Căng thẳng trong khu vực đang ngày một lên cao trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông vào ngày 12/7. Trong khi cam kết ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế trong khu vực, Trung Quốc lại khăng khăng bác bỏ thẩm quyền của tòa, thậm chí còn ngang nhiên tuyên bố bác bỏ phán quyết.
Mặt khác, Bắc Kinh ra sức vận động, lôi kéo các nước khác ủng hộ lập trường "giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương" trên Biển Đông của mình, phản đối "sự can thiệp của bên thứ ba". Đồng thời, hải quân Trung Quốc lại tổ chức một đợt tập trận quy mô lớn ở Biển Đông kéo dài một tuần, ngay trước thềm phán quyết của PCA.
Theo Foreign Policy, thực tế trên chứng tỏ Trung Quốc có vẻ không hoàn toàn rõ họ muốn đạt được gì trên Biển Đông, khiến các nước có liên quan không thực sự hiểu rõ ý đồ Bắc Kinh trên vùng biển này. Các chuyên gia phân tích cho rằng điều này là do trong nội bộ Trung Quốc đang có ba luồng tư tưởng đấu đá lẫn nhau để giành ưu thế trong giới phân tích và hoạch định chính sách Biển Đông.
Ba trường phái
Theo Feng Zang, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia, và là giáo sư trợ giảng tại Viện Nghiên cứu Biển Đông ở Trung Quốc, có những luồng tư tưởng khác nhau trong giới phân tích Trung Quốc về các chính sách tối ưu đối với Biển Đông và có thể tạm chia họ thành ba nhóm: nhóm duy thực, nhóm cứng rắn và nhóm ôn hòa. Các ấn phẩm nghiên cứu, bài viết trên truyền thông cùng những ý kiến được chia sẻ trực tuyến tại Trung Quốc đã hé lộ phần nào những quan điểm khác biệt này, đồng thời cho thấy sự đa dạng về quan điểm trong lòng Trung Quốc.
Theo ông Feng, do tính chất căng thẳng của tình hình hiện nay, các nhà phân tích Trung Quốc hiếm khi công khai những ý kiến chỉ trích lập trường Biển Đông của chính phủ. Điều này có thể lý giải vì sao thế giới bên ngoài thường không biết tới những tranh luận đó. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận tại Trung Quốc về Biển Đông có ý nghĩa quan trọng với việc nắm bắt những định hướng trong chính sách đối ngoại tương lai của Bắc Kinh.
Những người duy thực tin rằng nền tảng chính sách Biển Đông của Trung Quốc đã vững chắc và không cần điều chỉnh. Họ hiểu những cái giá phải trả về mặt ngoại giao và uy tín, nhưng thường hạ thấp chúng do đề cao sự hiện diện thực tế cùng năng lực hữu hình của Trung Quốc hơn là hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Niềm tin của họ xuất phát từ nhận thức thực dụng về chính trị quốc tế, rằng sức mạnh hữu hình - thay vì những yếu tố "phù du" như danh tiếng, hình ảnh hoặc luật quốc tế - mới là yếu tố quyết định. Họ tin rằng thời gian đang ủng hộ Trung Quốc, miễn là Trung Quốc có thể duy trì sự trỗi dậy. Ông Feng tin rằng quan điểm chính trị này đang chiếm ưu thế trong quá trình ra quyết định liên quan đến Biển Đông của Trung Quốc.
Những người duy thực tin rằng họ đang bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc bằng cách tăng cường sự hiện diện hữu hình trên Biển Đông. Nhưng họ lại không thực sự chắc chắn biết sẽ làm gì với các đảo nhân tạo phi pháp mới xây dựng. Liệu Bắc Kinh có nên tiếp tục triển khai những công trình quân sự mới, bao gồm việc lắp đặt các hệ thống vũ khí tấn công hay phòng thủ hay không? Những người duy thực muốn Trung Quốc duy trì sức mạnh trên Biển Đông, nhưng lại không biết bao nhiêu là đủ.
Trong khi đó, nhóm đối tượng thứ hai, những người có tư tưởng cứng rắn, lại đưa ra những câu trả lời đầy tính cảnh báo cho những câu hỏi phe duy thực chưa thể trả lời. Họ không chỉ cho rằng Trung Quốc cần hiện diện trên cả 7 đảo nhân tạo nước này cải tạo trái phép ở Biển Đông, bao gồm đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, mà còn tin rằng Trung Quốc cần tiếp tục mở rộng lãnh thổ và sức mạnh quân sự trên Biển Đông.
Quá trình mở rộng đó bao gồm biến các đảo nhân tạo thành những căn cứ nhỏ, chiếm thêm một số nếu không muốn nói là toàn bộ thực thể do các nước khác kiểm soát, hoặc biến "đường 9 đoạn" mơ hồ thành đường khẳng định chủ quyền.
Những người có tư tưởng cứng rắn không hề bận tâm tới mối lo ngại của thế giới bên ngoài, họ chỉ muốn tối đa hóa lợi ích của Trung Quốc. Ông Feng cho rằng quan điểm này hiện chưa chiếm thế thượng phong quá trình ra quyết định ở cấp cao, nó chỉ thường xuất hiện trong giới chức quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc.
Chính sách cứng rắn như vậy trên Biển Đông chắc chắn sẽ có lợi cho những lợi ích chính trị của nhóm người này. Nhưng theo ông Feng, trong dư luận Trung Quốc nói chung cũng có những người mang tư tưởng cứng rắn, mà đại đa số có cái nhìn cảm tính và nông cạn về tình hình Biển Đông. Những người có tư tưởng cứng rắn này kêu gọi Bắc Kinh phải quyết liệt hơn dựa trên tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cảm tính, chứ không phải cân nhắc kỹ càng về lợi ích Trung Quốc.
