Lydia Rodriguez, 42 tuổi, giáo viên dạy piano ở thị trấn nhỏ La Marque, bang Texas, qua đời hôm 16/8, hai tuần sau khi chồng là Lawrence, 49 tuổi, mất sau thời gian chống chọi với nCoV.
Dottie Jones, em họ của Rodriguez, cho hay hai vợ chồng bà đều không tin vào vaccine. Khi Rodriguez thay đổi suy nghĩ thì đã quá muộn.
"Trước khi đặt nội khí quản, điều cuối cùng chị ấy nói với em gái là 'Xin hãy tiêm phòng cho mấy đứa trẻ nhà chị'", Jones kể. "Chị ấy đáng lẽ vẫn còn sống bên con nếu tiêm vaccine".
Vợ chồng Rodriguez nằm trong số hàng chục triệu người Mỹ chưa tiêm một mũi vaccine nào trong bối cảnh biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng khắp cả nước. Chỉ 59,6% người Mỹ đủ điều kiện tiêm vaccine đã chủng ngừa đầy đủ, trong lúc chiến dịch tiêm chủng của chính phủ vấp rào cản lớn từ các bang chính trị bảo thủ như Texas.
Do số ca nhiễm tăng cao, giới chức Mỹ đã phê duyệt tiêm liều bổ sung cho tất cả những người trưởng thành, bắt đầu từ cuối tháng 9. Bản thân Jones làm nghề y tá, cho hay đã cố gắng thuyết phục Rodriguez đi tiêm, nhưng vô ích.
"Tôi rất đau lòng bởi người ta tin vào những thông tin sai lầm ngoài kia", cô nói. "Tin thất thiệt đang giết chết mọi người và chúng ta cần phải giúp họ hiểu đâu là sự thật".
Jones tổ chức chiến dịch gây quỹ giúp đỡ con cái của Rodriguez và quyết định công khai câu chuyện nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi mọi người đi tiêm.
"Đó là thực tế xảy ra ngay trong gia đình tôi, đó là câu chuyện có thực về nguy cơ có thể xảy ra", Jones nói. "Tôi không muốn dọa ai hết. Tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng loại virus này là có thật và chủng Delta này khủng khiếp hơn bất cứ thứ gì chúng ta từng thấy".
Ở Texas, một trong những bang lớn nhất nước Mỹ, Delta đã trở thành chủng trội và số ca tử vong tăng đột biến, chủ yếu ở người chưa tiêm phòng. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng ở Texas đang tăng tốc trong những tuần gần đây. Gần 55% người Texas trên 12 tuổi đã tiêm đủ hai mũi và 66% đã tiêm ít nhất một mũi.
Hồng Hạnh (Theo AFP)