Theo hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, học sinh lớp 12 cần làm bốn bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng bài Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Trong đó, thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 hoặc tương đương sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ. Ngoài ra, các em được tính điểm 10 môn này trong xét tốt nghiệp.
Hàng năm, có hàng chục nghìn thí sinh thuộc diện này. TP HCM năm ngoái có hơn 7.800 thí sinh được miễn bài thi Ngoại ngữ. Tại Hà Nội, số này tăng đều hàng năm, từ hơn 3.000 vào năm 2019 lên 10.800 vào năm 2021. Một số tỉnh khác như Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ..., số học sinh được miễn thi Ngoại ngữ cũng dao động vài trăm mỗi năm. Trong đó, phần lớn có chứng chỉ IELTS.
Tuy nhiên, việc này đang gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng việc quy đổi từ 4.0 IELTS thành điểm 10 thi tốt nghiệp là không hợp lý, thiếu công bằng.
Quy định IELTS 4.0 được miễn bài thi môn Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT có từ năm 2016. Trước đó, mức được miễn tối thiểu là IELTS 3.5.
PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói việc này có căn cứ. Theo quy đổi tương đối, IELTS 4.0 tương đương trình độ tiếng Anh B1 (trung cấp) trong Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR). Thông tư ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định B1 tương đương với bậc 3/6.
Còn theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia, học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT năm nay cần đạt mức A2, tốt nghiệp đại học mới cần B1. Như vậy, khi xây dựng quy chế thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào chuẩn đầu ra với học sinh để miễn bài thi Ngoại ngữ ở mức IELTS 4.0 hoặc tương đương.
Bậc B1 trong CEFR mô tả người học có thể diễn đạt một cách hạn chế quan điểm trong các vấn đề văn hóa hoặc đưa ra lời khuyên trong những lĩnh vực quen thuộc, hiểu được thông báo, chỉ dẫn cộng đồng. Thí sinh đọc hiểu được các bài báo, thông tin hàng ngày; hiểu được ý chính văn bản trong lĩnh vực quen thuộc; có thể viết thư hoặc ghi chú ý chính những vấn đề quen thuộc hoặc những chủ đề có thể đoán trước.
Với IELTS, thí sinh ở mức 4.0 được đánh giá sử dụng tiếng Anh hạn chế. Người học có sự thành thạo cơ bản trong tình huống quen thuộc nhưng khó khăn trong khi sử dụng ngôn ngữ phức tạp. Ví dụ ở kỹ năng Nói, người học chưa đạt độ trôi chảy, từ vựng và cấu trúc câu còn đơn giản, còn bị lặp lại. Ở kỹ năng Viết, thí sinh trình bày được ý chính nhưng chưa sắp xếp được mạch lạc, từ vựng và cấu trúc còn hạn chế.
Theo cô Kim Anh, các thang tham chiếu này là căn cứ để xác định thí sinh IELTS 4.0 đạt được năng lực tương đương với trình độ B1.
Nhưng cô Nguyễn Thị Huyên, giáo viên tiếng Anh, trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông, Hà Nội, cho rằng cần cân nhắc lại việc tính 10 điểm cho thí sinh có IELTS 4.0. Cô giải thích việc quy đổi là không tương đương và không hoàn toàn chính xác vì bài thi IELTS kiểm tra 4 kỹ năng (thực hành), còn thi tốt nghiệp chú trọng ngữ pháp, từ vựng (lý thuyết).
"Việc thần thánh hóa chứng chỉ như IELTS tạo ra sự không công bằng, nhất là với học sinh vùng khó khăn. Hơn nữa, học sinh trên lớp cũng không còn chú ý học để thi tốt nghiệp như xưa vì tâm lý đã đi học IELTS", cô Huyên nói.
Cô Dương Thị Hương, giáo viên tiếng Anh, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Điện Biên cũng đồng tình. Cô cho hay nhiều học sinh thi IELTS đạt 7.0-7.5 nhưng thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT chỉ trên 9, không thể đạt 10.
"Số điểm 10 thi tốt nghiệp trong cả nước không nhiều, trong khi chỉ cần IELTS 4.0 đã đổi thành 10", cô Hương nói, dẫn chứng năm ngoái, trong hơn 866.000 thí sinh làm bài thi Ngoại ngữ, có 425 em đạt điểm 10. Ngay cả ở năm Tiếng Anh có "mưa điểm 10" như 2021, số thí sinh đạt điểm tuyệt đối là hơn 4.300 trong tổng hơn 867.000.
Ở góc độ của học sinh, Nguyễn Thanh Quý, lớp 12, Phú Thọ, nói "miễn thi cho thí sinh IELTS 4.0 rồi tính thành 10 điểm Tiếng Anh là dễ dãi". Tuy nhiên, em không mấy quan tâm bởi bằng tốt nghiệp THPT không ghi loại khá hay giỏi, chỉ cần đạt 5 trở lên là được.
Dù cho là không công bằng, các giáo viên khẳng định rất hiếm thí sinh thi IELTS để lấy 4.0 nhằm miễn thi tốt nghiệp THPT. Cô Huyên nhìn nhận IELTS 4.0 là mức thấp, học sinh có ý định thi IELTS gần như không bao giờ bằng lòng với số điểm đó.
Thạc sĩ Tú Phạm, nhà sáng lập nền tảng luyện thi Prep, dẫn dữ liệu do Hội đồng Anh công bố cho thấy điểm trung bình của người Việt khi thi IELTS khoảng 6.0. Học sinh thi IELTS thường đặt mục tiêu 6.5-7.0 để xét tuyển đại học hay du học.
Hơn nữa, thời gian và chi phí để ôn và thi được chứng chỉ IELTS không hề nhỏ. Riêng lệ phí thi một lần đã hơn 4,7 triệu đồng.
"Nếu mục tiêu để miễn thi tốt nghiệp, tôi nghĩ học sinh thi tiếng Anh để được trên điểm liệt sẽ dễ hơn nhiều thi IELTS 4.0", ông Tú nói.
Thực tế, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc có 344 học sinh THPT đăng ký thi IELTS trên địa bàn. Hầu hết đạt 5.5 trở lên, trong đó gần 130 em đạt từ 7.0 đến 8.0 IELTS.
Ngoài ra, việc tính điểm 10 Ngoại ngữ cho thí sinh có IELTS 4.0 chỉ áp dụng khi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường đại học thường quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ sang một mức điểm nhất định, rồi xét kết hợp với điểm thi tốt nghiệp hoặc điểm học bạ theo tổ hợp môn, chứ không tính điểm 10 ngoại ngữ với thí sinh được miễn thi tốt nghiệp để xét tuyển.
Mức quy đổi giữa các trường cũng khác nhau, nhưng thường từ 5.5 IELTS trở lên được xét tương đương 8-10 điểm môn Tiếng Anh. Do đó, việc tính điểm 10 cho thí sinh đạt 4.0 IELTS để xét tốt nghiệp gần như không gây ra sự bất bình đẳng với phương xét điểm thi tốt nghiệp vào các trường đại học.
Nếu muốn dùng phương thức này, theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đã hưởng quyền miễn thi Ngoại ngữ vẫn được đăng ký thi môn này để lấy điểm xét tuyển.
Dương Tâm - Bình Minh