Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo nên đeo khẩu trang trong các tòa nhà và sân bay, ga tàu, song giới chức y tế nước này ngày càng thúc giục áp dụng biện pháp chung sống với Covid-19. Hàng loạt bang tại Mỹ dần bỏ quy định khẩu trang trong các doanh nghiệp, địa điểm công cộng.
Tuy vậy, khẩu trang trường học vẫn được áp dụng triệt để và duy trì tới nay tại nhiều bang ở Mỹ. Vấn đề này từ lâu đã gây chia rẽ nội bộ đất nước, thúc đẩy các cuộc tranh luận và biểu tình gay gắt tại các cuộc họp hội đồng trường, thậm chí các cuộc chiến pháp lý.

Yvonne Moniz, phải, giáo viên Tiểu học Challenger, cùng giáo viên lớp ba Donna Sacco của Tiểu học Oakland Park, thứ hai từ phải sang, và giáo viên lớp bốn Tiểu học Oriole Yolanda Smith (giữa) thuyết phục những người biểu tình rằng tất cả học sinh cần đeo khẩu trang để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, trong cuộc biểu tình bên ngoài Hội đồng Trường học Quận Broward hôm 10/8/2021. Ảnh: USA Today
Phía ủng hộ nhấn mạnh quy định này góp phần giảm các trường hợp nhiễm, mắc bệnh, nhập viện và tử vong do Covid-19 trong bối cảnh tiêm vaccine cho trẻ em chưa đầy đủ. Phía khác cho rằng việc đeo khẩu trang trong thời gian dài sẽ tạo ra gánh nặng quá lớn cho trẻ em, tác động đến sức khỏe và sự phát triển của chúng.
Tiến sĩ Shira Doron, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và là nhà dịch tễ học tại Trung tâm Y tế Tufts ở Boston, cho biết: "Chúng ta không thể duy trì mãi sự cảnh giác cao độ như vậy, sẽ rất mệt mỏi và suy sụp".
Tình thế thay đổi
Các quan chức ở bốn bang Connecticut, Delaware, New Jersey và Oregon đã công bố kế hoạch dỡ bỏ quy định về khẩu trang học đường trên toàn bang, để trường học địa phương tự quyết định. Pennsylvania tuyên bố chấm dứt việc này vào tháng trước.
Giới chức ở những nơi này cho biết chính sách thay đổi do việc tiếp cận tiêm chủng cho trẻ em ngày càng tăng và số ca mắc bệnh ngày càng giảm. Thống đốc Delaware, John Carney, cho biết quy định khẩu trang của bang sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3 để "các bậc cha mẹ có thời gian tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi đi học".
California, Massachusetts và Rhode Island cũng đang trong quá trình xem xét các chính sách của họ.
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng ủng hộ chính sách "gỡ khẩu trang". Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, nói với đài CBS rằng nước Mỹ đang ở "thời điểm an toàn" để người dân có thể thoát khỏi khẩu trang.
Gottlieb nói: "Chúng ta cố gắng đảm bảo học sinh ở các trường đều khỏe mạnh trong học kỳ mùa xuân này. Rất nhiều trẻ em không được đến trường trong hai năm nay, vì vậy cần hướng về phía trước một cách tích cực để khôi phục và giành lại điều đó cho con em chúng ta".
Tiến sĩ, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học George Washington - Leana Wen - cũng kêu gọi chấm dứt đeo khẩu trang. "Tình thế đã thay đổi. Chúng ta đã rất khác so với một năm trước, thậm chí một tháng trước", Wen nói. "Cần đánh giá lại các quy định về dịch, đặc biệt là trong trường học".
Đeo khẩu trang có hại không?
Một số chuyên gia y tế lo ngại đeo khẩu trang trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho trẻ.
Margery Smelkinson, nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm, cho biết có thể phải trả giá cho việc đeo khẩu trang lâu dài, nhưng tác hại của việc này khó định lượng vì chúng phức tạp và mất nhiều năm để tìm hiểu rõ ràng.

