Sau thành công của Bố già (2022), Nhà bà Nữ (2023) - có doanh thu vượt 400 tỷ đồng, Trấn Thành ra mắt Mai - chiếu rạp mùng Một Tết 2024. Dịp này, diễn viên kiêm đạo diễn nói về quá trình thực hiện tác phẩm và cảm hứng làm phim.
- Cảm xúc của anh khi chuẩn bị ra mắt phim ấp ủ trong ba năm, do anh xây dựng câu chuyện và đạo diễn?
- Trước khi ra rạp, phim có buổi chiếu dành cho báo chí và một số khán giả. Tôi cứ nghĩ mình đã xem bản dựng hàng trăm lần, chăm chút từng chi tiết rồi, nên chắc sẽ thấy bình thường. Nhưng không, ở hàng ghế khán giả, bên cạnh vợ và em gái, tôi không thể kiềm được sự hồi hộp, xúc động.
Mai là một phim có các nhân vật được xây dựng với tâm lý phức tạp nên tôi phải suy nghĩ rất nhiều, kể câu chuyện sao để sinh động, không bị nhàm chán, đảm bảo được cảm xúc từng phân đoạn. Ngồi chung với khán giả, tôi như xem lại bộ phim lần đầu tiên, cảm nhận mọi người đồng điệu cùng câu chuyện, điều đó khiến tôi hạnh phúc.
- Điều gì thôi thúc anh thực hiện "Mai"?
- Tôi đưa vào bộ phim này không chỉ là trải nghiệm sống mà còn là những quan sát về nhiều cảnh đời. Có những người không được chọn hoàn cảnh bắt đầu, luôn có quá khứ đeo bám. Nhiều khi, vì quá khứ không hay, họ rơi vào những tình huống éo le. Không lẽ vì điều đó, họ không có quyền được hy vọng và vui sống hay sao? Mai là đại diện cho sự hy vọng, vào niềm tin vượt qua nghịch cảnh và vươn lên của mỗi người khi bị đặt vào số phận không may mắn.
Tôi nghĩ ra ý tưởng, câu chuyện cho bộ phim, xây dựng tình tiết, đường dây nhân vật. Sau đó, tôi cùng biên kịch Bình Bồng Bột phát triển những chi tiết hay. Nếu không tìm được ý hay để triển khai, tôi dừng lại, đó là lý do vì sao Mai ấp ủ trong ba năm mới ra rạp. Bình Bồng Bột từng nhiều lần muốn bỏ dự án này vì không chịu nổi tôi. Tôi phải nhiều lần nói với anh ấy là hãy kiên nhẫn đi cùng bộ phim. Cuối cùng, chúng tôi cũng làm được tác phẩm như mong muốn.
- Áp lực lớn nhất của anh khi bắt tay làm phim điện ảnh thứ ba?
- Diễn biến câu chuyện của Mai phức tạp hơn Bố già, Nhà bà Nữ dù không thiếu tiếng cười, ngoài ra, phim đi vào tâm lý nhân vật nên cách kể chuyện khó hơn với tôi. Với một câu chuyện nặng về phần tâm lý, tôi vẫn chưa biết khán giả sẽ đón nhận phim ra sao. Vì vậy, áp lực của tôi là sự phản hồi của người xem.
Thông thường, nhiều khán giả xem việc ra rạp mùa Tết là để xem phim có nội dung vui vẻ. Tôi muốn qua tác phẩm của mình, thay đổi phần nào suy nghĩ đó. Đầu năm mới, ngoài việc ăn uống, vui chơi với nhau thì việc đi xem một bộ phim hay cùng người thân, theo tôi là điều tuyệt vời.
- Anh đặt kỳ vọng gì vào phim mới?
- Tôi hiểu mình đang làm gì, đủ tình yêu và luôn có trách nhiệm với tác phẩm. Tôi làm một bộ phim không chỉ để cho khán giả giải trí mà muốn góp một thông điệp nào đó cho xã hội. Tôi mong khi người ta xem phim của Trấn Thành sẽ có đôi chút suy nghĩ, nhìn lại cuộc sống của họ, biết đâu có những thay đổi theo hướng tích cực hoặc góc nhìn mới. Chức năng của nghệ thuật ngoài tạo ra cái đẹp, còn tạo ra điều hữu ích cho xã hội. Với tôi, một tác phẩm không có thông điệp là một tác phẩm không trọn vẹn.
