Trong một tiết dạy, thầy Võ Kim Bảo (THCS Nguyễn Du, quận 1) nhận được thắc mắc của học sinh về bài thơ Chuyện cổ nước mình, tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ, trong sách Ngữ Văn lớp 6, tập 1 (Bộ sách Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2021).
Học sinh nhận thấy cùng bài thơ và tác giả này, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4, tập 1 mà các em học hai năm trước in là Truyện cổ nước mình. Bây giờ, sách Ngữ Văn lớp 6 thay toàn bộ từ "truyện cổ" thành "chuyện cổ".
"Tôi cũng băn khoăn không khác gì học sinh. Tôi chỉ giải thích cho các em hiểu truyện và chuyện khác nhau thế nào. Còn việc vì sao có sự khác nhau ở các sách, tôi hẹn dịp khác, khi tìm hiểu đủ thông tin", thầy Bảo nói.
Theo thầy Bảo, dị bản xuất hiện với tác phẩm văn học dân gian là bình thường, dễ giải thích. Nhưng "dị bản" xuất hiện ở một tác phẩm văn học hiện đại, lại in trong sách giáo khoa cùng một nhà xuất bản, là việc rất khó hiểu.
"Điều này khiến học sinh không biết thế nào mới đúng, lâu dần có thể tạo nên sự nhầm lẫn trong khái niệm. Chi tiết này tưởng nhỏ, nhưng không hề nhỏ. Bởi sách giáo khoa xưa nay luôn được xem là chuẩn mực, nguồn tri thức đáng tin nhất, nên sự bất nhất này sẽ khiến các em giảm niềm tin", thầy Bảo nói.
Ngoài bộ sách Chân trời sáng tạo, bộ sách Kết nối Tri thức với cuộc sống, cùng nhà xuất bản, cũng sử dụng bài thơ này với tên gọi Chuyện cổ nước mình. Hai cuốn sách Ngữ Văn lớp 6 lần đầu được giảng dạy trong năm học 2021-2022 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Cả hai đều dẫn nguồn bài thơ từ cuốn Lâm Thị Mỹ Dạ, Tuyển tập của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2011.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6, bộ "Chân trời sáng tạo" cho biết, trong quá trình soạn, các tác giả lấy văn bản Truyện cổ nước mình từ cuốn "Thơ viết về văn học trong nhà trường" (Nguyễn Đức Khuông tuyển chọn và giới thiệu, Nhà xuất bản Giáo dục, nay là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ấn hành năm 2005). Tức là ban đầu, nhóm đã chọn bản in "Truyện cổ".
Sau đó, có ý kiến cho rằng, hai bộ sách Ngữ Văn lớp 6 của cùng nhà xuất bản, sử dụng chung một bài thơ nhưng trích dẫn nguồn khác nhau thì không ổn. Do vậy, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thống nhất cả hai cuốn đều sử dụng văn bản in trong Lâm Thị Mỹ Dạ, Tuyển tập. Vì vậy, bản in cuối cùng của sách dùng từ "Chuyện cổ".
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6, bộ "Kết nối Tri thức với cuộc sống", cho biết, khi soạn sách, nhóm tác giả có nhận ra sự khác nhau giữa từ "chuyện" trong bản in từ cuốn Lâm Thị Mỹ Dạ, Tuyển tập và từ "truyện" của chính bài thơ này trong sách Tiếng Việt lớp 4. PGS Hùng cũng cho rằng, hai từ này khác nhau. "Truyện" chỉ một tác phẩm, trong khi "chuyện" chỉ những gì được kể.
Trong bản thảo đầu tiên, nhóm làm sách này dùng bản "truyện cổ". Nhưng sau đó, họ quyết định dùng bản "chuyện cổ" vì bản này được in trong tuyển tập đứng tên nhà thơ và công bố gần đây nhất - tức Lâm Thị Mỹ Dạ, Tuyển tập, năm 2011. Đồng thời, tuyển tập do Nhà xuất bản Hội Nhà văn - một đơn vị có uy tín, đặc biệt trong lĩnh vực sách văn học - xuất bản.
Ông Hùng cho biết, trong quy trình làm sách giáo khoa Ngữ Văn, nếu gặp sự khác biệt giữa các bản in, nhóm biên soạn thường liên hệ với tác giả hoặc dịch giả để kiểm tra. Tuy nhiên, có những trường hợp nhóm không thể thực hiện được việc này, thường là do tác giả có vấn đề về sức khỏe hoặc đã mất.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, 72 tuổi, mắc chứng mất trí nhớ do bệnh Alzheimer nhiều năm nay. Chị Hoàng Thị Dạ Thư, con gái bà cho biết, nhà thơ không đủ minh mẫn để nêu quan điểm về sự việc.
Khi tìm lại các tập thơ khoảng 40 năm trước trong tủ sách của mẹ, chị Thư nhận thấy, bài thơ đều được in với tên gọi Truyện cổ nước mình. Đây cũng là tên của bản in đầu tiên, trong tập "Bài thơ không năm tháng" (1983) - chính là bản được sử dụng trong sách Tiếng Việt lớp 4.
"Hiện mẹ tôi không thể trả lời, nên ý kiến của tôi chỉ mang tính cá nhân. Tôi thì thấy chữ chuyện dùng trong bài này nghe gần gũi hơn, kiểu cháu nghe bà kể chuyện", chị Thư cho biết.
Thạc sĩ Phan Thế Hoài (giáo viên Văn trường THPT Bình Hưng Hoà, TP HCM) lại cho rằng, trong trường hợp này, nhóm biên soạn sách giáo khoa nên dùng từ "truyện" mới hợp tình, hợp lý.
Bởi theo ông, đây là tên được tác giả sử dụng trong bản in đầu tiên và nhiều tuyển tập sau đó (thời gian nhà thơ còn minh mẫn), và nó đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả. Tác phẩm được đăng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 4 là "truyện cổ" nên các bản sách sau cần có tính kế thừa.
Về mặt ngôn ngữ, từ "truyện" dùng trong bài thơ này chính xác hơn "chuyện". Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018), một trong những nghĩa của từ "truyện" là "Tác phẩm văn học miêu tả tính cách nhân vật và diễn biến của sự kiện thông qua lời kể của nhà văn. Ví dụ: Truyện dài, Truyện cổ tích...
Trong khi đó, "chuyện" có nghĩa là "Sự việc được kể lại". Ví dụ: Chuyện đời xưa, Nghe chuyện tâm tình hoặc "Việc, công việc, nói chung". Ví dụ: Chưa làm nên chuyện. Đâu phải chuyện đơn giản...
Những câu thơ trong tác phẩm của Lâm Thị Mỹ Dạ nhắc đến những truyện cổ tích cụ thể của Việt Nam như Tấm Cám, Đẽo cày giữa đường... Nội dung bài thơ ca ngợi ý nghĩa sâu sắc, những bài học về đạo lý làm người chứa trong kho tàng truyện cổ dân gian. Do đó, Thạc sĩ Hoài cho rằng, phải dùng từ "truyện" với ý nghĩa như một thể loại, tác phẩm văn học.
Nhiều giáo viên dạy văn THCS cũng tán thành dùng từ "truyện" trong trường hợp này. Nếu nhà xuất bản muốn thay đổi thành "chuyện" với một lý do nào đó, theo họ, cần phải hiệu đính để giáo viên, học sinh không bỡ ngỡ.
* Đọc bài thơ (theo bản in đầu tiên năm 1983)