Học sinh đeo khẩu trang trong một lớp học ở Rye, New York. Ảnh: USA Today
Smelkinson nhấn mạnh Tổ chức Y tế Thế giới không khuyến nghị đeo khẩu trang cho trẻ em năm tuổi trở xuống.
Doron, cũng là mẹ của hai học sinh trung học, nói với USA Today, bà lo việc đeo khẩu trang trong thời gian dài góp phần gây ra khủng hoảng sức khỏe tinh thần ở thanh thiếu niên và đối với bà đây là sự trừng phạt trong trường học.
"Những gì tôi thấy là sự cản trở mối quan hệ giữa trẻ em và giáo viên. Ở trường trung học của các con tôi, giáo viên chỉ tập trung vào kỷ luật và đưa ra hình phạt cho việc quên đeo khẩu trang. Mối quan hệ đó không còn là hỗ trợ và giáo dục nữa mà là thực thi luật pháp", Doron nói.
Jennifer Knips, bác sĩ nội trú ở Virginia, viết trên tờ Time tuần trước: "Học sinh lớp một của tôi đã phải học cách đọc và kết bạn mà không bao giờ nhìn thấy miệng của giáo viên hoặc khuôn mặt của các bạn khác".
Phía ủng hộ lo lắng
Dư luận về việc đeo khẩu trang trong trường học có thể đang thay đổi, nhưng vấn đề này vẫn gây chia rẽ trong cộng đồng y tế. Một số chuyên gia y tế bày tỏ sự thận trọng.
Tiến sĩ Gigi Gronvall, học giả cấp cao tại Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Y tế tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg nói: "Tôi không hài lòng về việc bỏ khẩu trang. Tôi lo trường học sẽ phải đóng cửa".
Gronvall cho biết bà thấy các bình luận về sự bất lợi của việc đeo khẩu trang lan truyền trên mạng xã hội nhưng chưa thấy bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh điều đó.
"Covid chắc chắn có tác động rất lớn đến trẻ em, nhưng những chiếc khẩu trang thì không. Dường như chỉ có người lớn mới cảm thấy phiền", Gronvall nói.
CDC Mỹ tiếp tục khuyến nghị đeo khẩu trang cho tất cả giáo viên, nhân viên, học sinh và khách đến các trường. Học viện Nhi khoa Mỹ cho biết họ vẫn ủng hộ đeo khẩu trang trong trường học cho tất cả học sinh từ hai tuổi trở lên "trừ một số ngoại lệ".
Tiến sĩ Nathaniel Beers, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Trung ương và là thành viên của Hội đồng Học viện Nhi khoa Mỹ về Y tế học đường, cho biết trẻ em đã chứng minh rằng chúng "có khả năng đeo khẩu trang và vẫn học hỏi được".
Beers nói: "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều mong muốn cởi bỏ chiếc khẩu trang. Chúng ta đang tiến gần đến nơi có thể thực hiện điều đó một cách an toàn nhưng cần phải xem xét một số thách thức".
Trẻ em dưới năm tuổi vẫn chưa đủ điều kiện để tiêm chủng, và những trẻ chưa được tiêm chủng vẫn dễ bị tổn thương, ông nói. Khoảng 22% trẻ em Mỹ từ 5 đến 11 tuổi và 56% thanh thiếu niên 12 đến 17 tuổi, được tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu của CDC.
Tiến sĩ Alin Abraham, bác sĩ nhi khoa của Bệnh viện Northwestern Medicine Central DuPage, cho biết điều quan trọng cần nhớ là trẻ em không miễn dịch với Covid-19. Khoảng 1.000 trẻ em đã chết vì đại dịch này ở Mỹ, và làn sóng Omicron khiến nhiều trẻ em phải nhập viện hơn bao giờ hết.
Thảo Phương (Theo USA Today)