Sự khác biệt giữa hai nhóm tư tưởng cứng rắn và duy thực là trong khi quan điểm của phe cứng rắn cũng dựa trên tình hình chính trị thực tế, họ lại có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đặc biệt cao, khiến việc chung sống với các quốc gia khác trở nên khó khăn.
Mặc dù những người có tư tưởng cứng rắn hiện chưa chiếm ưu thế trong quá trình hoạch định chính sách, giới lãnh đạo Bắc Kinh không thể dễ dàng phớt lờ hoặc bác bỏ họ, do lo ngại có thể thổi bùng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong dư luận, một lực lượng có thể dễ dàng trở nên mất kiểm soát.
Nhóm thứ ba, những người ôn hòa, tin rằng đã đến lúc Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách để làm rõ mục đích của mình trên Biển Đông. Những người ôn hòa nhận ra rằng sự mù mờ hiện nay của Bắc Kinh trong các tuyên bố chủ quyền và toan tính chiến lược của mình đang làm thế giới bên ngoài gia tăng e ngại và mất lòng tin. Họ cho rằng chính phủ không thể đưa ra những lý lẽ chiến lược thuyết phục và thúc đẩy đối thoại một cách hiệu quả với thế giới bên ngoài.
Những người thuộc nhóm này tin rằng lối tiếp cận "cứ làm rồi tính" với những quyết định chiến lược lớn như xây đảo nhân tạo đã khiến Trung Quốc gây tổn hại cho chính lợi ích của mình. Việc cố gắng "hợp pháp hóa" bất kỳ hoạt động xây dựng đảo nào cũng chỉ khiến làm gia tăng hoài nghi thay vì tranh thủ ủng hộ từ bên ngoài.
Những người ôn hòa cho rằng Trung Quốc cần dần làm rõ "đường 9 đoạn", bởi việc cố ý duy trì sự mù mờ chỉ khiến tấm bản đồ trở thành một gánh nặng lịch sử và trở ngại không cần thiết trong việc đạt được nhượng bộ ngoại giao. Theo họ, hoàn toàn phản tác dụng khi diễn giải tấm bản đồ như một đường khẳng định chủ quyền, bởi làm vậy chỉ khiến Trung Quốc trở thành đối thủ với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, cũng như với Mỹ.
Theo những người ôn hòa, vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là nước này thiếu một chiến lược rõ ràng và hiệu quả tại Biển Đông.
Quan điểm của những người ôn hòa rõ ràng khác xa các nhóm duy thực và cứng rắn, nhưng cả ba đều thống nhất ở một điểm chung quan trọng: sự cần thiết của hoạt động xây đảo. Hầu hết học giả nước này khi được hỏi đều không cho rằng việc này là sai lầm.
Họ có thể đưa ra nhiều lý do khác nhau để lý giải cho việc xây dựng đảo, từ tạo chỗ đứng chiến lược tại Biển Đông tới cải thiện điều kiện sống cho nhân sự Trung Quốc đồn trú tại đây. Họ cũng có những đánh giá khác nhau về hậu quả, nhưng tất cả đều tin rằng với sự trỗi dậy hiện tại của Trung Quốc, Bắc Kinh phải hiện diện trên Biển Đông, nhất là khi hầu hết các bên tuyên bố chủ quyền khác đã hiện diện trong khu vực nhiều thập kỷ.
Hiện trạng mới
Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần chỉ trích hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc. Nhưng với sự đồng thuận rõ ràng trên phạm vi toàn quốc tại quốc gia này, cộng với thực tế Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không cấm một cách nghiêm ngặt hoạt động cải tạo, xây dựng trên các thực thể trên biển, việc không ngừng công kích hoạt động xây dựng đảo có lẽ là chính sách chưa thực sự hiệu quả, ông Feng nhận định.
Vấn đề có tính chiến lược hơn mà các quốc gia quan tâm sẽ là tạo ra một hiện trạng mới nhưng ổn định trong khu vực, một hiện trạng đòi hỏi Trung Quốc phải làm rõ những ý định chiến lược của mình trên Biển Đông, chuyên gia này viết.
Nhưng chính các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cũng không thể trả lời một cách rõ ràng rằng hiện trạng mới đó có diện mạo như thế nào. Trong ba nhóm quan điểm trên, chỉ có những người có tư tưởng cứng rắn cực đoan mới đưa ra được câu trả lời, nhưng giải pháp của họ tiềm ẩn đầy bất ổn. Phần còn lại của Trung Quốc vẫn đang tranh luận về chiến lược của nước này tại Biển Đông. Đây là một thực tế quan trọng, cho thấy chính sách Biển Đông của Trung Quốc chưa được xác quyết, do đó còn có thể được điều chỉnh.
Ông Feng cho rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cần tạo những điều kiện thuận lợi để định hình chính sách của Trung Quốc theo hướng hoà giải và hợp tác hơn. Cụ thể, họ cần giúp nâng cao tầm quan trọng của những người ôn hòa trong quá trình ra quyết định của Trung Quốc, biến những quan điểm ôn hòa từ thiểu số thành sự đồng thuận đa số.
Về phần mình, Trung Quốc cần phải làm rõ các mục tiêu chính sách và trấn an các nước láng giềng, cũng như Mỹ. Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc nói rằng nền ngoại giao của Trung Quốc đang ở "tuổi vị thành niên". Nhưng một Trung Quốc đang trỗi dậy, mang trách nhiệm trong khu vực và toàn cầu, cần phải học cách nhanh chóng trưởng thành, nhà ngoại giao này nhấn mạnh.
Xem thêm: Hai toan tính đối phó phán quyết Biển Đông của Trung Quốc
Bố trí quân lực của Mỹ xung quanh Biển Đông
Hoàng Nguyên