Xếp hàng mua xăng. |
Kịch bản giảm giá bán lẻ xăng dầu mới tuy nằm trên bàn của các chuyên gia tài chính, song đây thực sự là tin vui đối với người tiêu dùng. Sau bao nhiêu năm chỉ biết có tăng, lần đầu tiên trong lịch sử, người dân nghe nói đến phương án giảm giá bán lẻ. Với họ, trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu đang ngày càng đắt đỏ, giảm được khoản chi nào sẽ bớt được gánh nặng quỹ lương chừng ấy.
Bản thân các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối cũng không mấy bất ngờ trước nguồn tin giảm giá. Trong bối cảnh giá dầu thế giới "lúc mưa lúc nắng", lỗ lãi trong kinh doanh đã trở thành câu chuyện không mới. Theo các doanh nghiệp, giá thế giới hạ nhiệt mà Nhà nước vẫn thực hiện chính sách trợ giá nhập khẩu thì mức giảm 500 đồng/lít sẽ không tác động nhiều đến doanh thu của họ.
Ông Trần Minh Hà, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Sài Gòn Petro, nhận xét, năm ngoái khi giá xăng dầu thế giới giảm Chính phủ tăng thuế nhập khẩu lên mức cao nhất là 15% nhưng các nhà nhập khẩu vẫn đảm bảo nguồn cung cho thị trường. "Tuy thông tin giảm giá mới đang là dự kiến chưa thể nói thêm được điều gì, song tôi tin chắc Nhà nước đã có tính toán phù hợp đảm bảo không thiệt hại cho nhà nhập khẩu và người tiêu dùng", ông nói.
Trưởng phòng kinh doanh Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex) Lê Văn Hưởng cho rằng, lâu nay, giá cả là do Nhà nước quyết định. Lần này cũng vậy, nếu Chính phủ nói giảm thì doanh nghiệp dù muốn hay không cũng sẽ phải thực hiện theo. "Việc giảm giá bán lẻ xuống 500 đồng/lít xăng dầu cũng không quá khó đối với các doanh nghiệp, nhưng nếu mức giảm này cao hơn chắc chắn nhà nhập khẩu sẽ gặp khó khăn", ông Hưởng nói. Theo ông, thay vì giảm giá bán lẻ, Nhà nước nên tăng thuế nhập khẩu. Bởi thời gian qua, Nhà nước đã phải bù lỗ nhiều. Khi giá dầu giảm, nhà nước nên tận dụng cơ hội ít ỏi này để tăng thu ngân sách.
Theo các chuyên gia kinh tế, những lần tăng giá xăng dầu cho thấy, yếu tố tâm lý của người dân Việt Nam tác động không nhỏ tới diễn biến giá cả. Do vậy, trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu đang leo thang chóng mặt, việc điều chỉnh giá bán lẻ sẽ có tác động ít nhiều đến nền kinh tế nói chung.
Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Hội nhập Kinh tế Quốc tế (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) Võ Trí Thành, cho rằng, người tiêu dùng được lợi hơn cả từ việc giảm giá. Thay vì nâng thuế để tăng thu ngân sách, Nhà nước quyết định chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng bằng việc giảm giá, điều này chứng tỏ chính sách điều hành của Nhà nước đã bắt đầu linh hoạt hơn.
"Dù mức giảm 500 đồng/lít chẳng thấm tháp vào đâu so với những gì mà người dân phải gánh chịu trong những đợt tăng giá, song sẽ khiến người dân tin tưởng vào sự điều tiết của Nhà nước", ông Thành nói. Theo ông, việc giảm giá trở thành hiện thực sẽ tạo tâm lý rất tốt cho người dân và bản thân doanh nghiệp. Họ sẽ cảm thấy sòng phẳng hơn khi giá trong nước dần tiếp cận thị trường, có lên có xuống.
Đồng tình với quan điểm này, Viện trưởng Viện kinh tế TP HCM Trần Du Lịch cũng cho rằng, giá xăng giảm đương nhiên có tác động tốt đến nền kinh tế nói chung và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng. "Điều quan trọng, Nhà nước nên xem xăng dầu cũng là một loại hàng hóa có thể tự điều tiết giá theo cơ chế thị trường", ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Dù giá dầu được dự báo là sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp, ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế vĩ mô Viện Kinh tế Việt Nam, cũng không cảm thấy yên tâm. Ông Thiên cho rằng, làm cả hai việc, tăng thuế và giảm giá một lúc là một việc làm mạo hiểm trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng giảm ra sao vẫn còn là ẩn số. Hơn nữa, giảm giá ở mức 500 đồng sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì, trong khi Nhà nước lại thất thu thêm một khoản thuế.
Điều ông Thiên lo lắng nhất hiện nay là hậu quả mà cả đất nước phải chịu từ việc giảm giá, đó là nạn buôn lậu xăng dầu. Giảm giá khiến mức chênh lệch giữa giá bán của VN với các nước trong khu vực cao hơn, càng dễ làm cho nạn chảy máu nguyên liệu qua biên giới bùng phát trở lại. "Có thể sẽ tàn nhẫn với người tiêu dùng, song nếu lúc này mà nói ngay đến chuyện giảm giá, tổn thất mà cả đất nước phải gánh chịu do nạn buôn lậu gây ra sẽ không thể kể hết", ông Thiên nói.
Vấn đề còn lại theo ông, Nhà nước cần tính toán thiệt hơn để chọn 1 trong 2 phương án cho phù hợp. Hoặc là giảm giá để kìm chế lạm phát hoặc giữ nguyên giá bán như hiện hành để hạn chế buôn lậu.
Nhiều chuyên gia kinh tế tại TP HCM thẳng thắn cho rằng, quan điểm giảm giá tăng thuế và ngược lại đều là cách "tư duy buôn thúng bán mẹt" chứ chưa tương xứng vai trò điều hành kinh tế vĩ mô theo quan điểm của Nhà nước.
"Không chỉ tác động đến quyền lợi của các nhà kinh doanh xăng dầu mà việc giảm giá xăng còn ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế khác như hàng không, vận tải hành khách, người tiêu thụ... Bộ Tài chính phải có cái nhìn toàn diện hơn khi quyết định tăng giảm giá hay thuế", chuyên gia kinh tế Trần Tô Tử nói.
Theo ông Tử, giảm giá nhưng tăng thuế thì mặt bằng giá không giảm nhiều. Bài toán được ông Tử thử tính là giảm giá xăng 500 đồng nhưng tăng thuế 300 đồng, doanh nghiệp sẽ tính cộng vào giá thành xăng dầu bán cho người tiêu dùng, như vậy mức giảm cuối cùng mà người tiêu dùng được hưởng 200 đồng là không đáng kể.
Một số chuyên gia khác cũng nhận định, những tháng còn lại của năm sẽ rất nhạy cảm nếu các chính sách giá thay đổi. Hơn nữa, giá dầu thế giới hạ nhiệt trong khoảng thời gian chưa dài nên cần tính toán một cách thận trọng để đưa ra các kịch bản trong điều kiện giá dầu giảm tiếp, giữ nguyên hoặc tăng lên.
Nhóm phóng viên