Susan Johnson, 62 tuổi, là nhân viên lễ tân một xưởng đóng tàu tại thành phố Ozark Mountains, bang Arkansas, miền nam nước Mỹ. Bà nghĩ bản thân không cần tiêm vaccine vì không bao giờ rời khỏi nhà mà không đeo khẩu trang.
Hai tuần trước, bà trở thành một bệnh nhân của 2 West, khu điều trị Covid-19 tại Trung tâm Y tế Khu vực Baxter, một trong những bệnh viện lớn nhất bang Arkansas. Suốt 10 ngày sau đó, bà Johnson phải thở máy.
Johnson không phải người duy nhất ở bang Arkansas khước từ vaccine. Linda Marion, 68 tuổi, mắc bệnh phổi mạn tính nên lo rằng tiêm vaccine có thể khiến bà nhiễm nCoV và tử vong. Barbara Billigmeier, 74 tuổi, tin bà không cần vaccine vì "chưa từng bị ốm".
Nhưng cả hai sau đó đều nằm cùng khu điều trị với bà Johnson. Billigmeier chia sẻ điều đáng sợ nhất khi mắc Covid-19 là "không thể thở", trong khi Marion cho rằng có lúc bà cảm thấy ốm yếu và sợ hãi tới mức muốn từ bỏ cuộc sống.
"Thật khủng khiếp. Tôi cảm thấy như mình không thể chịu đựng thêm được", bà nói.
Tuy nhiên, cả ba đều không định thay đổi suy nghĩ về vaccine dù từng đối mặt với tử thần. "Nó quá mới. Nó giống như thí nghiệm", bà Billigmeier cương quyết.
Trong khi phần lớn nước Mỹ dần trở lại cuộc sống bình thường, Covid-19 tiếp tục tấn công những nơi như Mountain Home, thành phố chưa tới 13.000 dân, cách không xa biên giới bang Missouri. Giới chức y tế cho biết biến chủng Delta được ghi nhận trong hơn một nửa số ca nhiễm mới của Mỹ.
Biến chủng nguy hiểm này đã cho thấy bức tranh đại dịch ngày càng tương phản ở Mỹ. Delta hầu như không gây ra đợt bùng phát lớn ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, trong khi đe dọa làm đảo lộn cuộc sống tại những vùng có ít người tiêm vaccine.
Tại hạt Baxter, chưa đến 1/3 dân số tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn mức trung bình của bang và cả nước. Thậm chí, tỷ lệ này còn thấp hơn ở các hạt lân cận Trung tâm Y tế Khu vực Baxter.
"Bệnh viện đã quá tải", tiến sĩ Rebecca Martin, bác sĩ chuyên khoa phổi, nói khi đang đi kiểm tra khu vực 2 West buổi sáng tuần trước.
Trong nửa đầu tháng 6, bệnh viện chỉ điều trị cho trung bình 1-2 bệnh nhân Covid-19 một ngày. Nhưng hôm 15/7, 22 trong số 32 giường của khu vực này đã được lấp đầy. Năm người khác đang trong phòng chăm sóc đặc biệt. Chỉ trong một tuần, số ca bệnh Covid-19 tăng hơn 30%.
Arkansas nằm trong nhóm có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Mỹ, khi chỉ 44% dân số của bang được tiêm ít nhất một liều.
"Chúng tôi đã thử mọi thứ có thể", Robert Ator, đại tá Vệ binh Quốc gia về hưu, người phụ trách nỗ lực tiêm chủng của bang, nói và thêm rằng đối với khoảng 1/3 dân cư ở đây "không điều gì có thể khiến họ chịu tiêm vaccine".
Arkansas đang phải trả giá cho điều này. Tỷ lệ nhập viện tăng bốn lần kể từ giữa tháng 5. Hơn 1/3 bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt. Tỷ lệ tử vong cũng có xu hướng tăng.
"Tôi muốn nói là chúng tôi chắc chắn đã chạm ngưỡng đáng báo động", Mark Williams, hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng tại Đại học Y khoa Arkansas, cảnh báo.
Tại Trung tâm Y tế Khu vực Baxter, nhiều bác sĩ và y tá đang gồng mình chống đỡ đợt bùng phát mới, trong khi đã kiệt sức vì đại dịch.
"Tôi bắt đầu có những dấu hiệu như bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn", Martin, người bị ám ảnh vì chăm sóc quá nhiều ca bệnh, nói. "Điều này nghe có vẻ ích kỷ nhưng đó là sự thật: mọi người không tiêm vaccine đồng nghĩa tôi không thể về nhà và ăn tối cùng các con", cô nói.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết ngăn chặn đại dịch bằng cách cung cấp thêm xét nghiệm, điều trị, hay khuyến khích tiêm chủng thông qua các chiến dịch vận động và điều nhân viên y tế gõ cửa từng nhà thuyết phục. Song giới quan sát cho rằng công chúng Arkansas đã "bão hòa" với các chương trình khuyến khích tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng gặp trở ngại ngay cả với nhân viên y tế, khi chỉ khoảng 40% chấp nhận vaccine.
Tuy nhiên, suy nghĩ về vaccine của nhiều người đã thay đổi hoàn toàn sau khi đặt một chân vào cửa tử vì Covid-19.
Ashton Reed, 25 tuổi, một điều phối viên của văn phòng công tố, đang mang thai tuần 30 khi nhập viện trong tình trạng nguy kịch ngày 26/5. Để cứu cô, bác sĩ đã phải mổ lấy thai và sau đó sử dụng máy ECMO, máy hỗ trợ tim phổi, cho Reed. Chồng cô cho biết quá trình bệnh chuyển xấu chỉ trong 10 ngày.
"Tôi suýt chết. Chắc chắn tôi sẽ thay đổi quan điểm về vaccine", cô nói.
David Deutscher, một cựu chiến binh không quân Mỹ 49 tuổi, cho biết ông đã chiến đấu với Covid-19 ở nhà trong 10 ngày trước khi nhập viện với cơn sốt hơn 40 độ C.
Khi phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng không thể giúp tình hình được cải thiện, Deutscher nói "đó có lẽ là nỗi sợ hãi lớn nhất mà tôi từng trải qua". Ông gọi cho một người bạn, là con gái của một người nghiên cứu y khoa, và khẩn thiết "xin đừng để tôi chết".
Deutscher cho biết ông chưa từng tiêm vaccine vì nghĩ khẩu trang là đủ. Trong 21 năm qua, ông chỉ bị cúm một lần.
"Khi bắt đầu cảm thấy khá hơn, tôi đã lấy điện thoại và gọi cho mọi người để thúc giục họ tiêm vaccine", ông nói và thêm rằng không thể đợi tới khi xuất viện để làm điều đó. Ông cảnh báo bạn bè Covid-19 "không phải trò đùa" và ba người bạn của ông cuối cùng đã chịu tiêm vaccine.
Deutscher trở về nhà hôm 9/7, mang theo một bài hát mà ông viết khi nằm viện dành cho một trong năm đứa cháu của mình. Đó là một bài hát về giá trị của cuộc sống.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)