Trong lúc làm việc ở nhà, chị Phạm Hồng Ngọc ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, bỗng để ý đến cô con gái - đang ôn bài về cách viết tên người, địa danh nước ngoài trong sách tiếng Việt lớp 4 tập một - khi cô bé ngắc ngứ đọc Mô-rít-xơ Mát-téc-lích, Lốt Ăng-giơ-lét, Critxtian Anđécxen.
Tò mò, chị mở sách ra xem và nhìn thấy những chữ khác Tôkiô, Amadôn, Anbe Anhxtanh, Tô-mát Ê-đi-xơn, chị Ngọc bật cười, đoán là Tokyo, Amazon, Albert Einstein và Thomas Edison. Lốt Ăng-giơ-lét và Critxtian Anđécxen chị lần lượt hiểu là Los Angeles và Christian Andersen. Còn Mô-rít-xơ Mát-téc-lích thì phải đọc kỹ tiểu sử, kết hợp tra cứu lại, chị mới biết là nhà viết kịch từng đoạt giải Nobel - Maurice Maeterlinck.
Sách Địa lý 7 ở trang 12 viết tên các địa danh như Niu I-oóc, Xơ-un, Xao Pao-lô, Mê-hi-cô Xi-ti... Những cách viết như trên khiến con gái chị Ngọc cho biết, cháu thấy khó đọc và khó hình dung ra đó là từ gì để tra cứu.
"Nhiều đồng nghiệp của tôi có con học tiểu học và phổ thông cũng phàn nàn cách phiên âm hài hước này. Các con nhận xét, không ít từ bị phiên âm sai cách đọc mà chúng được dạy ở lớp tiếng Anh, khiến không luận ra được từ nguyên gốc", chị Ngọc cho hay.
Cách phiên âm hiện tại trong sách giáo khoa cũng khiến giáo viên bối rối khi dạy học. Cô Lê Thị Lý, giáo viên Lịch sử, trường THCS Yên Bình, Thạch Thất, Hà Nội, thường phải lên Google tra từ gốc để đi tìm tư liệu lịch sử. Tuy nhiên, phiên âm nhiều từ thiếu chính xác nên có lúc cô tìm không ra. Việc ghi phiên âm được cho là giúp học sinh và giáo viên nắm được cách đọc nhưng theo cô Lý, nếu phiên âm không chuẩn, việc này không còn ý nghĩa.
Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên lớp 4 một trường tiểu học ở huyện Gia Lâm, kể khi học đến phần cách viết tên người, tên địa lý nước ngoài, học sinh thường làm sai trong phần luyện tập.
Lý do của việc này là các con chưa được làm quen với một số tên và từ chỉ địa danh, trong khi tra trên mạng lại không có phiên âm tiếng Việt. Một số từ khi đọc lên khó xác định số tiếng hoặc khi phiên âm rất khác với phiên âm quốc tế. Cô Lan cho rằng kể cả giáo viên, nếu không đọc kỹ tài liệu, không cẩn thận cũng bị sai.
Cô lấy ví dụ phần III của bài luyện từ và câu trang 79, sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4, yêu cầu viết lại một số tên riêng nước ngoài sau cho đúng quy tắc: Iuri Gagarin, Anbe Anhxtanh, Xanh Pêtécbua... Theo cô Lan, những từ đề bài đưa ra không phải phiên âm tiếng Việt lẫn quốc tế mà là dạng tiếng Việt nửa ta nửa tây.
Cô Lan nhận định cách phiên âm như vậy chỉ có trong sách giáo khoa và không còn phù hợp với hiện tại. "Nếu muốn đưa nội dung phiên âm tiếng Việt vào sách thì nên chuẩn xác. Các em giờ tiếp xúc với ngoại ngữ, các loại văn bản nhiều nên việc phiên âm tên riêng nước ngoài sang tiếng Việt không cần thiết", cô Lan nói.
Theo PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ Văn, bộ sách "Kết nối Tri thức với cuộc sống", chủ trương phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa vốn nhằm tạo thuận lợi cho học sinh khi đọc thành tiếng, nhất là học sinh cấp tiểu học.
Chủ trương phiên âm đã tồn tại từ lâu, không chỉ trong sách giáo khoa mà cả trên báo chí và nhiều loại văn bản khác. Khi ngoại ngữ vẫn chưa được dạy phổ biến, phần đông người học trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, đất nước chưa hội nhập sâu rộng với thế giới thì chủ trương này có phần có lý.
Tuy nhiên, việc phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa hiện bộc lộ nhiều bất cập. "Khi biên soạn sách giáo khoa mới, chúng tôi rất muốn khắc phục bằng một giải pháp căn bản hơn, khoa học hơn. Nhưng quy định chính tả hiện nay của các cơ quan chức năng khiến ý muốn đó không thực hiện được", PGS.TS Hùng nói.
Tất cả tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa mới đều phải viết dưới hình thức phiên âm tiếng Việt (có chú tên riêng nguyên dạng), kể cả sách giáo khoa cho học sinh trung học. Việc quy định phiên âm tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa tiểu học đã bất cập, trong sách trung học lại càng bất cập hơn.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cách phiên âm trong tiếng Việt có bốn phương án: Phiên ra cách đọc và chuyển sang cách viết của tiếng Việt; dịch nghĩa; chuyển tự và để nguyên dạng. Mỗi phương án đều có tính hợp lý và thuận tiện riêng nhưng xu hướng hiện đại là tôn trọng cách viết nguyên dạng.
Ông cho rằng không nên câu nệ việc đọc mà nên căn cứ vào giao tiếp văn bản. Về mặt giáo dục, các nhà trường quan niệm học sinh chưa làm quen được với tên nước ngoài nguyên dạng nên phiên cách đọc để các em vừa đọc và vừa viết được. Nhưng việc này cũng bất hợp lý ở chỗ, lên đại học làm quen với cách viết hiện đại, các em lại phải có sự liên tưởng, nhiều khi bị rối loạn, không nhận diện được.
Hai chuyên gia có chung đề xuất tên riêng nước ngoài nên ghi nguyên dạng trong sách giáo khoa và mở ngoặc đơn đưa ra một đề xuất về cách đọc, để nếu học sinh cần đọc thì có dữ liệu tham khảo. Cấp tiểu học có thể tạm thời áp dụng quy định phiên âm tên riêng nước ngoài, nhưng từ lớp 6 đến lớp 12 thì không cần, thậm chí không được phép phiên âm.
"Nên tính tới tính hợp lý và xu hướng chung trong việc xử lý văn bản của các ngôn ngữ trên thế giới để tiếng Việt cũng có cách giải quyết không lạc hậu và không lạc điệu", PGS.TS Tình nói.
Bình Minh