Tiến sĩ Scott Gottlieb, thành viên hội đồng quản trị hãng dược Pfizer, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho rằng đây là một ý tưởng tồi tệ. Ông đề xuất dùng 35 triệu mũi trong lần tiêm đầu tiên, tin rằng 40 triệu mũi tiếp theo sẽ kịp thời được sản xuất đủ cho đợt tiêm thứ hai dự kiến diễn ra vào tháng 1.
Với cách làm này, sẽ có nhiều người Mỹ được tiêm chủng hơn trong bối cảnh nước này trải qua giai đoạn tồi tệ nhất từ đại dịch Covid-19, Gottlieb giải thích.
"Ngay bây giờ, Chính phủ Mỹ cần tập trung tiêm mũi đầu tiên cho nhiều người nhất có thể", Gottlieb nói, dẫn chứng báo cáo gần 200.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. "Tôi không nghĩ mọi người nên để dành vaccine tại thời điểm này. Vấn đề tiềm tàng sẽ gây ra nhiều thách thức khác. Chúng ta nên mạo hiểm".
Giáo sư Arthur Caplan, Đại học Y New York, đồng quan điểm với Gottlieb.
"Giữa tình hình dịch bệnh chết chóc, tiêm phòng cho nhiều người nhất có thể nhằm tối đa hóa số người được cứu sống là ưu tiên đạo đức của chúng tôi", Caplan chia sẻ. "Tôi sẽ chấp nhận một chút mạo hiểm về nguồn cung để đạt mục tiêu đó, với điều kiện các nhà sản xuất cam kết mũi tiêm thứ hai có khả năng cao được tiêm cho chính nhóm đã hoàn thành mũi thứ nhất".
Song, một số chuyên gia khác khẳng định sẽ không chấp nhận rủi ro. Lý lẽ này trở nên chắc chắn hơn sau khi Pfizer và đối tác BioNTech giảm số vaccine dự tính cung cấp tới cuối năm từ 100 triệu xuống 50 triệu mũi vì "vấn đề chuỗi cung ứng".
"Khó khăn lớn nhất khi sản xuất vaccine là chế tạo vaccine", tiến sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine, bác sĩ tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Philadelphia nhận định. "Sản xuất hàng loạt luôn là khâu khó nhất".
Vaccine Covid-19 của hai hãng Pfizer và Moderna đều được phát triển bằng công nghệ mRNA. Các hạt lipid mang mRNA vào cơ thể là thành phần khó sản xuất số lượng lớn nhất.
Chỉ khi mũi vaccine đầu tiên đạt hiệu quả 50%, lợi ích của việc tiêm 40 triệu người mới vượt qua các nguy cơ xảy ra khi hoãn mũi tiêm thứ hai. "Vì khi đó mọi người đã được bảo vệ một phần", Offit giải thích.
Tiêm phòng một lượng lớn người dân và không hoàn thành cả hai mũi cho họ là không hợp lý. Quyết định này không những mạo hiểm mà có thể giảm niềm tin vào vaccine, tiến sĩ Moncef Slaoui, cố vấn khoa học trưởng của Chiến dịch Thần tốc nhận định.
"Chúng ta vẫn chưa biết vaccine sẽ hoạt động thế nào nếu không tiêm mũi thứ hai vào tuần thứ ba hoặc tư sau mũi thứ nhất", Slaoui tuyên bố. "Chúng tôi muốn tiến hành các bước chính xác theo cách vaccine được nghiên cứu và phê duyệt".
Lê Hằng (Theo USA Today)