Tôi luôn sợ khán giả không thích coi phim Việt. Với sự cố gắng của bản thân, tôi mong các đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất cùng chung tay, trách nhiệm với dự án theo đuổi, tạo ra tác phẩm để vài năm sau mọi người không còn e ngại với quan niệm "sợ phim Việt".
Tôi nói không đặt nặng doanh thu với Mai vì đây là một thử thách mới của tôi. Bởi phim này không có chủ đề phù hợp số đông. Nhưng hiển nhiên, tôi vẫn mong muốn tác phẩm sẽ phá được kỷ lục của Bố già, Nhà bà Nữ. Còn không, ít ra phim doanh thu tốt, có lời, để tôi còn vốn làm phim tiếp theo. Nếu được khán giả đón nhận, tôi càng có niềm tin rằng: Chủ đề phim không phải là điều duy nhất mang khán giả đến rạp mùa Tết mà còn là chất lượng.
- Nhưng có nhận xét phim của Trấn Thành vẫn quanh quẩn đề tài mâu thuẫn gia đình, mối quan hệ đời thường, thậm chí là "hàng chợ", anh nghĩ sao?
- Những người yêu thích Trấn Thành sẽ không cho rằng tôi làm "phim chợ". Từ "chợ" ẩn bên trong đó là sự thành kiến về một nơi đông đúc, ồn ào. Tôi cho là "chợ" hay không nằm trong trình độ của người tạo ra tác phẩm và giá trị mang lại. "Chợ" không nằm ở đề tài. Tôi nghĩ "phim chợ" hay "phim nghệ thuật" là cách cảm nhận, đón nhận của mỗi người. Bất cứ ý kiến nào, tôi cũng vui vẻ đón nhận để hiểu mọi người đang nghĩ gì về mình. Tôi không cần chứng minh điều gì mà vẫn cứ làm phim thôi.
- Cũng có người nói phim của Trấn Thành hay "có mặt Trấn Thành" sẽ không xem. Anh nói gì về những bình luận này?
- Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Việc đi xem phim nào tùy thuộc vào sự lựa chọn và gu của khán giả. Dù vậy, tôi vẫn tin số người thương tôi nhiều hơn người ghét. Bằng chứng là đến nay tôi vẫn hoạt động trong nghề, tôi có phim bán được năm triệu chiếc vé. Tôi phải cố gắng làm tốt vai trò hiện tại để người thương mình không bị thất vọng.
- Là tay ngang, từ vai trò nhà sản xuất đến khi được gọi là đạo diễn, anh đã làm việc thế nào?
- Tôi muốn làm nhiều vai trò, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên trong các phim của mình vì tôi sống theo chủ nghĩa cầu toàn. Thậm chí, tôi còn tham gia khâu biên kịch, chỉ đạo sản xuất, viết lời thoại, mỹ thuật. Trong quá trình thực hiện Mai, tôi bị stress, tăng cân không kiểm soát từ 75 kg đến 83 kg, dạ dày bị trào ngược, ngủ không đủ giấc. Sau khi xong phim, tôi giảm được 3 kg và sẽ ốm lại nữa khi tập thể dục. Nhưng đó là về thể chất, chứ còn về tinh thần tôi không thấy mệt mỏi khi làm việc với cường độ cao, chỉ thấy vui.
Trấn Thành tên đầy đủ Huỳnh Trấn Thành, 37 tuổi, là diễn viên, người dẫn chương trình, nhà làm phim. Năm 2021, anh gây tiếng vang khi làm phim điện ảnh đầu tay Bố già, đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng và nhiều giải thưởng trong nước như Bông Sen Vàng, Cánh Diều Vàng. Dịp Tết Quý Mão, anh phát hành Nhà bà Nữ - tác phẩm đầu tiên tự đạo diễn, đạt doanh thu 458 tỷ đồng, cao nhất mọi thời tại phòng vé trong nước. Hồi tháng 10/2023, anh đóng bác Ba Phi trong Đất rừng phương Nam (đạo diễn Quang Dũng) - tác phẩm lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của Đoàn Giỏi.
Thoại Hà - Tâm Giao