CWC. Không giống như các chất khác như sarin, chlorine vẫn được sản xuất và sử dụng ở Syria cho các mục đích phi quân sự, từ các sản phẩm tẩy rửa đến làm sạch nước.
Tránh tổn thất cho quân mình
Các nhà phân tích nói rằng chính quyền Syria có thể đã chọn thực hiện một cuộc tấn công bằng chlorine để tránh hứng chịu thiệt hại nặng nề với quân đội của mình và đảm bảo phiến quân Jaish al-Islam rời khỏi Douma theo các điều khoản do Damascus đưa ra, theo AFP.
"Thay vì lún sâu vào Douma và chịu tổn thất nặng, vũ khí hóa học được sử dụng để gieo rắc nỗi sợ trong những người dân ủng hộ phiến quân Jaish al-Islam", nhà phân tích Nick Heras của Trung tâm An ninh Mới Mỹ nói. "Chiến thuật đã thành công, Assad sẽ sớm kiểm soát Douma.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã kiểm soát gần như toàn bộ Đông Ghouta kể từ giữa tháng hai, nhưng đến cuối tuần trước, những phiến quân cuối cùng bám trụ ở Douma kiên quyết từ chối rút lui. Sau vụ tấn công hóa học, chính quyền Syria nói rằng họ đã đạt được thỏa thuận với các chiến binh Jaish al-Islam về việc rời khỏi thành phố.
Việc chiếm lại Đông Ghouta là thắng lợi lớn cho Assad trong cuộc nội chiến 7 năm của Syria, đã khiến 350.000 người thiệt mạng và hàng triệu người rời bỏ nhà cửa. Nó sẽ giúp thủ đô Damascus an toàn và chính phủ có quân để triển khai chiến đấu với các phiến quân đối lập tại vùng khác.
"Assad cần các chiến dịch có rủi ro thương vong thấp, nếu không thì quân đội của ông ta sẽ không có đủ người để triển khai đến những khu vực bị phe đối lập kiểm soát khác", Heras nói.
"Phi logic"
Max Abrahms, giáo sư Đại học Northeastern tại Mỹ, cho rằng hành vi tấn công dân thường chỉ xảy ra khi chính quyền lâm vào cảnh tuyệt vọng, sắp có nguy cơ bị lật đổ. "Tình hình hiện tại ngược lại hoàn toàn, Assad đang chiếm thế thượng phong, cuộc nội chiến không còn ác liệt", ông nói.
"Tại sao quân đội Syria lại cố ý tấn công dân thường và vi phạm luật cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt khi mà có thể dễ đoán họ sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế?", Abrahms nói.
Abrahms đề ra giả thuyết rằng phiến quân đã dàn dựng vụ tấn công này để đổ lỗi cho chính quyền Syria. Ammar Waqqaf, giám đốc của Gnosos, trung tâm nghiên cứu về Trung Đông có trụ sở tại Anh, nói rằng phiến quân Jaysh al-Islam sở hữu vũ khí hóa học. "Họ là phe duy nhất ở Syria từng thừa nhận sử dụng vũ khí hóa học, cách đây hai năm ở Aleppo, khu vực Maqsood", Waqqaf chỉ ra.
Waqqaf cũng cho rằng phiến quân có thể đã gây ra vụ tấn công nhằm khiến NATO phản ứng quân sự với chính quyền Syria hoặc ít nhất là điều một số đơn vị điều tra đến, khiến phiến quân có thể trì hoãn việc đầu hàng ở Douma.
"Tấn công vũ khí hóa học là điều ngớ ngẩn nhất mà chính quyền Syria có thể làm. Họ vốn luôn hành động một cách chiến lược, họ không thể nào bất ngờ hành động phi lý", ông kết luận.
Tổ chức Ngăn chặn Vũ khí Hóa học thông báo họ sẽ sớm triển khai một đội tới Douma để điều tra sau khi Damascus tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tất cả các nhiệm vụ.
Phương Vũ